Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng là điều dễ hiểu

Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam xu hướng tăng trở lại trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình trạng này chưa quá đáng ngại.

Trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, thông tin được cập nhật từ Bộ Y tế cho thấy số ca mắc Covid-19 được phát hiện mỗi ngày của Việt Nam liên tục dao động từ 1.500 đến 3.500 với biểu đồ hình Sin.

Dẫu vậy, chúng ta không thể phủ nhận thực tế là số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng gần đây đang có xu hướng tăng so với giai đoạn trước. Tiêu biểu thời điểm tháng 7, số ca mắc mới hàng ngày chỉ ở ngưỡng 3 chữ số.

 Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng dần theo đồ thị hình Sin. Ảnh: BYT.

Số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam tăng dần theo đồ thị hình Sin. Ảnh: BYT.

Song song với số ca mắc mới là lượng bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở oxy, thở máy cũng gia tăng. Trong cập nhật mới nhất Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vào tối 14/9, số bệnh nhân Covid-19 đang phải thở oxy trên cả nước là 125 trường hợp.

Khảo sát của Zing mới đây tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế tiếp nhận tất cả trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng của miền Bắc, cho thấy trong nhiều tháng qua, lượng bệnh nhân tử vong trung bình ở mức khoảng 4-5 ca/tháng. Con số này cũng có tăng nhẹ so với giai đoạn trước.

Số ca mắc tăng là điều dễ hiểu

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng lên trong thời gian qua.

Cụ thể, chuyên gia cho rằng nguyên nhân đầu tiên đến từ chính sách nới lỏng của Việt Nam trước dịch Covid-19 ở thời điểm hiện tại. Từ đây, người dân có thể thoải mái đi lại, tham gia các hoạt động tập thể, nhất là du lịch như dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua. Lúc này, khả năng người bệnh tiếp xúc với người lành tăng lên, qua đó tăng khả năng lây lan virus.

 Số ca mắc Covid-19 tăng khiến lượng người bệnh diễn biến nặng cũng lớn hơn. Ảnh: Quốc Toàn.

Số ca mắc Covid-19 tăng khiến lượng người bệnh diễn biến nặng cũng lớn hơn. Ảnh: Quốc Toàn.

“Đáng chú ý nhất là hiện nay có rất nhiều người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng. Đây là những nguồn lây SARS-CoV-2 lớn nhưng chúng ta khó có thể nhận biết”, PGS Phu nói thêm.

Nguyên nhân thứ 2 là sự xuất hiện của hàng loạt biến chủng mới. Đến thời điểm này, Việt Nam cũng đã ghi nhận các biến thể phụ của biến chủng Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1. Các biến thể phụ này đều đã được chứng minh có khả năng lây lan nhanh hơn biến chủng gốc.

Tuy nhiên, chưa có thông tin cho thấy các biến thể phụ này có độc lực cao hơn hay có thể làm diễn biến bệnh nặng hơn.

Nguyên nhân thứ 3 là người dân Việt Nam sau khi dịch cơ bản được kiểm soát cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Trên thực tế, một số biện pháp phòng bệnh cũng không thể áp dụng trong trạng thái bình thường mới, khi người dân ăn uống, sinh hoạt, đi du lịch…

Nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 hiện nay thậm chí không còn chủ động cách ly với người khác. Những người có triệu chứng nhẹ vẫn tiếp tục đi làm, hoạt động ngoài cộng đồng.

Cuối cùng, đây cũng là khoảng thời gian nhiều người dân đã tiêm mũi nhắc lại (mũi 3 hoặc mũi 4) được 4-6 tháng. Do đó, hệ miễn dịch chúng ta có được từ vaccine cũng đã suy giảm, khiến nhiều người tái nhiễm với nCoV.

Ông Phu khẳng định: “Trong dịch tễ học luôn có tỷ lệ nhất định là khi số tuyệt đối của ca mắc tăng, số tuyệt đối của trường hợp diễn biến nặng cũng tăng. Từ đó, số lượng người nhập viện, thậm chí tử vong xuất hiện và gia tăng”.

Chưa đáng lo

Trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng, PGS Trần Đắc Phu cho rằng tình hình hiện tại vẫn chưa thật sự đáng lo ngại. Nguyên nhân là chúng ta vẫn đang duy trì được sự kiểm soát đối với dịch.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định trong thời gian tới, từng người dân sẽ cần chú trọng hơn vào các phương pháp phòng bệnh, cụ thể là vấn đề dự phòng cá nhân như khẩu trang, khử khuẩn.

“Điều quan trọng là chúng ta cần cố gắng bảo vệ những người lành, nhất là nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine, bị suy giảm miễn dịch…”, ông nói.

 Dù nới lỏng, vấn đề về dự phòng cá nhân vẫn cần được chú trọng trong bối cảnh mới. Ảnh: Nhật Sinh.

Dù nới lỏng, vấn đề về dự phòng cá nhân vẫn cần được chú trọng trong bối cảnh mới. Ảnh: Nhật Sinh.

Mặt khác, việc tiêm vaccine mũi tăng cường theo quy định của Bộ Y tế ở thời điểm hiện tại là rất cần thiết, đặc biệt là nhóm nguy cơ kể trên.

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng cần đánh giá nguy cơ khi chúng ta chuyển sang thích ứng linh hoạt. Cụ thể, ông Phu nhấn mạnh thích ứng linh hoạt, an toàn nhưng chúng ta vẫn phải kiểm soát dịch hiệu quả, thực hiện nới lỏng đồng bộ song song với dự phòng đồng bộ.

Vị chuyên gia nêu ví dụ về việc cho phép du lịch, đi lại, nhập cảnh nhưng vẫn cần duy trì chặt chẽ các biện pháp dự phòng, từ đó nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng.

Bên cạnh đó, thay vì cấm đoán như trước kia, chúng ta đang thực hiện các biện pháp kiểm soát rủi ro, đáp ứng nguy cơ, phát triển kinh tế song song với phòng dịch.

“Lúc này, dịch bệnh diễn biến ở mức độ nào, chúng ta sẽ cần đánh giá và đưa ra cách đáp ứng phù hợp cho mức độ đó. Tránh hiện tượng không đáp ứng đúng, làm ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội và chính sức khỏe người dân. Đây là điều Bộ Y tế phải giám sát, đánh giá kỹ”, PGS Phu nhấn mạnh.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn), vaccine, thuốc, điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác.

Bộ Y tế cũng xác định 3 trụ cột trong điều trị là xét nghiệm, cách ly và điều trị cùng quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tránh để dịch bùng phát trở lại.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội và toàn dân cùng hành động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi các nhân, đơn vị, chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch nói trên.

Tiến sĩ Shane Fairlie, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, khẳng định dịch Covid-19 chưa thể được kiểm soát hoàn toàn trước năm 2023. SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục đột biến và xuất hiện thêm các biến chủng mới, nguy hiểm hơn, từ đó khiến dịch diễn biến phức tạp, khó lường.

Chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là giải pháp quan trọng và cần thiết.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-mac-covid-19-tai-viet-nam-tang-la-dieu-de-hieu-post1355702.html