Số hóa hồ sơ vụ án hình sự - Nâng cao nghiệp vụ, tăng hiệu quả tranh tụng

Việc triển khai số hóa hồ sơ vụ án hình sự nhằm phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ của đội ngũ kiểm sát viên; thực hiện cải cách tư pháp được Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp trong tỉnh chú trọng quan tâm, tạo thuận lợi cho cơ quan tố tụng khai thác, công bố tài liệu, chứng cứ, góp phần nâng cao hiệu quả tranh tụng tại các phiên tòa.

Trước những tài liệu, chứng cứ, hình ảnh chứng minh tội phạm được trình chiếu công khai tại phiên tòa, bị cáo phải cúi đầu nhận tội. Ảnh: Lê Thảo

Tại phiên tòa xét xử công khai đối tượng D.V.S cùng đồng bọn bị VKSND huyện Lập Thạch truy tố về tội cướp tài sản. Đối tượng N.H.S và đồng bọn của D.V.S quanh co chối tội, phủ nhận tham gia cướp tài sản mà chỉ thừa nhận đã can ngăn đồng bọn cướp tài sản của người bị hại.

Tại phiên tòa, kiểm sát viên (KSV) đề nghị Hội đồng xét xử công bố biên bản hỏi cung có ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra. Trong đó, thể hiện rõ bị cáo tự khai nhận hành vi cùng đồng bọn lên kế hoạch đánh người bị hại và cướp tài sản.

Tuy nhiên, bị cáo N.H.S vẫn ngoan cố và nói lời khai là do bị cán bộ điều tra bức cung, nhục hình. Trước lời chối tội của bị cáo, KSV tiếp tục trình chiếu công khai các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án, trong đó, có biên bản hỏi cung thể hiện phần chữ viết và ký nhận biên bản của của bị cáo (trước đó, bị cáo khai nhận là bị cáo không biết chữ).

Việc trình chiếu biên bản cho thấy bị cáo có biết chữ và không ai có thể bức cung, nhục hình hay trực tiếp cầm tay bị cáo viết được những nét chữ như trong biên bản được công khai tại tòa. Từ đó, khẳng định quan điểm truy tố, buộc tội của VKSND huyện Lập Thạch có căn cứ, đúng pháp luật.

Trước những tài liệu, chứng cứ, hình ảnh chứng minh tội phạm được trình chiếu công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa thấy rõ được hành vi phạm tội của bị cáo. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo với các mức án khác nhau, đúng người, đúng tội.

Số hóa hồ sơ vụ án là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ thành dạng thông tin (file) hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án bằng giấy.

Việc số hóa hồ sơ vụ án tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ nhiệm vụ của ngành KSND. Các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố đều mang tính chất công khai tại phiên tòa.

Do vậy, đòi hỏi KSV ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình kiểm sát hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như trong việc nghiên cứu, đánh giá hồ sơ chuẩn bị xét xử, từ đó, hạn chế tối đa vi phạm tố tụng.

Việc số hóa hồ sơ đặc biệt hữu ích trong các vụ án có tính chất phức tạp, nhiều bị cáo, người liên quan, lời khai của các bị cáo mâu thuẫn, bị cáo phản cung, chối tội, vụ án có nhiều luật sư, người bào chữa.

Cán bộ, kiểm sát viên VKSND huyện Lập Thạch chuẩn bị chứng cứ, tài liệu cho phiên tòa thực hiện số hóa hồ sơ. Ảnh: Lê Thảo

Trong các vụ án này nếu sử dụng theo phương pháp nghiên cứu, trích dẫn thông thường sẽ mất nhiều thời gian, công sức, dễ làm cho KSV lúng túng, bị động tại phiên tòa.

Nếu hồ sơ vụ án được số hóa thì các tài liệu, chứng cứ sẽ được lưu trữ trong một thư mục lưu trên máy vi tính, khi cần tìm kiếm tài liệu, chứng cứ nào chỉ cần thao tác đơn giản trên máy tính sẽ tìm thấy nhanh chóng. Hồ sơ số hóa phản ánh đầy đủ, chính xác các tình tiết, diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo sẽ giúp KSV chủ động trong quá trình xét hỏi, tranh luận.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, VKSND 2 cấp đã thực hiện số hóa được 33 vụ án. Việc số hóa hồ sơ vụ án là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa viện kiểm sát và tòa án, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, bảo đảm chính xác, nghiêm minh trong xét xử, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp.

Trên cơ sở chủ trương, hướng dẫn của VKSND Tối cao, VKSND tỉnh tích cực triển khai nghiêm túc công tác số hóa hồ sơ vụ án; giao chỉ tiêu số hóa hồ sơ vụ án cho từng đơn vị, trong đó, giao chỉ tiêu cụ thể số vụ được đưa ra xét xử tại tòa.

Thường xuyên tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng số hóa hồ sơ và trình chiếu tài liệu tại phiên tòa cho cán bộ trong đơn vị; đầu tư nguồn lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện có hiệu quả số hóa hồ sơ vụ án hình sự, không chỉ trong một giai đoạn tố tụng nhất định, mà thực hiện xuyên suốt trong cả quá trình từ khi bắt đầu thụ lý, giải quyết vụ án.

Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/81932/so-hoa-ho-so-vu-an-hinh-su---nang-cao-nghiep-vu-tang-hieu-qua-tranh-tung.html