Sẽ đầu tư tuyến cao tốc xuyên vùng Tây Nam bộ

Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trong đó có tuyến cao tốc TP.HCM-Cần Thơ-Cà Mau.

Sông Cần Thơ, tuyến đường thủy nội địa quan trọng kết nối giao thương từ TP.HCM qua cửa biển Quan Chánh Bố vào luồng sông Hậu đi các tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang - Ảnh: Nguyễn Hạnh

Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trong đó có tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau để giải quyết các nút thắt về hạ tầng giao thông, phát triển mạnh mẽ KT-XH của vùng Tây Nam bộ.

Tiềm năng chưa được khai phá

Với hơn 4 nghìn km đường thủy, có thể nói, vùng Tây Nam bộ đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển giao thông thủy. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó quan trọng nhất là việc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến sự phối hợp giữa hai phương thức vận tải thủy và bộ chưa hiệu quả.

“Trên các tuyến đường thủy nội địa quan trọng của khu vực đang tồn tại nhiều cầu yếu, có độ tĩnh không – thông thuyền thấp, cộng với việc nhiều luồng lạch cạn và hẹp khiến tàu lớn không thể hoạt động tại khu vực này”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nói và cho biết thêm, hầu hết tuyến đường thủy nội địa ở đây chỉ đáp ứng việc đi lại của tàu chở hàng dưới 500 tấn. Trong khi đó, trên 50% phương tiện vận tải hiện đang hoạt động trên tuyến đều có tải trọng lớn, xấp xỉ 1.000 tấn. Đó là chưa kể đến việc hệ thống bến thủy nội địa còn thô sơ, các dịch vụ hỗ trợ chưa phát triển nên vận tải thủy khó phát huy lợi thế, chưa đáp ứng được hình thức vận tải đa phương thức.

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm cấp bách của vùng Tây Nam bộ đã hoàn thành và sớm phát huy hiệu quả. Trong đó, phải kể đến các hệ thống trục quốc lộ và các cầu lớn được xây dựng, nâng cấp mở rộng, như: QL1, tuyến N2, trục ven biển phía Nam; cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận, Cổ Chiên, Hàm Luông... Nhiều cầu cảng, sân bay, một số tuyến thủy nội địa, hàng hải đã được đầu tư mới hay cải tạo, nâng cấp. Đáng chú ý là việc cải tạo, nâng cấp các tuyến thủy nội địa từ các tỉnh Tây Nam bộ lên TP HCM và đi Campuchia; Đặc biệt là, tuyến luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố) mới được nâng cấp, có khả năng tiếp nhận tàu biển trọng tải 10 - 20 nghìn DWT.

Được biết, toàn vùng hiện có 2.167 cảng sông và bến xếp dỡ. Trong đó, chủ yếu là cảng sông nhỏ và hầu như không có cảng container chuyên dùng. Chỉ có vài cảng có khả năng tiếp nhận hàng container hạn chế với quy mô nhỏ, thiết bị thô sơ và năng suất thấp.

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/se-dau-tu-tuyen-cao-toc-xuyen-vung-tay-nam-bo-d166265.html