Siết quản lý để chống thất thu thuế

Năm 2017 ngành thuế xác định lập lại kỷ cương trong toàn ngành. Theo đó, nhiều giải pháp đã được ngành đưa ra nhằm siết chặt quản lý thu, đáng chú ý là việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hay giải pháp về vấn đề chống chuyển giá và chống thất thu thuế.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, năm 2016 qua thanh, kiểm tra 84.472 doanh nghiệp đã tăng thu số thuế là 17.164 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 11.907 tỷ đồng. Riêng thanh tra, chống chuyển giá thực hiện đối với 329 doanh nghiệp đã truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng; giảm lỗ trên 5.162 tỷ đồng.

Tư vấn cho người nộp thuế tại bàn bàn phụ trách hoàn thuế Cục Thuế Hà Nội tại Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Có thể thấy rằng, trong nhiều năm qua, Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế qua thu hút đầu tư chưa đạt như kỳ vọng; trong đó phải kể đến thất thu thuế đối với nhóm doanh nghiệp này.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép mới từ đầu năm 2016 đến thời điểm 26/12/2016 là 2.556 dự án với số vốn đăng ký trên 15.182 triệu USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với năm 2015.

Năm 2016 có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3.425,3 triệu USD.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24.372,7 triệu USD, tăng 7,1% so với năm trước.

Trước xu hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo Nghị định chống chuyển giá, trốn thuế.

Trong đó, bổ sung quy định mới như: Quy định giới hạn tối đa mức lãi vay được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 20% tổng lợi nhuận thuần trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay, chi phí khấu hao để ngăn ngừa hành vi xói mòn cơ sở tính thuế.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp lập và gửi báo cáo lợi nhuận liên Quốc gia để cơ quan thuế có cơ sở đánh giá rủi ro về việc lợi dụng chuyển giá, tránh thuế TNDN; quy định mức ngưỡng lợi nhuận tối thiểu áp dụng đối với một số ngành nghề nhằm giải quyết vấn đề khó khăn về cơ sở dữ liệu so sánh.

Dự thảo Nghị định cũng quy định điều kiện được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với chi phí dịch vụ phát sinh với bên liên kết, tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong tuân thủ chính sách thuế TNDN.

Ngoài việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về chống chuyển giá để siết chặt quản lý thu, cơ quan thuế phối hợp với tổ chức quốc tế xây dựng chương trình đào tạo, nâng năng lực thanh tra giá chuyển nhượng đối với cán bộ thuế.

Đồng thời, cơ quan này chủ động phối hợp với Bộ, ngành liên quan trong kiểm soát hoạt động chuyển giá như: Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng…

Việc tổ chức thanh, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và cơ sở kinh doanh có dấu hiệu rủi ro cao về thuế cũng được chú trọng nhằm thu hồi kịp thời khoản thu phát hiện qua thanh, kiểm tra thuế.

Đồng thời, cơ quan này phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ kê khai với nhóm doanh nghiệp rủi ro cao; chống hành vi vi phạm, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để đảm bảo nhiệm vụ thu của ngành trong năm 2017, ngành thuế tiếp tục hiện đại hóa thu ngân sách; nhất là trong kê khai nộp thuế đối với cá nhân; hộ kinh doanh. Đến ngày cuối cùng của năm 2016 đã hoàn thiện quy trình pháp lý hoàn thuế điện tử trong khâu tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ.

Ông Trí cũng cho rằng, trước bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn cùng với việc thực hiện hàng loạt Hiệp định Thương mại đã ký kết mở ra cơ hội phát triển mới nhưng cũng tạo áp lực trong việc thu ngân sách của ngành.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước năm 2017 là 968.580 tỷ đồng; trong đó, dầu thô là 38.300 tỷ đồng; thu nội địa là 930.280 tỷ đồng, Tổng cục Thuế đẩy mạnh tiến trình thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Tài Chính phê duyệt.

Đồng thời, rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế và sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ. Ngành cũng tăng quản lý nội ngành, kỷ cương, kỷ luật đổi mới phương pháp làm việc; củng cố nâng chất lượng đội ngũ cán bộ.

Nói về giải pháp chống thất thu thuế, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện tổ chức Actionaid (tổ chức quốc tế chống đói nghèo) tại Việt Nam cho biết, hiện thuế TNDN của Việt Nam là 20% và bằng với Thái Lan, đây là mức thấp nhất trong khu vực. Việt Nam đang áp dụng phương thức cào bằng. Nếu so sánh phương thức này với cách tính lũy tiến cũng sẽ có những ưu - nhược điểm khác nhau.

Theo bà Hoàng Phương Thảo, việc tính thuế theo hình thức lũy tiến giúp đảm bảo sự công bằng trong trách nhiệm và nghĩa vụ đóng thuế của các doanh nghiệp với quy mô kinh doanh và lợi nhuận khác nhau, đảm bảo nguyên tắc doanh nghiệp có doanh thu càng cao thì phải nộp mức thuế càng lớn, theo lũy tiến từng phần.

"Ở thời điểm này, khi việc quản lý và kê khai thuế ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, việc đánh thuế lũy tiến có thể sẽ đem lại tác dụng ngược. Khi bị đánh thuế quá cao, các doanh nghiệp sẽ tìm cách để tránh thuế và có thể việc gian lận thuế giữa các bậc để được hưởng thuế suất thấp hơn sẽ xảy ra.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm kinh phí và nhân lực cho bộ máy thuế để kiểm tra. Bên cạnh đó doanh nghiệp sẽ tìm cách tránh thuế và số tiền thu được cho ngân sách có thể không tăng", bà Thảo phân tích.

Trưởng đại diện tổ chức Actionaid cũng cho rằng, ngành thuế cần tiếp tục đầu tư nâng cấp và kiện toàn hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là với cơ quan quản lý như Tổng cục Thuế.

Đồng thời, nâng cấp hệ thống máy chủ, xây dựng; triển khai phương án lưu dự phòng dữ liệu hóa đơn điện tử, nâng dung lượng các đường truyền và thiết lập đường truyền dự phòng đảm bảo chất lượng ổn định.

Năm 2016, kết quả thu ngân sách do ngành thuế quản lý vượt 9,3% dự toán pháp lệnh và, tăng 9,9% so với năm 2015. Trong số đó, 14/15 khoản thu, sắc thuế vượt dự toán, chỉ có khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không đạt dự toán do giá dầu, khí giảm.

Hầu hết các địa phương đều hoàn thành dự toán pháp lệnh. Một số địa phương không hoàn thành do ảnh hưởng giá dầu giảm và hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển.

Hải Yến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/siet-quan-ly-de-chong-that-thu-thue-20170121082803821.htm