Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh triển khai thí điểm mô hình 'Trạm Y tế - một điểm dừng'

Với mô hình này, người dân khi đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế không còn phải lên bệnh viện quận, huyện để làm xét nghiệm hoặc lĩnh thuốc mà trạm không có như trước đây.

Sơ kết tình hình khám, chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2017 của ngành Y tế TP.HCM cho thấy: trong khi số lượt khám chữa bệnh ngoại trú của các bệnh viện thành phố giảm gần 2% thì số lượt khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện tăng đến 2,5%, nhưng số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế tiếp tục giảm so với cùng kỳ (chiếm 3,4% so với 3,9% trong năm 2016). Bên cạnh hiệu quả của nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến huyện đã được triển khai trong nhiều năm qua, một thách thức lớn đối ngành y tế Thành phố là nâng cao năng lực và tạo niềm tin cho người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế.

Trong thời gian qua ngành y tế Thành phố đã triển khai 2 mô hình thí điểm mới và bước đầu phát huy hiệu quả, đó là phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận đặt tại trạm y tế (quận Thủ Đức và quận Tân Phú), và phòng khám đa khoa xã hội hóa đặt tại trạm y tế (quận 3). Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, lần đầu tiên Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng và phát hành tài liệu “Phác đồ điều trị dành cho trạm y tế” với đầy đủ tất cả bệnh lý thường gặp theo mô hình bệnh tật của người dân cư trú trên địa bàn Thành phố, đặc biệt Sở Y tế đã tổ chức khóa huấn luyện cho tất cả bác sĩ của 319 trạm y tế cách sử dụng phác đồ này.

Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế

Điều đáng mừng là khó khăn nhất của trạm y tế là nhân lực bác sĩ, sẽ có hướng ra trong thời gian tới khi thành phố triển khai sáp nhập bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế dự phòng thành Trung tâm y tế quận, huyện theo quy định của Thông tư 51/2015/TTLT-BYT- BNV. Khi đó, việc điều động luân phiên các bác sĩ của Trung tâm y tế xuống trạm y tế sẽ thuận lợi hơn, và quyết tâm đạt ít nhất 2 bác sĩ cho mỗi trạm y tế. Được biết, Sở Y tế cũng đã tham mưu cho UBND TP sử dụng quỹ kết dư của BHYT trong năm 2016 ưu tiên đầu tư bổ sung những trang thiết bị cần thiết trong hoạt động khám chữa bệnh tại các trạm y tế.

Tuy nhiên, khi phân tích các nguyên nhân làm người dân chưa thật sự an tâm khi đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, có nhiều nguyên nhân mà ngành y tế đã và đang triển khai khắc phục như nêu trên, nhưng còn một nguyên nhân cần có giải pháp trong thời gian tới, đó là trong một số trường hợp người bệnh phải đi lên bệnh viện quận, huyện để lĩnh thuốc hoặc thử máu, làm thêm xét nghiệm. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn chính đáng của người dân, Sở Y tế đã đưa ra mục tiêu phấn đấu làm thế nào hạn chế thấp nhất tình trạng để người bệnh sau khi khám bệnh tại trạm y tế lại phải đi lên bệnh viện quận, huyện để lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm, mô hình “Trạm y tế - một điểm dừng” đã trở thành mục tiêu phấn đấu trong thời gian tới đối với hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế. Theo đó, 10 hoạt động bao gồm cả điều kiện cần thiết và các hoạt động sẽ triển khai thí điểm mô hình “Trạm Y tế - Một điểm dừng” bao gồm:

(1) Triển khai luân phiên bác sĩ từ Trung tâm y tế quận, huyện đảm bảo mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ

(2) Triển khai chuẩn hóa hoạt động khám chữa bệnh theo “Phác đồ điều trị dành cho trạm y tế”

(3) Ứng dụng CNTT kết nối thông tin khám chữa bệnh giữa trạm y tế và bệnh viện

Mẹo tránh ‘khô vùng kín’ giúp đời sống vợ chồng thăng hoa

Bị Đờm, ho, khó thở, hen suyễn, COPD lâu năm cần lưu ý

(4) Phát triển danh mục kỹ thuật tại trạm y tế đảm bảo bao phủ nhu cầu khám chữa bệnh theo mô hình bệnh tật, đạt ít nhất trên 70% danh mục kỹ thuật tuyến 4

(5) Bệnh viện quận, huyện đảm bảo cung ứng đủ thuốc đáp ứng mô hình bệnh tật tại trạm y tế

(6) Bệnh viện quận, huyện tiếp nhận mẫu xét nghiệm máu và trả kết quả trong vòng 1 giờ trong trường hợp quá khả năng xét nghiệm tại trạm y tế

(7) Bệnh viện quận, huyện chịu trách nhiệm hội chẩn tại trạm y tế hoặc tư vấn từ xa khi có yêu cầu của bác sĩ tại trạm y tế

(8) Khi có nhu cầu khám chuyên khoa, bệnh nhân được giới thiệu đến bệnh viện được khám chuyên khoa ngay, không phải qua giai đoạn đăng ký khám tổng quát tại khoa khám bệnh của bệnh viện

(9) Khi người bệnh có dấu hiệu nặng, bệnh nhân được làm thủ tục nhập viện ngay và được bệnh viện hỗ trợ chuyển viện khi cần thiết

(10) Triển khai khám chữa bệnh tại nhà đối với một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, người bị khuyết tật,…

Quận Thủ Đức được Sở Y tế chọn là quận đầu tiên triển khai thí điểm mô hình “Trạm Y tế - Một điểm dừng”, theo kế hoạch sẽ triển khai cho 10 trạm còn lại trong tổng số 12 trạm y tế trên địa bàn Quận Thủ Đức (trừ 2 trạm y tế đã có phòng khám đa khoa vệ tinh). Căn cứ vào 10 hoạt động này, Bệnh viện và Trung tâm Y tế Quận Thủ Đức sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và lộ trình thực hiện. Trong giai đoạn đầu, mỗi tháng sẽ sơ kết rút kinh nghiệm.

Ngành Y tế TP.HCM hy vọng rằng, bên cạnh mô hình Phòng khám đa khoa vệ tinh của bệnh viện quận, huyện đặt tại Trạm Y tế, mô hình phòng khám đa khoa xã hội hóa đặt tại Trạm Y tế, mô hình “Trạm Y tế - Một điểm dừng” từng bước sẽ tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại trạm, góp phần giảm tải cho các bệnh viện trong tương lai. Hy vọng rằng, sau thời gian thí điểm rút kinh nghiệm và khi bệnh viện quận, huyện và trung tâm y tế dự phòng được sáp nhập thành Trung tâm y tế quận, huyện thì mô hình này sẽ thuận lợi hơn và được nhân rộng trên tất cả các trạm y tế trên địa bàn Thành phố.

SỞ Y TẾ TP.HỒ CHÍ MINH

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/so-y-te-tp-ho-chi-minh-trien-khai-thi-diem-mo-hinh-tram-y-te-mot-diem-dung-n134168.html