Sơ cấp cứu đúng cách: Thêm cơ hội sống, giảm di chứng cho nạn nhân TNGT

Trong 6 năm triển khai mô hình Điểm sơ cấp cứu ở Nghệ An, đã có trên 200 nạn nhân tai nạn giao thông được cứu giúp.

Tình nguyện viên sơ cứu lưu động, cứu giúp hàng trăm nạn nhân TNGT

"Lúc chưa học, không ai có thể ngờ, một người phụ nữ chỉ nặng 45kg lại có thể kéo, vác nạn nhân nặng 60 - 70kg ra khỏi nơi nguy hiểm. Lúc chưa được hướng dẫn, chẳng ai biết khi gặp người bị tai nạn giao thông (TNGT), nhất là tai nạn nghiêm trọng thì phải làm gì đầu tiên... Qua khóa tập huấn, tuy chưa được trang bị hết các kiến thức về sơ cấp cứu, nhưng ít ra khi gặp một vụ tai nạn, hoặc thấy người bị tai nạn thương tích thì chúng tôi cũng biết phải xử trí như thế nào, băng bó vết thương cầm máu cho nạn nhân ra sao" - đó là lời bộc bạch của chị Nguyễn Thị Hường (52 tuổi, trú xóm 3 xã Diễn Yên) người lần đầu tham gia vào đội tình nguyện của điểm sơ cấp cứu nạn nhân TNGT xã Diễn Yên.

Các tình nguyện viên Điểm sơ cấp cứu Diễn Yên (QL1A) thực hành băng bó, sơ cứu cho nạn nhân trong tình huống giả định bị xe tải cán lên chân và mắc kẹt trong gầm xe.

Chị Hường cũng cho biết: Thường ngày ở nhà làm ruộng. Khi rảnh rỗi tham gia hội phụ nữ của xóm. Vừa rồi chúng tôi được vận động tham gia điểm sơ cấp cứu nạn nhân TNGT trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã Diễn Yên. Ban đầu chị cũng lo vì chưa có kiến thức, chưa được trang bị gì.

"Trước đây tôi chỉ nhìn thấy máu đã sợ. Nghe thấy tai nạn có khi không dám lại xem. Nhưng sau khi được hướng dẫn, được tập huấn, diễn tập thực tế thì đã tự tin hơn, không còn sợ máu; lại biết băng bó, sơ cứu khi bản thân hoặc người xung quanh không may bị thương tích", chị Hường phấn khởi nói.

Bình thường những các chị các mẹ ở nhà làm nông, sợ hãi khi nhìn thấy máu, nhưng sau khi tham gia mô hình Điểm sơ cứu và được tập huấn, mọi người đã có thể băng bó vết thương, thành thục đưa người đi cấp cứu.

Còn đối với anh Trịnh Văn Phương (51 tuổi, làm nghề xe ôm ở ngã ba Yên Lý, huyện Diễn Châu), việc sơ cấp cứu nạn nhân TNGT đã trở thành một phần trách nhiệm trong quá trình làm nghề. Hơn 10 năm làm xe ôm, anh Phương đã có tới 6 năm tham gia đội tình nguyện điểm sơ cấp cứu nạn nhân TNGT ở Diễn Yên.

Anh Phương chia sẻ: Thú thật tôi không nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu trường hợp nữa. Làm công việc này chủ yếu là phải tận tâm. Nhiều khi đêm hôm, mưa gió mà có điện thoại báo tin là lên đường. Cũng có lần mình giúp nạn nhân đưa họ vào bệnh viện xong còn bị người nhà dọa đánh.

Tuy nhiên, với tôi tính mạng, sức khỏe nạn nhân là điều quan trọng nhất. Mình giúp được họ khi tai nạn thì họ sẽ có thêm cơ hội sống, giảm thương tổn và các di chứng có thể gặp phải do không được sơ cấp cứu đúng cách ngay từ ban đầu.

Sơ cấp cứu đúng cách trước khi nhân viên y tế tới hiện trường sẽ giúp tăng cơ hội sống, giảm di chứng cho nạn nhân.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, khóa tập huấn do Ban ATGT tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An tổ chức, tuy chỉ diễn ra trong 3 ngày từ 23 - 26/10, nhưng đã mang đến hiệu quả ngoài mong đợi.

Trong khuôn khổ của đợt tập huấn, các chuyên gia y tế, tập huấn viên không truyền đạt theo hình thức diễn giải thông thường mà làm theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên, tình nguyện viên sẽ được tham gia trực tiếp trong tình huống diễn tập sơ cấp cứu cùng lúc nhiều nạn nhân của một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Hướng đến một cộng đồng an toàn

"Các tình nguyện viên tâm sự, trước kia họ không biết, khi thấy người bị tai nạn là xốc nạn nhân lên xe đưa đi cấp cứu ngay. Làm như vậy có khi khiến thương tích của nạn nhân càng thêm trầm trọng. Khi tập huấn chúng tôi sẽ trang bị cho các học viên, tình nguyện viên kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu, các bước xử lý khi gặp từng tình huống, từng dạng thương tích, cách băng bó, tái tạo hô hấp ban đầu... và đặc biệt là trang bị đầy đủ dụng cụ để mọi người có thể thực hiện sơ cấp cứu tại chỗ", Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban truyền thông và động lực Hội chữ thập đỏ Nghệ An, tập huấn viên về ứng phó cộng đồng và thiên tai cho biết.

Các học viên, tình nguyện viên được trao giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa tập huấn.

Theo thống kê của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An, trong 6 năm hoạt động từ 2017 đến nay, mô hình sơ cấp cứu nạn nhân TNGT ở Nghệ An đã cứu giúp cho hơn 200 nạn nhân TNGT. Mô hình ban đầu hoạt động tự phát vào năm 2012 do một nhóm người làm nghề xe ôm, lái xe taxi, y tế thôn cùng làm ở khu vực ngã ba Yên Lý - QL1A.

Đến năm 2017, được tổ chức bài bản hơn, trang bị đầy đủ dụng cụ sơ cứu thương và được Sở Y tế Nghệ An cấp phép hoạt động. Mô hình này sau được nhân rộng ra một số địa bàn, đến nay đã có 65 người tham gia, đó là chưa kể các mô hình lồng ghép với mô hình sơ cấp cứu nạn nhân đuối nước, tai nạn thương tích ở cơ sở.

Ban ATGT tỉnh Nghệ An trao tặng các hộp dụng cụ sơ cấp cứu cho tình nguyện viên tại các điểm.

Ông Phạm Xuân Thạch - Phó chủ tịch Hội chữ thập đỏ Nghệ An cho biết: Số người bị thương mỗi năm ở nước ta là khoảng 1,1 triệu người. Trong đó, số người tử vong vì thương tích mỗi năm là 33.300 người. Nếu mỗi người đều được trang bị kiến thức, kỹ năng, các dụng cụ cơ bản thì đều có thể chủ động sơ cấp cứu cho mình và những người xung quanh trước khi đội ngũ y tế đến thì chắc chắn sẽ làm giảm thiểu được hậu quả vụ TNGT, giảm nguy cơ để lại thương tật cho các nạn nhân.

Chính vì vậy, trong những năm qua, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã tập trung xây dựng mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, mà lực lượng nòng cốt tại các trạm, điểm sơ cấp cứu, đội ngũ lái xe taxi, xe ôm, những người sinh sống hoặc thường xuyên hoạt động ở các khu vực hay xảy ra TNGT, thiên tai.

Ông Phan Huy Chương - Phó ban ATGT tỉnh Nghệ An cũng mong muốn mô hình điểm sơ cấp cứu nạn nhân TNGT sẽ được nhân rộng. Mục tiêu là ở tất cả những điểm đen điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, ở các tuyến giao thông trọng yếu đều có các tình nguyện viên, lực lượng sơ cấp cứu tại chỗ.

"Khóa tập huấn lần này sẽ là tiền đề để nhân rộng các khóa tập huấn và diễn tập sơ cấp cứu nạn nhân TNGT. Qua mỗi đợt tập huấn, các tình nguyện viên của Điểm sơ cấp cứu sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, xung kích để góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người bị nạn khi có TNGT xảy ra", ông Chương nhấn mạnh.

Văn Thanh

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/so-cap-cuu-dung-cach-them-co-hoi-song-giam-di-chung-cho-nan-nhan-tngt-192231026200422141.htm