Siêu hạm Mỹ từng được dự định mang tên địa danh Việt Nam

USS Peleliu (LHA-5) là chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu đổ bộ tấn công Tarawa, nó mang tên một trận đánh lớn giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Phát xít Nhật trong Thế chiến II.

[Ảnh] Siêu hạm Mỹ từng được dự định mang tên địa danh Việt Nam

Có một điều đặc biệt, đó là LHA-5 ban đầu được dự định đặt tên là USS Khe Sanh, rồi sau đó lại đổi thành USS Da Nang (nhằm kỷ niệm các trận đánh mà Thủy quân Lục chiến Mỹ từng tham gia) trước khi mang tên USS Peleliu như hiện tại.

Tàu được Hải quân Mỹ đặt hàng ngày 6/11/1970 và thi công đóng mới tại nhà máy đóng tàu Litton thuộc Ingalls Shipbuilding tại Pascagoula, Mississippi, nó hạ thủy ngày 12/11/1976, chính thức vào biên chế ngày 3/5/1980. Tàu có chiều dài 250 m; rộng 32,5 m; mớn nước 8,2 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 25.982 tấn, đầy tải 39.438 tấn.

Được thiết kế với vai trò như một căn cứ nổi của Thủy quân Lục chiến, USS Peleliu có sức chứa tối đa 2.805 người, mang theo được 4 xuồng đổ bộ LCU-1610, hoặc mang kết hợp 2 LCU với 2 LCM-8, hoặc 17 LCM-6 hoặc 45 chiếc LVT (tùy nhiệm vụ). Khoang đổ bộ của tàu có thể điều chỉnh mức ngập nước để phù hợp với từng loại phương tiện cụ thể.

Số lượng máy bay đi kèm tàu gồm 19 trực thăng CH-53E hoặc 26 trực thăng CH-46 (hoặc kết hợp tùy nhiệm vụ), cùng với 4 trực thăng đa dụng UH-1Y, 4 trực thăng tấn công AH-1Z. Tàu có 2 thang máy nâng hạ, boong tàu cho phép 9 chiếc CH-53E hoặc 12 chiếc CH-46 hoạt động cùng lúc. Sau này USS Peleliu còn được nâng cấp để mang theo 6 phản lực cất hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier.

Hệ thống động lực gồm 2 động cơ hơi nước Combustion Engineering kết hợp cùng 2 động cơ turbine Westinghouse công suất 70.000 mã lực (52.000 kW) cho tốc độ tối đa 24 hải lý/h (44 km/h), tầm hoạt động 10.000 hải lý (19.000 km) khi chạy ở tốc độ kinh tế 20 hải lý/h (37 km/h).

Vũ khí phòng thủ của LHA-5 thời kỳ đầu gồm 1 hệ thống tên lửa phòng không Mk 25 Sea Sparrow và 2 pháo 127 mm Mk 45. Sau đó tàu đã tháo bỏ toàn bộ vũ khí cũ để thay bằng 1 hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Mk 49 RAM, 2 hệ thống CIWS Phalanx, 6 pháo tự động 25 mm Mk 242 và 8 súng máy hạng nặng 12,7 mm.

Bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu trong chiến dịch Bão táp sa mạc, Tự do cho Iraq, Tự do bền vững... LHA-5 còn được huy động tham gia các sứ mạng nhân đạo như khắc phục thảm họa trận động đất tại San Francisco, hay di tản nhân viên phục vụ trong căn cứ quân sự Mỹ tại Vịnh Subic do sự phun trào của núi lửa Pinatubo.

Trong năm 2014, USS Peleliu tham dự cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương - RIMPAC 2014 cùng hải quân 22 quốc gia khác, đây là hoạt động đáng chú ý cuối cùng của con tàu trước khi bị loại biên vào ngày 31/12/2015. Hiện tại, chiếc LHA-5 đang nằm trong thành phần hạm đội dự trữ của Hải quân Hoa Kỳ.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/anh-sieu-ham-my-tung-duoc-du-dinh-mang-ten-dia-danh-viet-nam-20161003104918203.htm