Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự DN buôn bán trái phép động vật hoang dã

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp-Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù tình hình buôn bán động, thực vật hoang dã vẫn diễn ra khá phức tạp, song vào đầu năm 2018 khi Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 chính thức có hiệu lực sẽ tăng tính răn đe, góp phần hạn chế vi phạm trong lĩnh vực trên.

Mới đây lực lượng chức năng bắt giữ một số vụ buôn bán động vật hoang dã ngay trong nội địa, điển hình là vụ bắt giữ 2,7 tấn ngà voi nhập lậu trên địa phận tỉnh Thanh Hóa vào ngày 8/7. Ông nhìn nhận như thế nào về riêng vụ việc này cũng như tình hình buôn bán động thực vật hoang dã nói chung trong nửa đầu năm?

Thông thường, các vụ bắt giữ buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài thường được thực hiện ngay tại biên giới, cửa khẩu. Do đó, phải khẳng định, các vụ việc bắt giữ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài trong nội địa khá ít. Trước đây, vào khoảng năm 2003, Công an quận Long Biên (Hà Nội) có bắt giữ gần 500kg ngà voi tàng trữ trái phép. Trong những năm gần đây cũng ghi nhận một vài vụ bắt giữ ngà voi, tê giác trong nội địa nhưng không nhiều. Vụ bắt giữ 2,7 tấn ngà voi vừa qua có lẽ là vụ bắt giữ ngà voi lớn nhất trong nội địa.

Trên thực tế, với “cuộc chiến” chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất trong khu vực và quốc tế. Từ trước tới nay, công tác này vẫn được Nhà nước quan tâm, được các cơ quan quản lý thực hiện khá tốt. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, đã có trên 7 tấn ngà voi và gần 200 kg sừng tê giác buôn bán trái phép bị bắt giữ. Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng có nỗ lực tới đâu thì với sự phức tạp của tội phạm, cũng khó tránh khỏi tình trạng “lọt lưới” để các mẫu vật xâm nhập vào nội địa như trường hợp 2,7 tấn ngà voi nêu trên.

Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn bán động, thực vật hoang dã hiện nay ra sao, thưa ông?

Trên thực tế, trong ngăn chặn buôn bán động, thực vật hoang dã có nguồn gốc NK nước ngoài, cơ quan Hải quan là lực lượng cơ bản, nòng cốt. Cán bộ Hải quan đã phối hợp với các lực lượng khác như Công an, Biên phòng, Kiểm lâm bắt giữ thành công nhiều vụ việc. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay sự phối kết hợp giữa các đơn vị trong “cuộc chiến” chống buôn bán động, thực vật hoang dã chưa thực sự tốt như mong đợi. Mỗi ngành có đặc thù riêng, tập trung làm tròn nhiệm vụ của mình, chưa có sự linh hoạt phối kết hợp để nâng cao hiệu quả chung.

Không chỉ trong nước, khâu phối hợp, kết nối giữa giữa các quốc gia trong khu vực và quốc tế cũng chưa như mong đợi. Các mẫu vật động, thực vật hoang dã buôn bán thường được vận chuyển qua nhiều quốc gia trước khi đến Việt Nam, song vì quy định luật pháp khác biệt, khâu kết nối yếu khiến cho việc dự báo, tổ chức bắt giữ gặp khó khăn. Ví dụ, trong khối ASEAN, cùng một loài, song ở quốc gia này quy định là loài bảo vệ cấp độ cao, nhưng ở quốc gia khác lại quy định là loài bảo vệ ở cấp độ thấp hơn. Đặc biệt, các quốc gia ở khu vực có nhiều nguồn mẫu vật bị buôn bán trái phép như châu Phi chưa làm tốt công tác bảo vệ, còn nhiều tình trạng săn trộm, công tác phối hợp trong bắt giữ, hợp tác trong vùng cũng còn hạn chế.

Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 sẽ chính thức có hiêu lực vào năm 2018, chứa đựng nhiều nội dung liên quan tới xử lý tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã. Theo ông, những đổi mới trong luật có đủ sức răn đe tội phạm?

Tôi cho rằng, việc Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có hiệu lực sẽ tác động khá tích cực, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã. Bởi, trong luật đã nêu rõ không chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân vi phạm mà còn truy cứu trách nhiệm cụ thể đối với cả các DN vi phạm. Trước đây, vẫn có trình trạng DN vận chuyển mẫu vật động, thực vật hoang dã, khi bị bắt giữ lại khai báo chỉ được thuê vận chuyển, không biết rõ về hàng hóa. Khi Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 đi vào cuộc sống, quy định trách nhiệm cụ thể, các DN cũng sẽ phải cẩn trọng, dè chừng hơn trong hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Ngoài ra, để việc chống buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã đạt kết quả tốt hơn, theo tôi nội dung này cần được Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) và địa phương nhấn mạnh, ưu tiên trong quá trình hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/se-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-dn-buon-ban-trai-phep-dong-vat-hoang-da.aspx