Sốc phản vệ - Triệu chứng và cách phòng tránh

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được xử lý kịp thời.

Theo các bác sĩ, tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ (SPV) và dẫn đến tử vong dù được đưa vào cơ thể bằng bất cứ đường nào, thường gặp nhất là các kháng sinh nhóm beeta lactam, thuốc chống viêm giảm đau, vaccine, huyết thanh, thuốc cản quang có iod và một số thuốc gây tê, gây mê. Trong đó, tỷ lệ SPV của các loại thuốc là 37/100.000 bệnh nhân dùng thuốc. Sốc phản vệ do penicillin khoảng 10 – 50/100.000 liều dùng và tỷ lệ tử vong là 1- 2/100.000 liều điều trị.

Ước tính, có khoảng 1-2% dân số toàn thế giới có ít nhất một lần sốc phản vệ (SPV) trong đời, riêng châu Âu là 4-5 trường hợp SPV/10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Tỷ lệ tử vong của sốc phản vệ ước tính là 1%.

Nguyên nhân gây sốc phản vệ

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm nhất, có thể gây tử vong nhanh trong vòng một vài phút bởi nó tác động xấu đến rất nhiều hệ thống cơ quan của người bệnh cùng một lúc, kết quả do sự giải phóng ồ ạt các hóa chất trung gian từ các tế bào.

Rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây sốc phản vệ nhưng thường gặp nhất và xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc, thử test, bị nọc côn trùng hay sau khi ăn một loại thức ăn lạ.

Triệu chứng

- Bệnh nhân thấy khó thở, ngạt, tím tái, suy hô hấp cấp do co thắt phế quản gây nghẹt thở. Sốc phản vệ gây phù dây thanh, phù khí quản, co thắt phế quản có trường hợp phù phổi.

- SPV làm giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, trụy tim mạch thường xuất hiện sớm do hậu quả của các chất hóa học đưa vào cơ thể. Thiếu oxy trong máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến toan máu và giảm co bóp cơ tim là giai đoạn nặng của sốc phản vệ.

- Bệnh nhân nhanh chóng bị đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức lơ mơ, nói lảm nhảm, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê.

- Nếu bị SPV do thực phẩm hay thuốc qua đường uống gây nên, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, ỉa chảy không kiểm soát, thậm chí chảy máu tiêu hóa.

- Da của người bị SPV bị mẩn ngứa, nổi mề đay, phù Quincke (là tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh và đột ngột ở cả vùng dưới và trên bề mặt của da và niêm mạc, chủ yếu xuất hiện ở lưỡi, môi, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng và bộ phận sinh dục).

- Mức độ nặng nhẹ của SPV phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của từng cơ thể, số lượng và tốc độ hấp thụ các chất lạ vào cơ thể và phụ thuộc vào thời gian xử lý điều trị. Những dấu hiệu sớm cần lưu ý: ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng.

- Nếu ở mức độ nặng, SPV xảy ra ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Người bệnh hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch huyết áp không đo được, tử vong sau vài phút, hãn hữu kéo dài vài giờ.

- Những diễn biến muộn xảy ra sau SPV như viêm cơ tim dị ứng, viêm thận, viêm cầu thận có thể dẫn đến tử vong. Có trường hợp SPV đã được xử lý nhưng 1-2 tuần sau đó xuất hiện hen phế quản, mề đay, phù Quincke tái phát nhiều lần.

Làm gì để phòng tránh

- Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, tử vong do SPV gây ra, các thầy thuốc và các cơ sở y tế khi khám bệnh cần khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, lưu ý các bệnh như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, mẩn ngứa hoặc sốc phản vệ do thuốc…, ghi vào bệnh án hoặc số khám bệnh những thông tin khai thác về tiền sử dị ứng của người bệnh. Khi phát hiện người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc SPV với một loại thuốc hoặc di nguyên, thầy thuốc phải cấp cho người bệnh.

- Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi… bệnh nhân hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý.

- Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15-30 phút, không nên ra về ngay đề phòng SPV xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.

- Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.

- Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.

Cách xử lý

- Khi bị SPV cần ngừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (thuốc tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi…) đồng thời cho bệnh nhân nằm tại chỗ, ủ ấm, đầu thấp hơn chân, nằm nghiêng nếu có nôn. Adrenaline là thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ phải dùng ngay lập tức. Chúng ta có thể tiêm bắp nhắc lại 3 lần với khoảng cách < 5 phút, nếu sau mỗi lần tiêm bắp mà chưa thoát sốc. Ngoài ra, có thể dùng Adrenaline tự động định liều chuẩn, liều 0,3mg cho người lớn và 0,15 mg cho trẻ em, tiêm ở mặt trước bên đùi.

- Trong trường hợp nếu tình trạng sốc không được cải thiện sau 3 lần tiêm bắp, cần dùng ngay đường truyền adrenaline tĩnh mạch, liều khởi đẩu 0,1ug/kg/phút (khoảng 0,3mg/giờ ở người lớn), điều chỉnh tốc độ truyền theo huyết áp, đến liều tối đa 2-3mg/giờ cho người lớn. Tốt nhất nên truyền qua bơm tiêm điện hoặc máy truyền dịch, có thể dùng nhỏ giọt tĩnh mạch.

Việc cấp cứu bệnh nhân bị SPV phải được thực hiện ở nơi có đầy đủ y bác sĩ có chuyên môn và dụng cụ hỗ trợ, hộp thuốc chống sốc. Vì vậy, hãy ngay lập tức đưa những người có biểu hiện SPV đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể./.

Tuấn Minh (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/y-te/soc-phan-ve-trieu-chung-va-cach-phong-tranh-224290.html