Sốc với cơn lốc giá vàng

Giá vàng liên tục tăng, thay đổi từng giờ. Hiện thương hiệu SJC được giao dịch ở mức 92,2 triệu đồng/ lượng. Những bất cập và chênh lệch lớn về giá vàng trong nước và thế giới đã khiến các chuyên gia đưa ra kiến nghị: Sớm cho nhập khẩu vàng để chặn đà tăng giá vàng vì tâm lý.

Giá vàng thương hiệu SJC sáng ngày 10/5 giao dịch chạm ngưỡng 92 triệu đồng/ lượng. Ảnh: H.H.

Giá vàng “phi nước đại”

14 giờ 9 phút ngày 10/5, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp (DN) vàng cập nhật ở mức giá 92,2 triệu đồng ở chiều bán ra. Như vậy, chỉ trong ngày 10/5, các DN vàng liên tục phải điều chỉnh giá, tính theo từng phút.

Trước đó, lúc 11 giờ trưa 10/5, giá vàng SJC mua vào - bán ra là 89,70 – 92,00 triệu đồng/lượng, tăng 2,5 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên ngày 9/5. Tại PNJ, giá vàng SJC giao dịch 88,80 – 91,80 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng niêm yết là 89,50 – 92 triệu đồng/lượng.

Mức giá 92 triệu đồng/ lượng đang là mức cao nhất chưa từng có, và bỏ xa giá vàng thế giới 18,5 triệu đồng/lượng. Trước đó, lúc 10 giờ sáng 10/5, giá 1 lượng vàng SJC mua vào – bán ra là 88,90 – 91,20 triệu đồng/lượng. Còn với vàng nhẫn tròn trơn, thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 74,97 – 76,47 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy nhận định, gần “đỉnh sóng”, giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ “làm giá” hơn cổ phiếu vì chỉ có vài DN kinh doanh vàng lớn. Trong “cơn sóng” vàng này, DN vàng sẽ chịu thiệt nên họ để khoảng cách mua vào - bán ra lớn.

Vị chuyên gia này cũng phân tích, dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của DN vàng sau những đợt giá vàng “dậy sóng”, song lợi nhiều nhất vẫn là “nhà cái”.

Nhiều quan điểm cũng cho rằng, muốn trị được "cơn điên" giá vàng cần nhanh chóng cho phép các DN được nhập khẩu vàng. Khi cho phép nhập khẩu vàng, DN sẽ tìm được nguồn hàng hợp lý, và vàng sẽ được giao rất nhanh. Giá vàng trong nước sẽ hết cảnh “một mình một chợ”.

Giá vàng tăng nóng lại tái diễn cảnh người dân chen nhau mua bán vàng. Tại một số diễn đàn kinh doanh về vàng, một số nhà đầu tư còn đưa ra dự báo, giá vàng sẽ lên 3 con số ( 100 triệu đồng/lượng).

Đấu thầu vàng - kích hoạt tăng giá?

Còn nhớ, thời điểm tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên của năm 2024 (ngày 23/4), giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 10 triệu đồng/lượng, giá vàng giao dịch 82 triệu đồng/lượng. Trải qua 5 lần gọi thầu với 2 lần đấu thầu vàng thành công với quãng thời gian hơn 2 tuần giá vàng trong nước đã tăng 10 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng SJC tăng ngoài sức tưởng tượng, khoảng cách giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 18 triệu đồng/lượng khiến cho mọi người hoài nghi về đấu thầu vàng. Đã đến lúc cơ quan quản lý phải có công cụ quản lý hợp lý hơn với thị trường vàng. Việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, mà thậm chí còn kích hoạt tăng giá.

Giới chuyên gia phân tích, giá vàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong các buổi mời gọi thầu rất cao. Trong phiên đấu thầu vàng ngày 8/5, có DN còn trúng thầu với giá 86,05 triệu đồng/ lượng. Khi người dân thấy giá vàng được Ngân hàng Nhà nước bán ra cao sẽ kéo theo hoài nghi, giá vàng mua bán ở ngoài thị trường chắc chắn cao hơn.

Chia sẻ với báo giới, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw nhận định, trong bối cảnh hiện tại, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng có vẻ chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, khi mà các phiên đấu thầu liên tục bị hủy do thiếu sự tham gia của các đơn vị. Điều này cho thấy có một sự không tương xứng giữa cung và cầu trên thị trường vàng, cũng như có thể phản ánh những bất cập trong cơ chế tổ chức đấu thầu.

Để cải thiện tình hình, theo luật sư Hà, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại các điều kiện tham gia đấu thầu, mức đặt cọc và cách thức công bố thông tin đấu thầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng thương mại và DN kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại mức giá sàn và cơ cấu phiên đấu thầu cũng có thể cần được xem xét để phản ánh chính xác hơn tình hình cung cầu và diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế.

Sửa gấp Nghị định 24

Ngoài việc thay đổi các yêu cầu trong đấu thầu vàng, nhiều chuyên gia khẳng định, muốn ổn định thị trường vàng thì việc phải làm gấp là sửa đổi Nghị định 24/ 2012 về quản lý thị trường vàng. Cho phép các DN nhập khẩu vàng, đưa nguồn cung vàng tăng, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này có thể khiến giá vàng SJC giảm cả chục triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cần sửa quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và bỏ việc công nhận SJC là thương hiệu vàng miếng chuẩn quốc gia. Bởi đây là nguyên nhân chính làm cho giá vàng SJC luôn cao hơn giá thế giới.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Nghị định 24 chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng SJC được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh. Trong khi theo khảo sát của Hiệp hội và qua các buổi làm việc, các nước trên thế giới, trong đó có các nền kinh tế lớn, thì Ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng, bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường, nên chỉ có vai trò trong điều phối vàng dự trữ quốc gia.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nếu giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều thì đương nhiên giá tăng, nên chúng ta phải mở cửa, tạo điều kiện cho nhiều DN kinh doanh để có nguồn cung lớn hơn, cạnh tranh hơn. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho thị trường mua - bán, không có chuyện tăng giá phi lý như thời gian qua.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/soc-voi-con-loc-gia-vang-10279545.html