Sẽ diễn ra hội thảo khoa học chuyên sâu về quy hoạch bô xít tại Đắk Nông

Dự kiến tháng 4/2024 tới đây, VIASEE và Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo với chủ đề: 'Kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến quặng bô xít gắn với phát triển kinh tế-xã hội'.

Khó khăn chưa thể giải quyết

Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) do đồng chí Đặng Quốc Khánh, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT làm Trưởng đoàn sáng ngày 12/3, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đang vướng mắc trong thu hồi khoáng sản bô-xít. Thực trạng này đang khiến các dự án tái định cư, đầu tư công… trong khu vực quy hoạch mỏ phải tạm dừng. Việc tận thu, vận chuyển quặng bô-xít tại hầu hết các dự án không hiệu quả do chi phí cao. Trong khi đó, với đặc thù địa hình, việc đào đắp “hậu” tận thu quặng bô-xít sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí.

Ngoài ra, Đắk Nông cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác vật liệu xây dựng thông thường (cát, đá, sỏi, đất san lấp) trong vùng quy hoạch mỏ bô-xít. Toàn tỉnh hiện có hơn 80 mỏ thuộc diện này. Địa phương gặp khó khăn trong sử dụng đất, triển khai các dự án ổn định, tái định cư, định canh cho dân di cư không theo quy hoạch trong bối cảnh tổng diện tích đất lâm nghiệp của toàn tỉnh gần 293.000 ha (chiếm khoảng 47% tổng diện tích tự nhiên). Các vấn đề liên quan đến đánh giá tổng thể tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô; kinh phí số hóa cơ sở dữ liệu địa chính; kinh phí cho dự án đo đạc, cấp đất từ các nông lâm trường… cũng đang gặp khó khăn. Đắk Nông kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, tháo gỡ.

Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc ngày 12/3.

Tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, hiện có 6/8 huyện của tỉnh vướng quy hoạch mỏ bô-xít trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia… Toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 công trình, dự án đầu tư công vướng quy hoạch bô-xít. Việc quy hoạch, cấp phép các mỏ đất làm vật liệu xây dựng thông thường rất khó khăn. Nguyên nhân một phần do chồng lấn quy hoạch mỏ bô-xít, phần do quy định tận thu quặng.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Quốc Khánh, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT giao Cục Khoáng sản, Cục Địa chất phối hợp với tỉnh Đắk Nông rà soát lại diện tích nằm trong quy hoạch bô xít để có cơ sở đề xuất những diện tích nào, vùng nào sẽ đưa vào, đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời, rà soát lại những diện tích đất sau khai thác bô xít để có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí; thường xuyên theo dõi biến động địa chất để có phương án ứng phó phù hợp.

Trên cơ sở các ý kiến đề xuất của Đắk Nông liên quan đến lĩnh vực TN-MT, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu lãnh đạo các cục, vụ của Bộ TN&MT tiếp thu, sớm có ý kiến trực tiếp trả lời cho tỉnh.

Những nội dung chưa rõ, Bộ trưởng Bộ TN&MT giao các đơn vị nghiên cứu, phối hợp với tỉnh để có giải pháp phù hợp, đúng quy định.

Nhiều giải pháp gỡ khó cũng đã được VIASEE đưa ra

Trước đó, vào năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.

VIASEE nhận thấy đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bô xít Tây Nguyên. Những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bô xít của các nhà khoa học VIASEE đã được hội đồng soạn thảo đánh giá rất cao, rất có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tiễn.

PGS.TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội VIASEE đi khảo sát tại nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông và Alumin Lâm Đồng.

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội VIASEE nhận định, mặc dù khai thác bô xít tại Tây Nguyên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn (ước tính mang lại lợi nhuận 10 tỷ USD/năm), song ông cho rằng từ quy hoạch đến triển khai trên thực tế là một chặng đường dài, gian nan. Chủ tịch Hội VIASEE chỉ ra 03 vấn đề lớn cần phải giải quyết:

Thứ nhất, đó là vấn đề về nguồn vốn đầu tư. Để có thể đạt mục tiêu khai thác tối đa 118 triệu tấn nguyên khai/năm có thể phải cần đến 20 tỷ USD nguồn vốn. Hiện tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không đủ nguồn lực để thực hiện. Do đó, cần phải có phương án kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư.

Thứ hai, ước tính để khai thác bô xít tại Tây Nguyên cần phải thu hồi một diện tích đất lớn (khoảng 6000 ha), đây là bài toán khó. Hiện tại, theo cách làm của hai nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai thì sau khi thu hồi đất và khai thác xong sẽ giao phần đất đó cho TKV trồng keo. Tuy nhiên, cách làm này nếu áp dụng trên diện rộng, với quy mô lớn sẽ dẫn lãng phí nguồn lực, thậm chí có thể phát sinh một số vấn đề về xã hội.

Thứ ba, giải quyết vấn đề bùn đỏ và bùn thải đuôi quặng một cách khoa học, bài bản, hiệu quả tránh những hệ lụy liên quan đến môi trường.

Để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong khai thác bô xít tại Đắk Nông, tháng 4/2024 tới đây, VIASEE sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Nông triển khai chương trình Hội thảo với chủ đề: “Kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến quặng bô xít gắn với phát triển an sinh xã hội tại Đắk Nông”. Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp, người dân và cơ quan thông tấn báo chí hiểu rõ hơn về chủ trương của tỉnh Đắk Nông. Đó là tiếp tục được khai thác, chế biến bô xít gắn với phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội trên địa bản tỉnh nói riêng và ngành công nghiệp chế biến khoáng sản hiếm nói chung.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quy-hoach-bo-xit-dak-nong-van-con-nhieu-kho-khan-can-duoc-thao-go-86040.html