Sẽ bị hủy hoại nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn

Đó là khuyến cáo trong Báo cáo được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Nghiên cứu Tác động Biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) công bố ngày 14/7.

Những thành tựu phát triển mà châu Á có được sẽ bị hủy hoại nếu biến đổi khí hậu không được ngăn chặn. Ảnh: QT

Theo kịch bản phát triển thông thường, dự báo nhiệt độ sẽ tăng thêm tới 6 độ C trên toàn bộ vùng đất rộng lớn của khu vực châu Á vào cuối thế kỷ này. Một số nước trong khu vực có thể đối mặt với thời tiết nắng nóng dữ dội hơn, với nhiệt độ tăng thêm ở Tát-gi-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và vùng tây bắc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) được dự báo ở mức 8 độ C, theo báo cáo với nhan đề “Một khu vực nhiều nguy cơ: Các khía cạnh về con người của biến đổi khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương”.

Sự gia tăng nhiệt độ này sẽ dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thời tiết của khu vực, trong các lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp, đất đai và hệ sinh thái biển, an ninh trong nước và khu vực, thương mại, phát triển đô thị, di cư và y tế. Một kịch bản như vậy thậm chí còn cho thấy mối đe dọa hiện hữu đối với một số quốc gia trong khu vực và phá hủy mọi hy vọng đạt được sự phát triển đồng đều và bền vững.

Hệ lụy từ biến đổi khí hậu mà các quốc gia châu Á đang phải hứng chịu. Ảnh: TQ

Dự kiến châu Á và Thái Bình Dương sẽ hứng chịu các đợt cuồng phong và bão nhiệt đới với cường độ mạnh hơn khi nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng. Trong kịch bản phát triển thông thường, lượng mưa hàng năm được dự kiến tăng lên hơn 50% tại hầu hết các vùng đất liền trong khu vực, mặc dù những quốc gia như Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan có thể chứng kiến sự suy giảm lượng mưa vào khoảng 20-50% - báo cáo nêu.

Các vùng đất trũng và ven biển trong khu vực sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt nhiều hơn. Mười chín trong số 25 thành phố có nguy cơ biến mất khi nước biển dâng cao 1m nằm trong khu vực, bảy trong số đó là ở Phi-lip-pin. Tuy nhiên, In-đô-nê-xia mới là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực do lũ lụt ven biển, với khoảng 5,9 triệu người dự kiến bị ảnh hưởng mỗi năm cho tới năm 2100.

Sự gia tăng mức độ dễ bị tổn thương do lũ lụt và các thảm họa khác sẽ có tác động đáng kể tới khu vực và thế giới trên khía cạnh kinh tế. Tổn thất do lũ lụt trên toàn cầu dự kiến tăng từ mức 6 tỷ USD trong năm 2005 lên tới 52 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050. Hơn nữa, 13 trong số 20 thành phố có mức gia tăng thiệt hại do lũ lụt hằng năm cao nhất trong giai đoạn 2005-2050 là ở Châu Á và Thái Bình Dương: Quảng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân, Trạm Giang, và Hạ Môn (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa); Mumbai, Chennai-Madras, Surat, và Kolkata (Ấn Độ); thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam); Jakarta (In-đô-nê-xia); Bangkok (Thái Lan); và Nagoya (Nhật Bản).

Biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến sản xuất lương thực trong khu vực gặp nhiều khó khăn hơn và chi phí sản xuất tăng lên. Ở một số quốc gia Đông Nam Á, sản lượng lúa có thể giảm tới 50% vào năm 2100 nếu không có những nỗ lực để thích nghi biến đổi khí hậu. Trong khi đó, phần lớn sản lượng hoa màu ở U-dơ-bê-ki-xtan được dự báo giảm từ 20-50% ngay cả khi nhiệt độ tăng thêm 2 độ C (kịch bản theo Hiệp định Paris). Tình trạng thiếu lương thực có thể làm tăng số trẻ suy dinh dưỡng tại Đông Á lên thêm 7 triệu trẻ, do các chi phí nhập khẩu ở tiểu vùng này nhiều khả năng tăng từ mức 2 tỷ USD lên tới 15 tỷ USD mỗi năm vào năm 2050.

Các hệ sinh thái biển, nhất là ở Tây Thái Bình Dương, sẽ bị đe dọa nghiêm trọng vào năm 2100. Tất cả các hệ thống rạn san hô trong tiểu vùng sẽ bị phá hủy do tình trạng tẩy trắng san hô hàng loạt nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4 độ C (theo kịch bản phát triển thông thường toàn cầu). Ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C, dự kiến 89% số rạn san hô sẽ đối mặt với tình trạng mất màu nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động đánh bắt cá và du lịch liên quan tới rạn san hô ở Đông Nam Á...

Trần Quý

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/nhan-dinh/se-bi-huy-hoai-neu-bien-doi-khi-hau-khong-duoc-ngan-chan_t114c22n121676