Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang: Xây dựng thành công mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã

CLY - Ngày 30/05/2023, Sở Khoa và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình chuyển đổi số (CĐS) cấp xã năm 2022. Qua đó, ghi nhận những thành công bước đầu của chủ trương xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã ở tỉnh Bắc Giang.

Chuyển biến từ hai xã thí điểm

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã theo Kế hoạch số 5755/KH-UBND ngày 02/11/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang năm 2022. Kế hoạch số 64/KH-KHCN của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày 09/5/2022 về thực hiện mô hình CĐS cấp xã tại UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) và UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn).

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang, ông Triệu Ngọc Trung- Phó Giám đốc Sở KH&CN - Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Giang, đại diện UBND huyện Lục Ngạn, huyện Tân Yên, đại diện của các sở, ban, ngành, trưởng ban chỉ đạo CĐS xã Phúc Hòa, xã Hồng Giang...

Người dân xã Hồng Giang thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Năm 2022, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang được UBND tỉnh giao nhiệm vụ xây dựng mô hình CĐS cấp xã. Sở KHCN tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-KHCN ngày 12/01/2022 về việc thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã tại UBND xã Phúc Hòa (Tân Yên) và UBND xã Hồng Giang (Lục Ngạn) với các trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp tham gia ban chỉ đạo xây dựng mô hình CĐS tại 02 xã. Thường xuyên, liên tục ban hành các công văn, kế hoạch cụ thể về việc phối hợp khảo sát để triển khai, thực hiện xây dựng mô hình CĐS.

Sau 01 năm triển khai thực hiện, mô hình CĐS đã đạt được những kết quả nhất định: Chính quyền địa phương hai xã đã cử cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ CĐS cấp xã; công tác thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được lãnh đạo UBND xã quan tâm, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt; tích cực, chủ động trong triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính; bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị để thực hiện ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, 100% thủ tục hành chính được cán bộ, công chức ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và giải quyết công việc; công tác CĐS được các cấp lãnh đạo quan tâm, tăng tính công khai, minh bạch cho tổ chức, công dân.

Về kinh tế số, tại xã Hồng Giang, tổ CĐS của Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với UBND xã Hồng Giang và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, cài đặt cho các hộ kinh doanh trên địa bàn xã Hồng Giang ứng dụng “Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt”, tạo mã QR thanh toán đặt tại các hộ kinh doanh.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 150 hộ kinh doanh và 817 hộ gia đình cài ứng dụng Viettel money, hơn 1 nghìn hộ gia đình sử dụng tài khoản ngân hàng và mobile money để chi trả tiền điện hàng tháng. Ước đạt 81% tổng số hộ gia đình trên địa bàn xã Hồng Giang. Hợp tác xã Hồng Xuân (xã Hồng Giang) đã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm OCOP là vải thiều, cam lòng vàng, cam ngọt, bưởi ngọt và bưởi da xanh.

Ở xã Phúc Hòa, tổ CĐS của Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ 3 hộ dân sản xuất vải sớm, 01 hộ kinh doanh bưởi đào đường, 02 Hợp tác xã phát triển kinh tế số, lập mã QR-code quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tổ cũng tạo và in 40.000 mã tem QR cho các sản phẩm; hỗ trợ lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm “Mật ong Phồn Nhi” cho Hợp tác xã nuôi ong Phồn Nhi và đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn; phối hợp với Viettel Bắc Giang cài đặt hơn 400 tài khoản Viettel money cho người dân và 20 hộ kinh doanh cá thể.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng tài khoản ngân hàng và Mobile money để chi trả tiền điện hằng tháng đạt 30% tổng số hộ trên địa bàn xã. Tổ đã hỗ trợ, thướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng khám chữa bệnh từ xa qua tài khoản VOV Bacsy24 và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 500 người dân trên địa bàn xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, mô hình CĐS tại 02 xã thí điểm vẫn còn tồn tại những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ như: Nhận thức về CĐS của người dân và các hộ kinh doanh còn chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai thí điểm các ứng dụng trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó kinh phí hỗ trợ xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế, tỷ lệ người dân đưa các sản phầm chủ lực của địa phương lên sàn thương mại điện tử còn ít và trình độ công nghệ thông tin của cán bộ công chức còn chưa đồng đều...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến tham luận về kinh nghiệm triển khai thực hiện mô hình CĐS cấp xã như: Áp dụng giải pháp sàn thương mại điện tử, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, CĐS trong xây dựng nông thôn mới. Các ý kiến tham luận đã góp phần làm rõ hơn kết quả triển khai mô hình, đồng thời khẳng định vai trò, lợi ích khi áp dụng CĐS. Vai trò của CĐS trong việc góp phần chuyển đổi các hình thức hoạt động trong đời sống, tận dụng sự phát triển của công nghệ để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó, mong muốn mô hình CĐS tiếp tục được nhân rộng triển khai tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh.

Ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh Bắc Giang đề nghị, thời gian tới Đảng ủy, UBND hai xã Hồng Giang và Phúc Hòa tiếp tục bám sát chỉ đạo của các cấp, ngành, đơn vị liên quan về thực hiện CĐS. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo CĐS, tổ công nghệ cộng đồng, ban lãnh đạo thôn, các đoàn thể tăng cường vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Đặc biệt, trong sản xuất, kinh doanh, y tế, giáo dục - đào tạo, tích cực tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, bố trí kinh phí đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu CĐS.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đều thống nhất nhận định, việc triển khai thí điểm mô hình CĐS cấp xã tại UBND xã Phúc Hòa và UBND xã Hồng Giang là một bước đi quan trọng và bước đầu đã đạt được những thành công rõ rệt. Góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CĐS trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Qua đó, tìm kiếm các giải pháp, cơ chế, chính sách về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thúc đẩy người dân và doanh nghiệp nắm bắt, thích nghi, áp dụng chuyển đổi số để tạo sự phát triển. Bên cạnh đó, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/so-kh-cn-tinh-bac-giang-xay-dung-thanh-cong-mo-hinh-thi-diem-chuyen-doi-so-cap-xa-384767.html