Sinh nhật lần 47 của Luis Enrique: Người luôn bị phủ nhận ở Camp Nou

Trong một căn phòng làm việc nhỏ ở khu phức hợp Ciutat Esportiva giờ này, vài món đồ đã bắt đầu được thu dọn. Người đàn ông là chủ của căn phòng ấy sẽ rời đi sau hơn ba tuần nữa. Ông đã ở đây ba năm, một nhiệm kỳ không dài như bao nhiệm kỳ HLV khác ở một trong những môi trường làm việc khắc nghiệt nhất thế giới bóng đá. Đôi khi ông dành hàng giờ ở căn phòng này để suy nghĩ - không phải về chiến thuật, đấu pháp bóng đá - mà là những giá trị mà có lẽ khi ông rời khỏi nơi này vào một ngày cuối tháng năm tới, ông cũng chưa thể hiểu được vì sao mình lại trở thành nạn nhân của chúng: Những giá trị đại diện cho lòng tham lam, ích kỷ của những người luôn tự tin rằng mình yêu Barcelona vô cùng.

Tháng ba vừa rồi, khi Lucho công khai ý định rời vị trí của mình vào cuối mùa, phóng viên kênh thể thao ESPN Samuel Marsden thốt lên những lời cay đắng cho số phận của Enrique ở Camp Nou: Một đứa con ghẻ, nạn nhân của người hâm mộ tham lam, của tư duy khó hiểu từ culés, của sự ám ảnh tiqui-taca từ thời Pep Guardiola. Tất cả đều đúng hết. Chỉ có điều Enrique vẫn bình thản, ông không bao giờ thừa nhận mình đã thất bại tại Barcelona, ông ra đi vì mệt mỏi, vì cần được nghỉ ngơi, bất chấp sự khinh miệt đến từ một bộ phận lớn NHM của CLB mà ông đã bỏ ra cả thời trai trẻ để gắn bó, đã bỏ ra tiếp thêm nhiều năm nữa của sự nghiệp HLV để phục vụ. Enrique là vậy, ông sống và làm vì Barcelona, và chỉ vì Barcelona mà thôi.

FIFA đưa ông vào danh sách FIFA 100 năm 2004 và là một trong ba cầu thủ Tây Ban Nha hiếm hoi trong danh sách này, cùng với Raul và Butraguenõ, bên cạnh những Pele, Maradona, Johan Cruyff, Beckenbauer, Franco Baresi, Eusebio. Không nhiều culés biết điều này, ở Barcelona người ta thần tượng những nghệ sĩ, những cây săn bàn hàng đầu hoặc những người đại diện cho những giá trị mơ hồ mà họ cho là vĩ đại, Enrique chưa bao giờ là một người như thế.

Năm 2008, Pep đến mang theo thứ triết lý mà ông thấm nhuần từ Johan Cruyff, học hỏi từ Marcelo Bielsa tạo ra tiqui-taca mê đắm lòng người bằng thứ bóng đá ban chuyền nhịp nhàng như nhịp đồng hồ. Thứ bóng đá ấy của Pep sống được chính xác là ba năm có lẻ trước khi những đối thủ của Barca nhận ra họ cần phải làm gì khi gặp gã khổng lồ xứ Catalunya. Tiqui-taca chết, đã chết, đó là một thực tế mà chỉ có culés mới mù quáng phủ nhận. Trước Enrique, ‘Tata’ Martino đã nhận ra điều đó, ông muốn Barca chơi thực dụng hơn nhưng thất bại, vì những con người trong tay ông đã không chơi như thế. Martino rời Barca trong sự đay nghiến của phần đông NHM tin rằng người đàn ông này đã phá hoại Barca. Luis Enrique đến và tiếp tục con đường mà Martino đương đi dang dở, và cũng như Martino, Enrique trở thành kẻ thù trong con mắt của những người hoài niệm tiqui-taca.

Jupp Heynckes khi được hỏi về khả năng dẫn dắt Barca, đã thẳng thừng từ chối, Jose Mourinho lắc đầu ngoai ngoải trong lúc thất nghiệp khi được phóng viên hỏi về chiếc ghế nóng ở Camp Nou, Ernesto Valverde ngày ấy cũng từng là một ứng viên sáng giá thay thế Martino như bây giờ, cũng chỉ úp mở về khả năng tiếp quản vị trí thuyền trưởng ở Camp Nou. Họ, không phải là không có khả năng, nhưng họ sợ mình giống với Martino và Luis Enrique, bị phủ nhận bởi chính NHM đội bóng. Sự hoài niệm và ám ảnh về một thời kỳ hoàng kim đã qua pha chút ảo tưởng về thời cuộc khiến nhiều culés mãi sống trong xiềng xích của quá khứ, trong cơn hoảng loạn của một chu kỳ sắp kết thúc, họ tròng tất thảy xiềng xích ấy vào Luis Enrique.

Một người đã giành tám danh hiệu cùng Barca trong vỏn vẹn ba năm, trong đó có 1 Champions League, 1 La Liga, 1 Copa del Rey trong cùng một mùa giải tạo nên cú ăn ba lần thứ hai trong lịch sử CLB, không đáng bị đối xử như thế.

Có người sẽ nói rằng Enrique không trọng dụng những tài năng trẻ trưởng thành từ La Masia, nhưng Pep Guardiola đã từng. Tôi phì cười khi nghe điều đó. Sai lầm của BLĐ đã làm hỏng cả một thế hệ cầu thủ La Masia mà đáng ra Enrique hoàn toàn có thể đưa họ ra ánh sáng. Luis Enrique hiểu rõ La Masia hơn bất kỳ người nào chỉ trích ông. Mùa giải 2009-10, Luis Enrique dẫn dắt đội B Barca với những cái tên như Jordi Masip, Bartra, Carles Planas, Fontas, Montoya, Muniesa, Jonathan dos Santos, Rafinha, Sergi Roberto, Thiago, Tello, Nolito, Deulofeu, Jonathan Soriano đến vị trí thứ hai giải hạng nhì, mùa tiếp theo cũng những con người đó, Enrique duy trì vị trí trong top ba trên BXH cho họ, nhưng chán ngán với cách BLĐ đối xử với những tài năng trẻ của mình, ông rời đi vào cuối mùa nhường lại vị trí cho Eusebio, một thế hệ thừa tài năng, thiếu may mắn của La Masia chính thức thất bại. Ngay cả khi đã rời khỏi Barca B, ông vẫn tìm mọi cách giúp đỡ các học trò cũ của mình, điển hình là Nolito thời anh còn khoác áo Celta Vigo, Nolito có thể đến với một đội bóng lớn như Manchester City phần nhiều cũng là nhờ sự uốn nắn của Lucho.

Ngày ông trở lại Barca, La Masia đã ở điểm thấp nhất trong bản đồ hình sin nhiều năm qua của nó, Barca B xuống hạng ba, Juvenil A chật vật ở đấu trường châu lục, hàng loạt tài năng trẻ bỏ đi do chán ngán viễn cảnh phải ngồi dự bị ở đội một, số khác mãi mãi không bao giờ có thể trưởng thành thêm vì cái bóng quá lớn của những người đàn anh. Không ai đau hơn Luis Enrique. Người thầy năm nào của họ giờ buộc lòng phải để họ ra đi vì không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của đội một, những người ở lại, Lucho cũng tạo điều kiện tối đa để họ có thể thể hiện được mình mà trường hợp ông cố chấp, liều lĩnh để Roberto đá hậu vệ phải giúp anh trụ lại Camp Nou là một ví dụ. Ngày Roberto ghi bàn thắng lịch sử vào lưới PSG, tôi tin rằng không ai vui hơn người đàn ông đã già đi rất nhiều so với ba năm về trước này.

Có một điều mà có lẽ nhiều người đã không để ý, trong những trận đấu vào cuối mùa, Enrique diện nhiều hơn bộ vest màu trắng bạc chỉn chu, khác hẳn với những bộ vest đen hay áo khoác len thường thấy. Ông cười nhiều hơn trước ống kính phóng viên, nhưng khi camera truyền hình lia qua bất chợt một phút nào đó trong trận đấu, người ta chỉ thấy ông trầm ngâm. Người đàn ông hôm nay bước sang tuổi 47 có lẽ đang cố để lại những dấu ấn đẹp đẽ hạnh phúc cuối cùng của mình ở cái nơi mà cách đây hơn hai thập kỷ, ông đã đến và hôn lên chiếc logo trên ngực áo. Đi rồi trở lại, trở lại rồi đi và có lẽ lần này là lần sau cuối, con người đã yêu Barcelona bằng nửa cuộc đời ông sẽ không bao giờ quay lại Barcelona trong hàng ngũ của những con người được trực tiếp bảo vệ linh hồn Blaugrana nữa.

Luis Enrique thời còn là cầu thủ:

Thuan Nguyen - Thể thao Việt Nam | 23:45 08/05/2017

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/sinh-nhat-lan-47-cua-luis-enrique-nguoi-luon-bi-phu-nhan-o-camp-nou-d392399.html