Sáu vấn đề then chốt trong họp báo marathon của Tổng thống Nga

Hơn hai triệu câu hỏi đã được gửi tới nguyên thủ quốc gia Nga trong sự kiện 'Kết quả của năm'. Phần trả lời của Tổng thống Putin xoay quanh 6 chủ đề then chốt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tổ chức một cuộc họp báo lớn ở Moskva ngày 14/12/2023. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bình luận về các vấn đề trong nước và quốc tế quan trọng trong cuộc hỏi đáp marathon ngày 14/12. Các chủ đề bao gồm từ xung đột Ukraine và Gaza đến mối quan hệ giữa Moskva với Mỹ và các đồng minh, cũng như sự chuyển đổi của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chưa từng có do phương Tây áp đặt đối với Nga.

Trong cuộc họp báo thường niên do người đứng đầu Điện Kremlin chủ trì, cả các nhà báo Nga và nước ngoài, cũng như công chúng đều có thể đặt câu hỏi trực tiếp với ông.

Sự kiện "Kết quả của năm" được truyền hình trực tiếp kéo dài hơn 4 giờ. Dưới đây là những điểm chính:

Chủ quyền và tăng trưởng kinh tế

Ông Putin cho biết nền kinh tế Nga đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý trước áp lực từ bên ngoài trong năm qua, đồng thời lưu ý rằng GDP dự kiến sẽ tăng 3,5% vào cuối năm 2023. Ông đặc biệt chỉ ra sản xuất công nghiệp tăng trưởng 3,6%, nợ công nước ngoài giảm từ 46 tỷ USD xuống còn 32 tỷ USD.

Tổng thống Putin cho biết tiền lương thực tế ở Nga cũng tiếp tục tăng và thu nhập thực tế dự kiến sẽ tăng 5% vào cuối năm nay trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp lịch sử là 2,9%.

Theo nhà lãnh đạo Nga, quốc gia này cũng đã giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong ngoại thương và bắt đầu sử dụng đồng tiền quốc gia của mình, đồng rúp, một cách tích cực hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng việc củng cố chủ quyền của Nga trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu với Moskva.

Ông Putin nhấn mạnh: “Sự tồn tại mà không có chủ quyền là điều không thể đối với Nga”.

Tình trạng lực lượng vũ trang Nga

Ông Putin cho biết có tới 617.000 binh sĩ hiện đang tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, và có hàng trăm tình nguyện viên gia nhập quân đội gần như hàng ngày. Tổng thống Nga cũng nói rằng quốc gia có khả năng duy trì sức mạnh quân sự của mình mà không cần phải dùng đến các biện pháp huy động bổ sung.

Trong số khoảng 300.000 người đã nhập ngũ trong đợt động viên một phần vào mùa thu năm ngoái, khoảng 244.000 binh sĩ vẫn đang ở trong khu vực chiến đấu và đang “chiến đấu hết mình”. Ông cho biết 14 người trong số họ đã được trao tặng danh hiệu quân sự cao nhất của quốc gia và được phong là Anh hùng Nga.

Theo ông Putin, mỗi ngày có tới 1.500 người ký hợp đồng quân nhân với Bộ Quốc phòng Nga. “Dòng người muốn bảo vệ lợi ích của quê hương bằng vũ khí trong tay không hề dừng lại”, ông nói.

Xung đột Ukraine và mục tiêu của Moskva

Nhà lãnh đạo Nga cho biết, xung đột giữa Moskva và Kiev về bản chất là do phương Tây kích động. Nga đã dành nhiều thập kỷ để cố gắng xây dựng mối quan hệ bình thường với Ukraine “bằng bất cứ giá nào”. Ông gọi những diễn biến mới nhất là một “thảm kịch lớn”.

Ông Putin nói: “Sau cuộc đảo chính năm 2014, chúng tôi thấy rõ rằng chúng tôi sẽ không còn được phép dùng vũ lực để xây dựng bất kỳ hình thức quan hệ bình thường nào với Ukraine nữa”. Tổng thống Nga nói thêm rằng Washington đã công khai thừa nhận chi 5 tỷ USD cho làn song biểu tình Maidan ở Ukraine năm 2013.

Ông Putin cho biết các mục tiêu của Nga trong cuộc xung đột không thay đổi và giải thích rằng Moskva tìm cách "phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine" cũng như "tình trạng trung lập" cho nướng láng giềng. Ông khẳng định hòa bình sẽ đến ngay khi đạt được những mục tiêu này.

Quan hệ với phương Tây

Theo ông Putin, Moskva không thể tin tưởng vào Mỹ và các đồng minh của nước này trong bối cảnh NATO “có mong muốn không thể kiểm soát tiến về phía biên giới của chúng ta” và các chính sách của phương Tây dẫn đến cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.

“Vậy chúng ta phải xây dựng mối quan hệ với họ như thế nào?”, ông Putin nêu vấn đề.

Mỹ và các đồng minh phần lớn đang "tự bắn vào chân mình" bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên Nga, điều mà ông cho rằng cuối cùng đã khiến họ tổn thương nhiều hơn là đã làm tổn thương Moskva.

EU và các đồng minh khác của Mỹ cũng “phần lớn đã mất chủ quyền”. Ông Putin khẳng định, hầu hết các quốc gia phương Tây, ngoại trừ các nước như Hungary hay Slovakia, liên tục đưa ra các quyết định chỉ có lợi cho Washington nhưng lại gây tổn hại cho chính mình.

“Nhiều quan chức châu Âu bề ngoài hành động giống như Tướng [Charles] de Gaulle, người đã chiến đấu vì lợi ích của nước Pháp với vũ khí trong tay… nhưng cuối cùng lại hành động giống như Nguyên soái [Philippe] Petain… người đã phục tùng lực lượng chiếm đóng và trở thành một người cộng tác trong Thế chiến thứ hai” - ông Putin nhắc đến người lãnh đạo Lực lượng Pháp Tự do và vị tướng đã ký hiệp định đình chiến với Đức Quốc xã và đứng đầu chính phủ cộng tác với Đức trong Thế chiến thứ hai.

“Thảm họa” ở Gaza

Những sự kiện hiện đang diễn ra ở Gaza không khác gì một “thảm họa” - Tổng thống Nga dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Về nhận xét của ông Guterres, Tổng thống Putin cho rằng: “Đánh giá như vậy nói lên nhiều điều".

Ông cho rằng thảm họa ở Gaza “không giống” hoạt động quân sự của Nga chống lại Ukraine. Moskva kiên quyết yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine theo các đường lối được Liên hợp quốc xác nhận và “nền tảng cơ bản cho một giải pháp giữa Israel và Palestine cần được thiết lập”.

Ông Putin cũng chỉ ra thực tế là một số quốc gia đang ngăn chặn các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến tình hình ở Gaza, do đó về cơ bản cản trở chức năng cốt lõi của cơ quan này.

“Đây là cách nó luôn hoạt động, đặc biệt là trong Chiến tranh Lạnh”, nhà lãnh đạo Nga nói, đồng thời cảnh báo rằng Liên hợp quốc sẽ mất ảnh hưởng nếu “không có quyết định nào được đưa ra”. Mỹ đã phủ quyết một số nghị quyết nhằm ngừng bắn ở vùng đất Palestine.

Số phận công dân Mỹ bị bỏ tù ở Nga

Moskva sẵn sàng trao đổi công dân Mỹ Paul Whelan và Evan Gershkovich, nhưng muốn những thỏa thuận như vậy “được hai bên chấp nhận”. Whelan bị kết án 16 năm tù vào năm 2020 vì tội gián điệp, trong khi Gershkovich vẫn đang chờ xét xử với tội danh tương tự.

“Chúng tôi không từ chối gửi [họ] trở lại [Mỹ] và chúng tôi cũng không từ chối làm như vậy. Chúng tôi chỉ muốn đạt được một thỏa thuận”, Tổng thống Nga nói. Ông tuyên bố rằng một thỏa thuận như vậy sẽ phải được cả hai bên chấp nhận, không chỉ riêng Washington.

Nga vẫn liên lạc với Mỹ về vấn đề này và “cuộc đối thoại vẫn tiếp tục”. Theo nhà lãnh đạo Nga, mặc dù các cuộc đàm phán “không dễ dàng” nhưng hai bên đang “nói bằng ngôn ngữ mà cả hai đều hiểu”. Ông Putin kêu gọi Washington “lắng nghe Moskva” về vấn đề này, đồng thời nói thêm rằng “lý do nhân đạo” phải là cốt lõi của bất kỳ thỏa thuận nào.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/sau-van-de-then-chot-trong-hop-bao-marathon-cua-tong-thong-nga-20231215080349492.htm