'Sính' khám giáo sư

Tại một số bệnh viện lớn, bệnh viện tư hiện nay bên cạnh việc khám thường và khám dịch vụ còn phân biệt giữa khám giáo sư (giáo sư khám) và khám bác sỹ (bác sĩ khám).

Hiện dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc khám giáo sư chất lượng có đảm bảo hay không? Ảnh: D.N.

Khi khám giáo sư người bệnh phải bỏ ra chi phí cao hơn rất nhiều với khám bác sỹ. Chưa bàn tới chất lượng khám, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân biệt như vậy xem ra chưa phù hợp.

“Chát”

Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn khám giáo sư? Phần đông người đến khám đều trả lời vì được người quen giới thiệu hoặc vì tin tưởng vào học hàm của người khám, nghĩ giáo sư sẽ giỏi hơn bác sỹ vì kinh nghiệm nhiều, hiểu biết rộng. Nắm bắt được nhu cầu khám giáo sư của một bộ phận người dân mà hiện tại Viện Da liễu Trung ương có hẳn một khu nhà mới xây dựng được gọi là "Khu Khám bệnh theo yêu cầu giáo sư, phó giáo sư". Theo đó, người bệnh có nhu cầu có thể đến đặt số thứ tự hoặc gọi điện thoại trước để đặt lịch khám các với giáo sư, phó giáo sư. Với khám trong giờ hành chính, phí khám giáo sư là 350.000 đồng, phó giáo sư là 250.000 đồng, còn khám dịch vụ thông thường chi phí là 100.000 đồng. Với khám ngoài giờ hành chính, chi phí là 500.000 đồng với giáo sư, 300.000 đồng phó giáo sư và 150.000 đồng khám theo dịch vụ thông thường.

Còn tại Bệnh viện Tim Hà Nội, phí khám giáo sư là 600.000 đồng; Bệnh viện Mắt Trung ương phí khám giáo sư ở mức 300.000 đồng... Mặc dù chi phí khám giáo sư tại một số bệnh viện khá "chát” song nhiều bệnh nhân vẫn không tiếc thời gian, tiền bạc công sức để “săn” bằng được giáo sư thăm khám. Bệnh nhân Nguyễn Văn Vàng, Mê Linh, Hà Nội than thở, do tai nạn lao động nên anh bị tổn thương mắt, đi khám mấy nơi mỗi bác sỹ kê một đơn song kết quả điều trị bệnh không khả quan. Do vậy anh đành lặn lội xuống Bệnh viện Mắt Trung ương để đăng ký khám giáo sư với chi phí 300.000 đồng, nhưng khi đến nơi đã 7 giờ sáng, hết số khám, anh đành phải vạ vật ở bệnh viện đợi đến buổi sau đăng ký bằng được khám giáo sư.

Tuy mong mỏi là vậy, song một số bệnh nhân khi đã được mục sở thị giáo sư khám thì thốt lên, khám giáo sư cũng không khác khám bác sỹ. Chị Nguyễn Thị Hoa, Hoàng Mai, Hà Nội cho con đi khám viêm da cơ địa tại Viện Da liễu Trung ương nói, khám giáo sư với chi phí đắt gấp 3 lần so với khám dịch vụ thông thường song chất lượng cũng không khác nhau là mấy, cùng xem xét qua loa rồi sau đó giáo sư kê một loạt khoảng 5- 6 loại thuốc, giống như những lần khám trước đó.

Không những khám giáo sư, chất lượng chưa tương xứng với chi phí bỏ ra mà đôi lúc bệnh nhân còn mua sự bực mình đó là thái độ kênh kiệu của một số giáo sư khi thăm khám cho bệnh nhân. Chị Dương Thu Trang, phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội kể, do nghe tiếng một giáo sư đầu ngành tim mạch đang công tác tại Bệnh viện Tim Hà Nội, sau một hồi nhờ vả khắp nơi chị Trang cũng đăng ký được vị giáo sư này khám cho mẹ mình với chi phí 600.000 đồng. Song khi vào khám chị Trang thực sự bức xúc khi giáo sư chỉ khám trong vòng chưa đầy một phút, người nhà đi cùng chỉ hỏi về bệnh tình để hiểu rõ thì liền nhận được thái độ không vui vẻ của vị giáo sư. “Tiền khám thì cao gấp nhiều lần mức bình thường, kết quả khám cũng như những lần trước đó, song điều mà bệnh nhân nhận được không phải là thái độ quan tâm nhẹ nhàng của người thầy thuốc mà thay vào đó là thái độ kênh kiệu coi thường bệnh nhân của vị giáo sư thật khiến cho người bệnh thất vọng”, chị Trang bức xúc.

Có nên phân biệt?

Hiện dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc khám giáo sư chất lượng có thật sự khác biệt hay không? Liệu rằng có sự phân biệt đẳng cấp trong ngành Y hiện nay hay không khi mà các bác sỹ có học hàm thì mức thù lao cho mỗi lượt khám lại cao đến vậy? Bàn về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Những người có hàm học vị cao như giáo sư, phó giáo sư có nhiều hiểu biết, kiến thức chuyên môn sâu rộng tại các bệnh viện, thường được tín nhiệm nên người bệnh muốn được thăm khám phải bỏ chi phí nhiều hơn. Một thế hệ khác là các giáo sư là những người làm quản lý về hưu, bệnh viện muốn sử dụng chất xám của họ, mời họ về nên bắt buộc phải bỏ nhiều tiền hơn nên tiền khám dịch vụ mà người dân phải trả nhiều hơn là điều hợp lý. Tuy nhiên, không ít phòng khám chữa bệnh lại mời các giáo sư không đúng với chuyên môn hoặc giáo sư “giấy” gây thiệt hại cho người bệnh. Do vậy việc một số cơ sở y tế chỉ căn cứ vào chức danh giáo sư để thu tiền bệnh nhân cao là chưa phù hợp.

Qua thực tế khám bệnh nhiều năm vị bác sỹ này nhận thấy, những bác sỹ nào lăn lộn với bệnh nhân, đọc sách nhiều hơn, khám có chất lượng hơn hẳn những giáo sư “giấy”. Do vậy trong y học cũng nên phân biệt làm hai hệ thống, một hệ thống chuyên về nghiên cứu giảng dạy, một hệ thống chuyên thực hành. Như vậy những bác sỹ lăn lộn với bệnh nhân, có kinh nghiệm, kiến thức nên được đánh giá cao chứ không chỉ đánh giá qua học hàm, học vị giáo sư, tiến sỹ để rồi một số y bác sỹ không lo trau dồi kinh nghiệm kiến thức mà chỉ cốt lấy cái danh để mưu lợi cá nhân.

Còn quan điểm của một bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn cho rằng, cần phân biệt giữa khám chuyên gia và khám chung. Khám chuyên gia có thể thu tiền cao hơn khám chung, song khám chuyên gia không nhất thiết là giáo sư, tiến sỹ, cứ bác sỹ nào giỏi thì được gọi là chuyên gia. Giáo sư, tiến sỹ nếu có trình độ nên phục vụ cho mục đích nghiên cứu giảng dạy.

Về vấn đề giá khám giáo sư tại một số bệnh viện cao hơn nhiều lần so với giá khám dịch vụ thông thường, theo tìm hiểu phóng viên được biết, hiện Bộ Y tế không có quy định nào về giá khám bệnh của giáo sư mà giá này đặt ra trên cơ sở bệnh viện tự bàn bạc trên nhu cầu của bệnh nhân. Bộ Y tế chỉ phân giá dịch vụ khám bệnh theo các hạng bệnh viện, không phân biệt giá khám giáo sư hay bác sỹ.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sinh-kham-giao-su.aspx