Sau Michelin, TP.HCM sẽ đánh giá nhà hàng, quán ăn từ 1-5 sao

TP.HCM hướng tới mục tiêu có nhiều nhà hàng, quán ăn lọt vào danh sách Michelin nhằm xây dựng thương hiệu điểm đến có món ăn ngon.

Ngày 6/6/2023, cẩm nang Michelin đã lần đầu tiên trao cho 4 nhà hàng tại Việt Nam 1 sao Michelin. TP.HCM có 1 nhà hàng đạt 1 sao Michelin; 1 cá nhân nhận giải thưởng Michelin Service Award; 38 nhà hàng, quán ăn được đề xuất và 16 nhà hàng có đồ ăn ngon, giá phải chăng.

Từ khi được Michelin giới thiệu, hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội và sự quan tâm của cộng đồng khiến lượng khách đến cửa hàng ăn uống, trải nghiệm tăng cao. Điều này mang đến tín hiệu tích cực cho ngành du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch ẩm thực với mục tiêu đưa Việt Nam nói chung và TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.

Xây dựng thương hiệu TP.HCM là điểm đến có món ăn ngon

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, ẩm thực Việt Nam đã dần dần được bạn bè thế giới, khẳng định vị trí trên bản đồ ẩm thực thế giới. TP.HCM là nơi giao thoa ẩm thực vùng miền trong cả nước, bất kỳ món ngon nào vùng miền trên thế giới cũng có thể tìm thấy ở TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, mong muốn các nhà hàng, quán ăn chung tay xây dựng thương hiệu TP.HCM là điểm đến có món ăn ngon.

Theo định hướng của ngành du lịch TP.HCM đến năm 2030, du lịch ẩm thực là sản phẩm du lịch chính của TP.HCM. Việc xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực cũng đi theo định hướng chung là xanh, bền vững, thân thiện môi trường. Vì vậy, các nhà hàng, quán ăn vừa được Michelin giới thiệu cần phải tiếp tục duy trì và giữ vững chất lượng nhà hàng, quán ăn.

Ngoài ra, cần mở rộng thêm nhiều quán ăn đạt Michelin những năm tới để cùng nhau khẳng định TP.HCM không chỉ có các nhà hàng ngon mà cả chất lượng, nguyên liệu, chất lượng phục vụ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin, hiện Sở Du lịch, Sở Công thương và các đơn vị đang trong giai đoạn hoàn thiện bộ tiêu chí để đánh giá nhà hàng, quán ăn từ 1 - 5 sao giống như khách sạn.

"Bộ tiêu chí sẽ bám sát tiêu chuẩn quốc tế để không chỉ 55 nhà hàng được vinh danh mà chúng tôi hướng đến mục tiêu TP.HCM có thật nhiều nhà hàng vào danh sách này, góp phần thu hút và giữ chân khách du lịch đến thành phố", bà Ánh Hoa nói.

Đại diện Sở Du lịch và Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM trao thư chúc mừng cho Nhà hàng được nhận 1 sao Michelin tại tọa đàm Tọa đàm “Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TP.HCM trong danh sách Cẩm nang Michelin”.

Trao thư chức mừng cho cá nhân nhận giải thưởng Michelin Service Award.

Cần đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài

Từ khi được Michelin giới thiệu, hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội và sự quan tâm của cộng đồng khiến lượng khách đến cửa hàng ăn uống, trải nghiệm tăng cao. Tuy nhiên, phía đại diện các nhà hàng, quán ăn cũng chia sẻ những khó khăn đang gặp phải, nhất là khó khăn về nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành F&B và mong muốn được các cơ quan ban ngành đồng hành và hỗ trợ.

Tọa đàm do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức.

Ông Peter Cường Franklin, chủ và bếp trưởng của nhà hàng Ăn Ăn tại Q.1 được nhận 1 sao Michelin, cho biết TP.HCM có lượng dân đông nhất cả nước và các thực đơn ẩm thực phong phú, nguồn nguyên liệu sạch, tươi nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền ẩm thực đa dạng để thu hút du khách. Với kinh nghiệm học hỏi được từ Thái Lan, Hồng Kông, ông sẽ tiếp tục mở rộng, kết hợp yếu tố mới cho ẩm thực nước nhà ngày càng phát triển thông qua các món ăn mới. Những món ăn này vừa mang tính truyền thống và giữ nét hiện đại và để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách khi thưởng thức.

Đầu bếp Nguyễn Thị Nụ, đại diện nhà hàng Vietnam House cho rằng, thông qua hệ thống nhà hàng, quán ăn trong danh sách cẩm nang ẩm thực Michelin Guide, ngành Du lịch có thể thúc đẩy tiếp thị ẩm thực Việt Nam, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Từ đó, hệ thống nhà hàng, quán ăn có điều kiện thuận lợi nâng cao lợi thế cạnh tranh, nhất là tăng cường đào tạo nhân lực trong phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải, chị Phạm Thanh Hoa, chủ tiệm Bếp Mẹ Ỉn, cho biết phần lớn nhà hàng cao cấp lẫn quán ăn bình dân ở TP.HCM có mối lo chung là nhân sự không gắn bó lâu với công việc. Chị Hoa cho rằng nhiều người lao động trong ngành nhà hàng còn giữ quan niệm nghề dịch vụ là nghề tay chân, nhất là nhân sự tại các hàng quán bình dân. Quản lý nhà hàng TRE Dining cũng cho hay, nhân sự phục vụ tại nhà hàng, quán ăn ở Việt Nam nói chung còn yếu kém cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều người nhìn nhận việc phục vụ thực khách chỉ là công việc kiếm tiền ngắn hạn chứ không phải nghề nghiệp phát triển lâu dài.

Ông Lưu Nhật Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM, ngành dịch vụ nhà hàng cần có những thay đổi để giữ chân nhân sự.

Về phía Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM, ông Lưu Nhật Tuấn, Phó chủ tịch góp ý, để đưa nền ẩm thực TP.HCM vươn xa, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đào tạo chia sẻ kiến thức, kỹ năng quản lý cho các nhà hàng và cả nhóm kinh doanh ăn uống vừa và nhỏ.

“55 nhà hàng, quán ăn đầu tiên tại TP.HCM trong danh sách Cẩm nang Michelin đã mang đến tín hiệu tích cực cho ngành du lịch TP, góp phần tăng cường nhận thức của du khách quốc tế về ẩm thực Việt nói chung và ẩm thực TP.HCM nói riêng. Sắp tới Hiệp hội sẽ tổ chức các chương trình sự kiện tọa đàm để trao đổi chia sẻ cá giải pháp giúp nâng cao chất lượng, quảng bá ẩm thực thành phố đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước nhiều hơn”, ông Tuấn cho cho hay.

Hữu Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/sau-michelin-tphcm-se-danh-gia-nha-hang-quan-an-tu-1-5-sao-c2a55005.html