Sinh viên Hà Nội hoang mang, không biết cách phòng tránh dịch sốt xuất huyết

Nhiều bạn sinh viên lo lắng nhưng lại không biết cách phòng tránh dịch sốt xuất huyết như thế nào.

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang khiến người dân nói chung và các bạn sinh viên vô cùng hoang mang. Thời tiết của Hà Nội đang có nhiều ngày mưa ẩm kéo dài, là điều kiện để muỗi – vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết – sinh sôi và phát triển.

Hiện Hà Nội đã có 3 ca tử vong vì bệnh sốt xuất huyết. Số ca mắc bệnh cũng tăng thêm 1.200 bệnh nhân sau mỗi tuần.

Trước sự gia tăng của dịch sốt xuất huyết càng khiến các bạn sinh viên lo lắng. Phần lớn, sinh viên theo học tại các trường đại học ở Hà Nội đang ở trọ trong những khu nhà không mấy tiện nghi, cộng thêm thói quen sinh hoạt không tốt như lười mắc màn khi ngủ, không diệt muỗi, càng gia tăng nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này.

Những khu nhà trọ dễ tăng nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

Khảo sát các bạn sinh viên đang theo học tại một trường Đại học lớn ở Hà Nội thì đa số đều chưa có kiến thức về bệnh sốt xuất huyết cũng như cách phòng tránh dịch. Chính vì điều này đã làm lây lan dịch sốt xuất huyết tại nhiều ký túc xá và khu trọ sinh viên. Nhiều bạn đã gặp các triệu chứng sốt cao nhưng không biết có phải bị sốt xuất huyết hay không.

Bạn Nguyễn Thanh T. hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Hà Nội từng bị sốt xuất huyết do không biết đang có dịch để phòng tránh. "Mình cùng một người bạn thuê phòng trọ ở gần trường. Phòng trọ khá thấp và ẩm do nhiều đồ đạc nhưng các bạn chủ quan ngủ không mắc màn nên minh bị lây sốt xuất huyết vì muỗi đốt", T. nói.

Bị sốt xuất huyết cũng là trải nghiệm không mấy dễ chịu với T. Do không có hiểu biết về dịch nên khi mắc bệnh, T. không biết là mình bị sốt xuất huyết. Cô bạn liên tục bị sốt kéo dài ở nhiệt độ 38,7 – 39 độ và khi uống hạ sốt thì giảm nhiệt nhưng không khỏi sốt. Bị ốm sốt kéo dài 5 ngày, T. mới đi khám ở bệnh viện Đại học Y nhưng cũng không ra bệnh.

Chỉ đến khi bố mẹ T. phải lặn lội từ quê lên Hà Nội chăm con ốm và đưa bạn vào bệnh viện Bạch Mai thì T. mới biết mình bị sốt xuất huyết. Sau khi nhập viện đêm đầu tiên, vừa truyền nước xong thì bao nhiêu những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết như phù nề tay chân, phát ban đỏ mới dồn dập xuất hiện. Trận ốm đã khiến T. sút 4 kg và phải nghỉ học kéo dài.

Đã từng bị sốt xuất huyết nên khi biết dịch đang bùng phát trở lại tại Hà Nội, T. rất lo lắng nhưng cũng không biết cách phòng tránh nào khác ngoài việc ngủ mắc màn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.

Nhà trọ ẩm thấp, thiếu vệ sinh làm các bạn sinh viên tăng nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết.

Không có biết về dịch cũng như kiến thức phòng và tránh là hiện trạng chung của nhiều bạn sinh viên. Những khu vực nhà trọ tập thể hay ký túc xá cũng là địa điểm dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết do có số lượng lớn người cùng sinh hoạt.

Bạn Vũ Thị N. hiện đang ở ký túc xá trường Đại học Hà Nội không biết đang có dịch sốt xuất huyết cho đến khi nghe bạn bè cảnh báo. Vì ở ký túc xá nên ngoài việc ngủ mắc màn và phun thuốc diệt muỗi, N. cũng không biết nhiều biện pháp phòng dịch.

Một bạn nam 21 tuổi giấu tên hiện ở một phòng trọ trên tầng 2 thì đang rất lo lắng vì bị sốt mà không biết mình có bị sốt xuất huyết hay không. Bạn nam này đã từng bị sốt xuất huyết một lần nhưng vẫn không biết cách phòng tránh dịch.

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), số lượng người nhập viện vì sốt xuất huyết tại bệnh viện năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Sinh viên cũng là một trong những đối tượng dễ bị lây nhiễm căn bệnh này.

Theo bác sĩ Cấp, trong 3 ngày đầu, sốt xuất huyết không có triệu chứng gì khác với các bệnh sốt khác nên người bệnh nên đến các cơ sở y tế để xét nghiệm. Nếu bị sốt xuất huyết, trong 3 ngày đầu vẫn có thể điều trị bệnh tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ Cấp cho biết: "Bệnh đặc biệt nguy hiểm trong giai đoạn từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước nên người bệnh lầm tưởng đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi nhưng chính giai đoạn này có thể có những biến chứng nặng".

Các biến chứng của sốt xuất huyết bao gồm Tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu dẫn đến Mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn và Xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Muỗi vằn - trung gian truyền bệnh hoạt động mạnh trong môi trường thiếu sáng.

Bác sĩ Cấp cũng đưa ra lời khuyên cho mọi người, đặc biệt là cho các bạn sinh viên để phòng tránh dịch sốt xuất huyết cần diệt bọ gậy, loăng quăng bằng cách đậy kín hoặc vệ sinh các dụng cụ chứa nước, không cho muỗi đẻ trứng. Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng/bọ gậy.

Muỗi vằn – trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh trong môi trường nửa tối nửa sáng. Vậy nên các bạn sinh viên nên tránh để phòng của mình trong tình trạng thiếu sáng, vào khoảng thời gian sáng sớm hoặc chiều muộn cần mặc quần áo dài, ngủ mắc màn để tránh bị muỗi đốt.

Ngoài ra, muỗi vằn thường trú ẩn tại quần áo treo trên giá, đặc biệt là quần áo tối màu. Tập trung tiêu diệt muỗi tại nơi treo quần áo và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để muỗi không có nơi trú ẩn.

Chi Chi

Nguồn iOne: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/sinh-vien-ha-noi-hoang-mang-khong-biet-cach-phong-tranh-dich-sot-xuat-huyet-3617760.html