Sẽ không có đại án Phạm Công Danh - 9.000 tỷ, nếu...

Câu hỏi ấy là vì sao Phạm Công Danh đã từng có tiền án mà vẫn được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT VNCB? Trong khi theo quy định, việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại là thông qua đại hội cổ đông nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan chủ quản cấp trên, vì sao Phạm Công Danh vẫn được chuẩn y chức danh này để có cơ hội lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội?

Ngày 9-9 vừa qua, sau gần 2 tháng xét xử đại án tham nhũng gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng VNCB), Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh, sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và nhiều mức án thích đáng khác cho 35 đồng phạm, cùng về hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng".

Phiên tòa xét xử do Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khép lại với một bản án thích đáng, thế nhưng một câu hỏi vẫn đau đáu trong tôi, nguyên điều tra viên Công an TP Hà Nội với nhiều năm thực tế và kinh nghiệm trong điều tra và tổ chức điều tra nhiều vụ án kinh tế, đặc biệt là các vụ án kinh tế xảy ra trong ngành ngân hàng và cũng là cảm xúc thôi thúc của một nhà báo với gần 20 năm gắn bó với Báo CAND.

Câu hỏi ấy là vì sao Phạm Công Danh đã từng có tiền án mà vẫn được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT VNCB? Trong khi theo quy định, việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại là thông qua đại hội cổ đông nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan chủ quản cấp trên, vì sao Phạm Công Danh vẫn được chuẩn y chức danh này để có cơ hội lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội?

Phạm Công Danh tại phiên tòa.

Câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có hồi đáp và cũng là điều mà dư luận xã hội vẫn đang quan tâm chờ đợi, dù bản thân tôi với tư cách là một nhà báo đã nói lên quan điểm của mình và phản ánh dư luận xã hội quan tâm trên Báo CAND về đại án tham nhũng ngay từ rất sớm.

Tôi còn nhớ, vào ngày 26-7-2014, khi đang trong quá trình tác nghiệp, tôi nhận được thông tin có một vụ án tham nhũng gây hậu quả thiệt hại tiền bạc cực lớn, vào loại "động trời" vừa được Cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố, điều tra, bắt tạm giam, đó là Phạm Công Danh.

Tại thời điểm đó, vụ án Phạm Công Danh là một trong những thông tin đắt giá và hầu như chưa báo nào thông tin chi tiết. Với kinh nghiệm từng là một điều tra viên và một nhà báo, sự say mê nghề nghiệp mách bảo tôi có một "linh cảm" về hành tung Phạm Công Danh.

Ngày 30-7-2014, thông qua Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ngãi, tôi đã chứng minh được "linh cảm" nghề nghiệp của mình là đúng. Kết quả cho thấy, ngày 19-6-1990, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố bị can và bắt giam Phạm Công Danh về 3 tội danh, gồm: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.

Phạm Công Danh trước đây có thời kỳ làm nghề sản xuất gạch hoa. Mới hơn 20 tuổi, Phạm Công Danh đã có một cơ ngơi lớn. Nhưng đằng sau cơ ngơi làm ăn đó là việc Danh đã biết cách buôn bán lòng vòng để trốn thuế.

Nghiêm trọng hơn, lợi dụng pháp nhân và số vốn "ảo", Danh đã huy động vốn, vay nợ, mua hàng chậm trả để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và công dân. Việc làm ăn bất chính đã bị Công an phát hiện, đến ngày 13-6-1991, Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi đã ra cáo trạng truy tố Phạm Công Danh. Theo đó bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Danh 6 năm tù giam, bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong quá trình thụ án tại Trại giam Quảng Ngãi, do lao động cải tạo chấp hành nội quy tốt, Trại giam Quảng Ngãi đã đề nghị tha tù trước thời hạn cho ông Danh. Đến ngày 10-3-1997, ông Danh được trả tự do theo Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù số 11/GCN của Trại giam Quảng Ngãi do Giám thị Lê Văn Lai đã ký.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16-7-2009 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, Điều 19 - "Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ" quy định tại điểm 1, mục c và điểm 2, mục a đối với những người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu; người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc của ngân hàng.

Như vậy, nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm theo quy định của Nghị định nêu trên thì Phạm Công Danh sẽ không thể nắm giữ quyền lực cao nhất tại Ngân hàng VNCB, và sẽ không có một vụ đại án kinh tế, với số thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho VNCB.

Đào Minh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/lan-theo-dau-vet-toi-pham/se-khong-co-dai-an-pham-cong-danh-9-000-ty-neu-db70-414984/