Sau những tiết học chuyên đề Ngữ văn, học sinh thu nhận được gì?

Giáo viên phải kiên nhẫn, không vội vã áp đặt kiến thức, mà phân tích, góp ý để học sinh tự rút ra kiến thức qua hướng dẫn của giáo viên.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập, tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Đối với môn Ngữ văn, chuyên đề môn này có thực hiện được yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, học sinh, giáo viên có chia sẻ gì?

Em Vũ An Nhiên, học sinh lớp 11 Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Lúc đầu học theo chuyên đề, chúng em cũng còn mơ hồ lắm, vì có sự khác biệt về phương pháp học tập giữa trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Khi học chuyên đề theo hình thức dự án, chúng em được tự chủ trong việc lập nhóm, phân chia công việc, vị trí của các thành viên trong nhóm, thảo luận để cùng các thành viên lập một bản kế hoạch tổng thể và chi tiết.

Bản kế hoạch tổng thể và chi tiết của nhóm được hoàn thiện qua quá trình thực hiện chuyên đề đã giúp chúng em có kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng đàm phán, kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng thuyết trình.

Khi thực hiện chuyên đề theo hình thức học tập hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân học sinh, giúp chúng em tự tin, tự hoàn thiện được những kĩ năng tự học, tự tìm tòi sáng tạo ... từ đó thấy có thể học tập từ ... chính thất bại, sai lầm của mình, để mình hôm nay tốt hơn hôm qua.

Sau gần hai năm học, qua các chuyên đề môn Ngữ văn, em rút ra được học tập là công việc suốt đời, ta có thể học từ thầy cô, bạn bè, học bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào, bất cứ phương tiện nào .. phải biết chấp nhận những thất bại, sai sót của mình, rút ra bài học cho mình.

Mình cần phải tôn trọng mọi người, biết cảm ơn và xin lỗi, biết chấp nhận sự khác biệt, biết vị tha, biết bao dung cho người người khác là đang vị tha và bao dung cho mình.

Chính quá trình học theo chuyên đề đã giúp chúng em yêu bộ môn Ngữ văn và hào hứng học tập các môn học khác, không còn khái niệm học tủ, học vẹt, biết áp dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề cuộc sống, chắc chắn em sẽ chọn đúng nghề nghiệp mà mình yêu thích".

Em Vũ An Nhiên, học sinh lớp 11Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: NVCC

Em Hoàng Võ Minh Phương, học sinh lớp 11 Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Khi học chuyên đề Ngữ văn, em được là chính mình, được viết, được nói, được vẽ … theo ý kiến của mình, nên em rất hứng thú, không nhàm chán.

Là một người thích sáng tạo, thiết kế hình ảnh, hoạt động tạo booklet, nên em có “đất diễn” khi thực hiện học tập theo các chuyên đề Ngữ văn.

Em được thể hiện phẩm chất, năng lực, cá tính, thế mạnh của bản thân qua hình ảnh, màu sắc của booklet.

Qua các chuyên đề Ngữ văn, em cũng đã được tìm hiểu sâu hơn và trau dồi thêm hiểu biết của mình về tác giả, tác phẩm, về kỹ năng nghiên cứu, thiết kế hình ảnh, cách lắng nghe nội tâm của mình, lắng nghe bạn bè góp ý.

Chính các chuyên đề Ngữ văn đã giúp em trưởng thành hơn, khẳng định được định hướng nghề nghiệp của mình là phù hợp với sở thích, năng lực của mình”.

Sản phẩm sau khi thực hiện chuyên đề Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Em Lê Hồng Ngọc, học sinh lớp 11 Anh văn 3, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: "Nếu như chỉ học về thể loại kịch qua sách giáo khoa, có lẽ em không thích thể loại này. Tuy nhiên khi học chuyên đề môn Ngữ văn, em được trực tiếp tham gia một vở kịch qua hoạt động "sân khấu hóa" tác phẩm văn học thì em rất hứng thú.

Chính vì vậy, em cảm thấy chuyên đề môn Ngữ văn nói chung, chuyên đề sân khấu hóa nói riêng, đã giúp em thấy được vẻ đẹp của Văn học và yêu thích chất lãng mạn, tính giáo dục, tính nhân văn của nó. Vì vậy, em thích đọc sách Văn học hơn.

Nhờ vào việc trải nghiệm làm đạo diễn, diễn viên … cho vở kịch, em cũng đã tìm ra niềm đam mê mới của mình, phát hiện ra năng lực mới của mình và em có thêm một mục tiêu thú vị cho tương lai.

Em cảm thấy tự tin, hào hứng, thích thú khi học các chuyên đề môn học khác, giúp em phát hiện và bồi dưỡng năng lực, sở thích của mình, chắc chắn khi chọn nghề nghiệp cho mình sau khi hết trung học phổ thông sẽ chính xác hơn”.

Sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám do lớp 11 Anh văn 3 thực hiện. Ảnh: NVCC

Em Nguyễn Thủy Minh, học sinh lớp 10 Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Cầm trên tay những ấn phẩm, tập san, xem những hoạt cảnh … mà các anh chị khối 11 thực hiện khi học chuyên đề làm chúng em hứng thú học tập hơn”.

Cô giáo Trịnh Thị Thanh, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Chuyên Quý Đôn chia sẻ: “Tạo sân chơi cho học sinh được sáng tạo trong chuyên đề bộ môn, nghĩa là chấp nhận những thứ chưa được như ý của học sinh. Thậm chí, đôi khi phải chấp nhận làm lại từ đầu.

Ban đầu, chúng tôi cũng hoài nghi và lo lắng, nhưng sau đó, chúng tôi nhận ra nên cho học sinh sống chậm lại, kể cả chậm lại trong học tập, kĩ lưỡng hơn và đừng ngại đặt ra câu hỏi.

Vì thế, giáo viên phải kiên nhẫn, không vội vã áp đặt, phải chấp nhận những sai, lạc để sửa cho học trò, bồi dưỡng lòng yêu thích bộ môn.

Nhờ việc xây dựng và kết hợp các hoạt động mới, học sinh được phát triển toàn diện các kỹ năng bộ môn và tự phát hiện năng lực, phẩm chất của bản thân, có định hướng đúng cho nghề nghiệp sau này.

Thay vì chỉ sử dụng phương tiện ngôn ngữ như trước kia, chúng tôi cho học sinh sử dụng đa dạng phương tiện phi ngôn ngữ, áp dụng công nghệ và học sinh được khẳng định cái tôi cá nhân của mình trong học tập, rèn luyện.

Đó chính là điều tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt, là tiền đề để phát triển, tạo dựng thêm nhiều giá trị mới cho tiết học chuyên đề Ngữ văn, làm cho học sinh thấy hứng thú, không nhàm chán trong học tập”.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-nhung-tiet-hoc-chuyen-de-ngu-van-hoc-sinh-thu-nhan-duoc-gi-post242431.gd