SCG - hợp tác đưa kinh tế tuần hoàn lên một tầm cao mới

SCG là một trong những doanh nghiệp tiên phong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên lề Diễn đàn kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, chia sẻ với Hànôịmới về trách nhiệm của SCG với tư cách là doanh nghiệp công dân tốt, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG.

- Là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông nhận định đâu là những thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?

- Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Điều này đặt ra những thách thức và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp. Về thách thức, các doanh nghiệp phải đối mặt với việc thích nghi và dần chuyển đổi văn hóa hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn từ việc hiểu rõ lợi ích lâu dài và công tác chuẩn bị nguồn lực.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cũng đặt ra cho doanh nghiệp bài toán cân bằng giữa chi phí đầu tư và lợi nhuận. Doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư dài hạn về công nghệ, quy trình và đào tạo để giải bài toán này. Đồng thời, không thể thiếu việc đón đầu các quy định về môi trường để phát triển hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, những trở ngại khi tích hợp kinh tế tuần hoàn vào quản lý chuỗi cung ứng, bảo đảm các nhà cung cấp và đối tác tuân thủ các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn cũng là điều nhiều bên gặp khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều cơ hội hơn khi chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Với định vị là trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực, SCG tiên phong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng giúp tiết kiệm ngân sách trong dài hạn nhờ nâng cao hiệu suất và giảm phát thải. Trên hết, nỗ lực xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để cùng nhau chia sẻ kiến thức, đổi mới sáng tạo và giải quyết vấn đề chung của toàn xã hội.

- Thái Lan là một trong những quốc gia đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Thái Lan và bài học cho Việt Nam?

- Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng về điều kiện kinh tế, nhân khẩu học cũng như cam kết phát triển bền vững. Đây là tiền đề quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hai nước trao đổi ý tưởng, kiến thức và công nghệ trong nỗ lực phát triển bền vững. Đặc biệt, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nếu tận dụng tốt những bài học từ Thái Lan.

Hành trình này đòi hỏi quan hệ hợp tác từ tất cả các bên, trong đó, chính phủ sẽ cung cấp nền tảng, chính sách, hướng dẫn, hạ tầng và thông tin; và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện vòng khép kín của kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được những kết quả lớn hơn.

Một ví dụ tiêu biểu là dự án “Saraburi Sandbox” - thành phố phát thải carbon thấp đầu tiên của Thái Lan. Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương hướng đến các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái.

- SCG đã thành công áp dụng ESG như một giải pháp hiệu quả cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hành ESG, ông có đề xuất gì cho các doanh nghiệp khi thực hiện ESG?

- ESG là xu hướng toàn cầu đã được áp dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau và mang đến nhiều kết quả tích cực.

Tại SCG, chúng tôi đã và đang áp dụng chiến lược ESG 4 Plus trong các hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm bốn cách tiếp cận chính: Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net-Zero); Phát triển xanh (Go Green); Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality); Thúc đẩy hợp tác (Embrace Collaboration); Công bằng và Minh bạch xuyên suốt tất cả các hoạt động. Với nỗ lực triển khai chiến lược ESG 4 Plus, SCG và các công ty thành viên đã đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Đối với mảng bao bì xanh, chúng tôi đã sản xuất các đơn vật liệu trọng lượng nhẹ, có khả năng tái chế 100% hay ly sử dụng một lần tự phân hủy với chất liệu nhựa sinh học Polylactic Acid (PLA) có nguồn gốc từ thực vật. Các sản phẩm này giúp giảm lượng chất thải ra môi trường và mang đến cơ hội sử dụng các sản phẩm mới.

Trong khi đó, nhựa polymer sinh học (Green Polymer) là loại nhựa thân thiện với môi trường được sản xuất bởi SCG Chemicals. Ngành hóa dầu SCG Chemicals (SCGC) và ngành bao bì SCG Packaging (SCGP) của SCG cũng phối hợp với các đối tác như CP Foods để phát triển các giải pháp bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường. Những nỗ lực này nhấn mạnh các cam kết chung nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao sự an toàn của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về bao bì bền vững trong nước.

Ở mảng Xây dựng Xanh, SCG cũng nghiên cứu và phát triển các giải pháp xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường. Ở giải pháp này, SCG tận dụng chất thải xây dựng bằng cách nghiền nát hoặc điều hướng công năng cho nhiều mục đích khác nhau như lát đường hay làm các tấm bê tông. Cách tiếp cận này giúp giảm thiểu việc sử dụng các vật liệu nguyên chất, giảm ô nhiễm, chi phí vận chuyển chất thải, và giảm phát thải khí nhà kính.

Khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp là nên áp dụng đồng bộ chiến lược ESG ở quy mô toàn tổ chức cũng như tìm kiếm quan hệ hợp tác phù hợp để mang đến nhiều tác động tích cực hơn.

Mô hình sản phẩm xanh của SCG được trưng bày tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023.

- Theo ông, việc áp dụng chiến lược ESG đã giúp SCG trở thành “doanh nghiệp công dân” kiểu mẫu như thế nào? SCG có cam kết gì để duy trì trách nhiệm này?

- Tại Việt Nam, SCG đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng trong phát triển bền vững. Về khía cạnh môi trường, các công ty thành viên đã đi đầu trong việc triển khai các sáng kiến xanh, xử lý nước thải, phát điện bằng nhiệt thải và tích hợp năng lượng mặt trời, góp phần thiết lập các tiêu chuẩn mới trong quản lý môi trường.

Trong nỗ lực phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, SCG đã tham gia vào hợp tác công - tư với Bộ Tài nguyên và Môi trường và thúc đẩy Kế hoạch Hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn (NAPCE) tại Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với trường học để giáo dục học sinh về phân loại rác thải tại nguồn.

Với hướng tiếp cận Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality) cho các hoạt động xã hội, chúng tôi triển khai nhiều dự án chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng như “Learn to earn - Trao tay nghề, tạo sinh kế” nhằm hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật hay chương trình phẫu thuật đục thủy tinh thể “Sẻ chia ánh sáng hy vọng”. Ngoài ra, SCG cũng không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân bằng việc xây dựng các sân thể thao cộng đồng “SCG Outdoor Gym” và sân chơi ngoài trời.

Đồng hành cùng thế hệ tương lai, chương trình học bổng SCG Sharing the Dream đã mang lại cơ hội giáo dục cho hơn 5.000 sinh viên trên toàn quốc trong suốt 16 năm qua. SCG còn đóng vai trò tiên phong trong việc giáo dục và khuyến khích cho giới trẻ về chiến lược ESG thông qua các cuộc thi thú vị.

Học bổng Sharing the Dream là chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội nổi bật nhất của SCG được tổ chức hằng năm trong suốt 16 năm qua.

Bền bỉ với định hướng quản trị doanh nghiệp theo ESG, SCG và các công ty thành viên vinh dự nhận được các giải thưởng liên quan đến phát triển bền vững và những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh như Top 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam và Top 100 doanh nghiệp bền vững năm 2022. Các giải thưởng danh giá này chính là sự công nhận cho các chiến lược phát triển bền vững của SCG trong thời gian qua.

Những thành tựu này thể hiện cam kết của SCG trong việc trở thành “doanh nghiệp công dân” kiểu mẫu và hiện thực hóa mục tiêu mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/scg-hop-tac-dua-kinh-te-tuan-hoan-len-mot-tam-cao-moi-649911.html