Siêu âm chẩn đoán một số bệnh lý khớp gối thường gặp

Các bệnh lý liên quan đến khớp gối gây ảnh hưởng không nhỏ đến đi lại và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Siêu âm đã trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh lý khớp gối.

Đối với các bệnh nhân có triệu chứng sưng, đau bất thường khi vận động khớp gối, thì siêu âm là chỉ định không thể thiếu.

Nguyên nhân gây đau khớp gối

Khớp gối là một cấu trúc phức tạp bao gồm ba xương chính, các gân, dây chằng và sụn. Do đó, đau khớp gối có thể liên quan đến tổn thương hoặc bệnh có liên quan đến một trong số các cấu trúc này. Nếu người bệnh bị đau khớp gối, nguyên nhân phổ biến có thể thường gặp bao gồm:

Chấn thương khớp gối

Chấn thương đầu gối có thể gây ảnh hưởng đến dây chằng, gân hoặc các sụn ở đầu gối và gây đau khớp gối. Các chấn thương phổ biến thường bao gồm:

- Gãy xương: Xương đầu gối bao gồm xương đùi, xương ống chân và xương bánh chè. Trong một số trường hợp xương bánh chè ở đầu gối có thể bị gãy, nứt vỡ trong các va chạm, tai nạn hoặc té ngã. Bên cạnh đó, những người bị loãng xương, yếu xương... cũng có thể bị gãy xương đầu gối khi chỉ bước đi sai tư thế.

- Trật xương khớp gối: Đây là tình trạng xương bánh chè ở khớp gối trượt ra khỏi vị trí ban đầu, thường là ở bên ngoài khớp gối và gây đau khớp.

- Viêm gân bánh chè: Viêm gân là tình trạng kích thích và viêm ở một hoặc nhiều gân ở khớp gối, dẫn đến đau. Tình trạng này thường phổ biến ở những người hay chạy bộ, vận động viên đi xe đạp hoặc những người tham gia vào các môn thể thao nhảy cao, nhảy xa.

Viêm khớp gối

Có nhiều loại viêm khớp khác nhau có thể ảnh hưởng đến khớp gối, hai loại phổ biến nhất bao gồm:

- Thoái hóa khớp gối: Đây là tình trạng hao mòn tự nhiên các sụn ở đầu gối khi cơ thể lão hóa, thường phổ biến ở người trên 50 tuổi. Khi sụn tổn thương và hao mòn sẽ dẫn đến các cơn đau tăng dần theo thời gian, từ đau âm ỉ đến đau liên tục không kiểm soát được.

- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh tự miễn, theo đó hệ thống miễn dịch sẽ tấn công một số khớp trong cơ thể, bao gồm khớp gối. Tình trạng này dẫn đến sưng đỏ và đau khớp gối. Đau khớp gối do viêm khớp dạng thấp thường có xu hướng được cải thiện khi người bệnh vận động.

- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Trong một số trường hợp, khớp gối có thể bị nhiễm trùng dẫn đến sưng, đỏ và đau. Đây là bệnh lý cần được điều trị phù hợp để tránh gây tổn thương trên sụn đầu gối và gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.

Siêu âm ngày càng trở nên phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý khớp gối.

Siêu âm khớp gối để đánh giá bệnh gì?

Có rất nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh về bệnh xương khớp, trong đó có siêu âm.

- Siêu âm khớp gối nhằm đánh giá độ dày sụn khớp: Siêu âm giúp quan sát được mặt nang sụn khớp, biết được vị trí đầu xương đùi ở tư thế gấp, từ đó có thể đánh giá được độ dày mỏng và tình trạng dày không đều, mỏng không đều của sụn khớp gối.

- Siêu âm khớp gối giúp đánh giá tình trạng tổn thương tràn dịch khớp: Hình ảnh siêu âm có thể phát hiện và đánh giá được tình trạng tổn thương tràn dịch khớp ở người bệnh.

- Siêu âm khớp gối sẽ biết được vị trí hẹp khe khớp, các bất thường ở vị trí gai xương. Trong một số trường hợp phức tạp cần kết hợp với chụp X - quang để cho kết quả chính xác hơn.

- Siêu âm khớp gối quan sát được dị vật trong khớp gối, hình ảnh thoát vị màng hoạt dịch, có thể thấy kén Baker ở khoeo chân.

Ngoài ra, siêu âm khớp gối có thể đánh giá các tổn thương phần mềm khác vùng gối như các điểm bám gân, dây chằng, sụn chêm… ở khớp gối.

Khi nào cần thực hiện siêu âm khớp gối?

Siêu âm khớp gối được chỉ định trong các trường hợp:

- Những người thường xuyên đau nhức xương khớp, gặp phải các rối loạn về xương khớp.

- Người có tiền sử bị chấn thương hoặc đang bị tổn thương mô mềm.

- Nghi ngờ có dị vật trong khớp gối.

- Nghi ngờ lắng đọng tinh thể trong khớp gối.

- Bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch, viêm khớp gối, tràn dịch khớp gối.

- Người có các dị tật bẩm sinh ở khớp gối hoặc gặp phải các vấn đề về phát triển xương khớp.

- Người bị chấn thương, sai khớp, có khối u chèn ép hoặc mắc các bệnh lý tại dây thần kinh.

- Siêu âm khi muốn kiểm tra, đánh giá tình trạng tụ dịch, phù nề trong khớp gối.

- Siêu âm đánh giá tình trạng khớp gối sau phẫu thuật và khảo sát dây chằng.

Khi có nằm trong các trường hợp nói trên hoặc có các dấu hiệu bất thường về khớp gối, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện siêu âm khớp gối, nhằm phát hiện kịp thời những bệnh lý để được điều trị sớm.

Tóm lại: Siêu âm khớp gối là một kỹ thuật khá đơn giản, nhưng lại rất quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề về khớp gối. Vì vậy, khi có biểu hiện đau và bất thường tại đầu gối, cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Khớp gối là một trong những khớp lớn nhất, vững chắc nhất và quan trọng nhất của cơ thể, nhưng lại là khớp kém được bảo vệ nhất (do phía trước khớp gối chỉ có da bọc xương), dễ tổn thương, thoái hóa nhất (do là khớp chịu lực chính và phải tham gia vào tất cả các hoạt động vận động hàng ngày). Điều trị các tổn thương khớp gối cũng khó khăn và lâu hồi phục, do yêu cầu điều phải bài bản, đúng cách, đảm bảo vô trùng cao, rất dễ gặp các biến chứng và di chứng, thậm chí là tàn phế.

Mời độc giả xem thêm video:

NGƯỜI BỊ THOÁI HÓA KHỚP ĐẦU GỐI CẦN LÀM GÌ ĐỂ BỆNH KHÔNG NẶNG THÊM?

TS. BS Vũ Thị Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sieu-am-chan-doan-mot-so-benh-ly-khop-goi-thuong-gap-169230625103657467.htm