Sếp Habeco, Sabeco tham gia định giá cổ phiếu lên sàn

Lãnh đạo Habeco, Sabeco là một trong những thành viên của Ban chỉ đạo bán vốn Nhà nước 2 doanh nghiệp này do Bộ Công thương thành lập.

Bộ Công Thương vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco).

Theo đó, Ban chỉ đạo bán vốn tại Sabeco và Habeco gồm có 11 thành viên.

Trong đó trưởng ban là ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương. Các thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên trách tại Bộ Công thương, lãnh đạo Saeco và Habeco.

Lãnh đạo Habeco và Sabeco là một trong những thành viên của Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước do Bộ Công thương thành lập.

Cụ thể 10 thành viên gồm ông Phan chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, ông Vũ Quốc Anh - Vụ trưởng Vụ Tài chính, ông Phan Đăng Tuất - Vụ trưởng, Thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ kế hoạch, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Trần Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, ông Võ Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sabeco, ông Lê Hồng Xanh - Phó giám đốc phụ trách Ban điều hành Sabeco, ông Đỗ Xuân Hạ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Habeco, ông Nguyễn Hồng Linh - Tổng giám đốc Habeco.

Ban chỉ đạo bán vốn có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng giao, lựa chọn tư vấn bán cổ phần cho Sabeco và Habeco. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng đề án và tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước tại 2 doanh nghiệp này theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và quy định pháp luật.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo được sử dụng con dấu của Bộ Công Thương khi thực hiện nhiệm vụ. Trưởng ban có trách nhiệm chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên. Ban chỉ đạo cũng tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, tại văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng chính phủ ngày 5/10, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, tình trạng chậm lên sàn của các doanh nghiệp lớn sau cổ phần hóa như Habeco, Sabeco… đã khiến ngân sách thất thu, ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Theo VAFI, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do năng lực của người đại diện cổ phần Nhà nước kém, không minh bạch trong quản lý... Ngoài ra còn có nhóm lợi ích, không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và của cổ đông.

Trước những vấn đề trên, VAFI kiến nghị, Bộ Công thương nên nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán.

Hà Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/sep-habeco-sabeco-tham-gia-dinh-gia-co-phieu-len-san-3320578/