Sinh viên 'khủng long' vào đại học 33 năm không tốt nghiệp

Sau khi 4 người chết vì vụ giẫm đạp ở một đại học thuộc Bolivia, cuộc điều tra về một sinh viên 52 tuổi đã khơi lại tranh cãi về những 'con khủng long' không bao giờ tốt nghiệp.

Ngày 9/5, ai đó đã ném lựu đạn hơi cay vào một giảng đường đông đúc, nơi đang diễn ra cuộc họp của sinh viên tại Đại học Tomas Frias ở thành phố Potosi, miền Nam Bolivia. Hành động lập tức khiến người trong phòng hoảng loạn.

Bốn người chết và 70 người bị thương vì giẫm đạp lên nhau khi cố tháo chạy.

Ngay sau đó, thông tin được tiết lộ rằng lãnh đạo hội sinh viên Max Mendoza, 52 tuổi, nằm trong số những người tổ chức cuộc họp, làm dấy lên thêm tranh cãi.

Trong 33 năm là sinh viên, Mendoza chưa bao giờ tốt nghiệp, nhà lập pháp Hector Arce khẳng định. Trích dẫn dữ liệu trong một cuốn sổ ghi điểm của Mendoza, ông Arce cho biết kể từ năm 1989, sinh viên “khủng long” này đã thi trượt hơn 200 môn học và hơn 100 lần bị điểm 0.

Mendoza - Chủ tịch Liên đoàn Đại học của Bolivia - được cho là đã triệu tập đại hội sinh viên nhằm cố thúc đẩy sự quan tâm của các đồng lãnh đạo sinh viên trung thành với ông.

Mendoza bị tạm giam trước khi xét xử vào ngày 21/5. Ông bị cáo buộc một số tội danh như lạm dụng chức vụ và tham ô.

Tuy nhiên, trường hợp của Mendoza chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, vì có đến hàng nghìn "con khủng long" dường như mãi mãi ở lại các trường đại học, theo AFP.

Gần ¼ số sinh viên của Đại học San Andres ở La Paz đã theo học trong hơn 11 năm. Ảnh: AFP.

“Ăn bám”

Beymar Quisberth, một sinh viên xã hội học tại Đại học San Francisco Xabier ở Sucre, cho biết thuật ngữ sinh viên "khủng long" đã được sử dụng trong nhiều năm ở các trường đại học trước khi nó phổ biến trên khắp cả nước.

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, nhiều nhà lãnh đạo sinh viên bỏ dở việc học để duy trì vai trò của họ và lợi ích liên quan.

Theo học tại các trường đại học công lập ở Bolivia không mất phí, và sinh viên được giảm giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hơn thế nữa, sinh viên đảm nhận các vai trò quản lý còn được nhận tiền lương.

Mendoza nhận mức lương hàng tháng là 21.869 bolivianos (khoảng 3.150 USD), tương đương với lương hiệu trưởng, cho vai trò là người đứng đầu ủy ban điều phối các cơ sở giáo dục đại học của Bolivia.

Một người khác bị cáo buộc là "khủng long", Alvaro Quelali, 37 tuổi, là lãnh đạo sinh viên của Đại học San Andres ở La Paz. Người này đã theo học được 20 năm.

Ở Bolivia, “cán bộ sinh viên trong trường đại học là một nghề”. “Tại sao phải học (và tốt nghiệp) khi bạn có rất nhiều lợi ích", ông Arce châm biếm.

Nhiều sinh viên có việc làm và ngành nghề bên ngoài đại học và chỉ đăng ký làm sinh viên để duy trì lợi ích của họ, chứ không có ý định học tập thực sự.

Ngay cả khi trượt kỳ thi cuối kỳ, họ vẫn có thể thi lại vào năm sau.

Sinh viên đại học có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe giá rẻ, khiến việc tiếp tục đăng ký làm sinh viên dù đã đi làm trở thành một lựa chọn hấp dẫn. Ảnh: AFP.

"Họ là những người ăn bám, đó là điều đáng hổ thẹn", Gabriela Paz (20 tuổi), một sinh viên ngành luật và khoa học chính trị, nói.

Mateo Siles (21 tuổi) bổ sung: “Những người này ở lại trường để tiếp tục nhận tài trợ”.

“Khủng hoảng sâu sắc”

Oscar Heredia, Hiệu trưởng Đại học San Andres, nói rằng không chỉ các lãnh đạo sinh viên mà còn cả sinh viên bình thường vẫn ở trường đại học trong nhiều năm.

Trong số hơn 81.000 sinh viên của trường, 23% đã ở lại hơn 11 năm và 6,7% đã hơn 20 năm.

Có khoảng 1.000 người thậm chí đã “đi học” hơn 30 năm, và khoảng 100 người không tốt nghiệp trong hơn 40 năm.

"Đó là điều khiến chúng tôi lo lắng, một vấn đề lớn", ông Heredia nói với AFP.

Karen Apaza, một sinh viên kỹ thuật tại San Andres, nói rằng cô đang vận động chống lại "những 'con khủng long' sống dựa vào trường đại học trong từ 20 năm trở lên".

Tình trạng sinh viên “khủng long” là cảnh tượng quen thuộc trên khắp đất nước.

Đại học Gabriel Rene Moreno ở thành phố Santa Cruz có 90.000 sinh viên, trong đó 3% phần trăm đã “học” hơn 10 năm.

Ông Oscar Heredia, Hiệu trưởng Đại học San Andres lo lắng về xu hướng sinh viên "khủng long". Ảnh: AFP.

Guido Zambrana, giáo sư y khoa tại San Andres, nói rằng điều quan trọng là "phải nhận ra rằng chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc”.

Ông nói rằng đã đến lúc phải “lau sạch” và "phá bỏ toàn bộ cấu trúc tham nhũng, quản lý tồi tệ, cũng như sự đồng quản lý (giữa sinh viên và giảng viên) vốn đã xuống cấp trong nhiều thập kỷ”.

"Đại học (ở Bolivia) đã lỗi thời. Chúng lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu hiện tại" của Bolivia, ông nhận định.

Video người phụ nữ liều mạng trong giếng lột tả thực trạng ở Ấn Độ Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một phụ nữ Ấn Độ trèo xuống vách giếng sâu để lấy nước mà không có dây hay bất kỳ dụng cụ đảm bảo an toàn nào.

Hồng Ngọc

Theo AFP

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sinh-vien-khung-long-vao-dai-hoc-33-nam-khong-tot-nghiep-post1323925.html