Sau lũ dữ, thắm đượm tình đồng bào

Hai trận lũ lụt liên tiếp chồng nhau trong tháng mười vừa qua tại các tỉnh miền trung, tinh thần tương thân tương ái của đồng bào ta thêm một lần nữa được dấy lên, không chỉ trong nước mà con dân sống xa Tổ quốc cũng nóng lòng hướng về. Có một cộng đồng người Việt ở CHLB Đức, Hội người Việt Chemnitz và phụ cận, khi nghe tin thiên tai đã vận động quyên góp và mới đây, hai đại diện của hội đã lặn lội về tận nơi thăm hỏi, tặng quà động viên bà con, xoa dịu nỗi vất vả cực nhọc của đồng bào mình…

Chị Lê Thị Năm và anh Chu Khắc Nam đại diện cho gần một nghìn đồng bào Việt Nam ở thành phố Chemnitz và phụ cận (CHLB Đức) nhận nhiệm vụ hội về với đồng bào miền trung trong chuyến thăm chớp nhoáng một số xã ở hai huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và Bố Trạch (Quảng Bình).

Ngồi trên chiếc xe tải chở hàng hóa hỗ trợ cho bà con và một số điểm trạm xá, nhà trẻ trên đất Hương Khê, nhìn qua cửa kính lỗ chỗ vết bụi đường, trải dài suốt tầm mắt là đồng đất hoang cằn, xác xơ sau lũ. Chị Năm cất giọng buồn buồn, nửa như tự sự: Cuộc sống bà con mình bao năm nay vẫn còn nghèo quá. Điều kiện sống khó khăn, làm ra đồng tiền đã khó, quanh năm bão lũ, lũ chồng lũ. Biết đến bao giờ dân ta bớt khổ…

Hai bờ sông Ngàn Sâu, trên đường về xã nghèo Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn còn đó hình ảnh từng mảng đất bị dòng nước lũ hung tợn xới tung, lở ngoác từng mảng lớn. Rác rưởi vẫn còn vắt vẻo trắng cành cây hai bên bờ sông. Cái xứ gì mà khổ, thời chiến được ví là túi bom, đến thời bình thì được gọi là vùng rốn lũ, quanh năm hứng chịu thiên tai bão lụt. Nơi đó chúng tôi đã gặp những cảnh đời thật lạ lùng, những con người làm nên những điều thật đáng kinh ngạc. Tôi gặp thầy giáo tật nguyền mới học hết lớp chín, nhưng đã luyện cho hàng nghìn con em địa phương đỗ đạt, thầy giáo Đặng Tiến Dũng. Với những thành tích trong công tác khuyến học, ông giáo Dũng từng được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.

Trưởng trạm y tế xã Phúc Đồng, bác sĩ Nguyễn Minh Lam là con em địa phương, vui mừng khi được hỗ trợ dụng cụ y tế. Tốt nghiệp ĐH Y Thái Bình năm 2006, với bầu nhiệt huyết, anh trở về địa phương công tác, là bác sĩ đầy triển vọng, tin tưởng của bà con Phúc Đồng. Anh ngập ngừng nói về điều ước của mình: “Từ trạm y tế xã lên bệnh viện huyện xa mấy chục cây số, bà con nghèo mỗi lần ốm đau đêm hôm đến trạm xá, trang thiết bị y tế tuyến cơ sở không thể đáp ứng được cho việc thăm khám, tôi đành bó tay bất lực ký giấy chuyển lên tuyến trên mặc dù biết, nếu có trang thiết bị, tôi có thể xử lý được, bà con đỡ vất vả đường xa. Giá như trạm xá được trang bị một cái máy siêu âm thì bà con đỡ khổ được bao nhiêu…”. Hỏi, tầm bao nhiêu tiền một chiếc? “Tôi chỉ ước có một cái dùng được, máy siêu âm đen trắng mới tinh thì khoảng 50 triệu đồng, máy cũ còn dùng được thì khoảng trên dưới 30 triệu. Đó thực sự là khoản chi phí ngoài tầm với của đơn vị cơ sở cấp xã phường, tôi cần sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ từ mạnh thường quân có tấm lòng hướng đến dân nghèo”, bác sĩ Nguyễn Minh Lam chia sẻ.

Thiếu thốn máy móc, trang thiết bị y tế ở cấp thôn xã là tình trạng chung trên toàn hệ thống y tế cả nước, đáp ứng vô cùng khó, tạm thời chưa có cách gì giúp người bác sĩ có tấm lòng nghĩ về người nghèo, chị Lê Thị Năm dù rất chia sẻ trước nguyện vọng chính đáng của người trạm trưởng trẻ tuổi, hứa sẽ lưu ý kết nối.

Trạm y tế Hương Thủy nằm ngay trung tâm xã nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn không kém. Anh Lê Hữu Thảo, người con của Hà Tĩnh, người lính Gạc Ma năm xưa, giờ về lại quê hương, luôn bên cạnh bà con những lúc gian nan hoạn nạn. Thấu hiểu cảnh cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn, anh đề xuất với Ban tổ chức Hội người Việt Chemnitz tặng cho trạm xá một bình thở ô-xy, máy đo huyết áp, chăn màn cho các giường lưu trú cho người bệnh… Trạm trưởng Phan Vũ Giang hồ hởi phấn khởi ra mặt, với những trang thiết bị, dụng cụ y tế để sơ, cấp cứu cho nhân dân địa phương những lúc nguy cấp. Bên cạnh đó, bà con nghèo Phúc Đồng, Hương Thủy được trao các suất quà trị giá 500 nghìn đồng, tuy nhỏ nhưng với bà con thì chan chứa nghĩa tình…

Những vùng đất chúng tôi đi qua dọc rẻo đất miền trung từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, cuộc sống vẫn hằn nỗi gian khó, vệt nước đọng lại trên những vách tường xi-măng nguyên đó, nhưng tấm lòng, lời nói ấm áp trao nhau, thân thương lạ. Các cô giáo mầm non dúi vào tay chúng tôi túi cam tròn căng, năn nỉ: Cam vườn nhà chị đấy, chị không mất tiền mua đâu, em cầm lấy ăn dọc đường cho mát ruột. Có cô giáo biết cô con gái chưa đầy tuổi của anh Lê Hữu Thảo đang sốt cả tuần nay, gửi anh con chim rừng phụ huynh vừa biếu, nấu cháo cho con bé. Anh Thảo là một trong những người địa phương kết nối những tấm lòng thiện nguyện với bà con nghèo vùng lũ.

Rời Hương Khê (Hà Tĩnh) đoàn công tác tiếp tục xuôi về vùng đất lửa Quảng Bình ngay trong đêm. Tiếng thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàn Lão (Bố Trạch) qua điện thoại nghèn nghẹn hôm nào: “Nước dâng nhanh quá cô trò trở tay không kịp, máy móc hỏng hết rồi o ơi”. Các cuộc thi Giải toán qua mạng internet, Olympic tiếng Anh có nguy cơ phải hủy vì hệ thống máy tính và đường truyền bị hư hại. Nhận hai bộ máy tính của Hội người Việt Chemnitz và phụ cận, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Xá vui mừng không để đâu cho hết. Nằm ở trung tâm huyện lỵ, nên trường hầu như bị lãng quên trong các địa chỉ cần trợ giúp, dù trường bị thiệt hại nặng nề sau hai trận lụt liên tục, đặc biệt trận lụt sau, do đất đã ngậm no nước cho nên cả tuần sau vẫn ngập sâu quá đầu người. Những bức ảnh các cô giáo xắn quần lội trong nước dọn rửa gây nhiều tranh cãi, nhưng thực ra rất đơn giản Những ngày nước rút, dù chậm, toàn thể anh chị em giáo viên được huy động sẵn sàng, nước rút đến đâu dọn rửa trường đến đó, lợi dụng sức nước để quét dọn rác rưởi. Nếu chờ nước rút cạn thì việc dọn dẹp sẽ nặng nhọc hơn rất nhiều. Một học sinh của trường đã thiệt mạng trong trận lụt đầu tiên. Hai cô giáo trẻ thấy nước dâng ngập lớp, đã liều mình lội vào lớp ôm sách vở của học trò ra. Nhưng không ngờ nước dâng quá nhanh không trở tay kịp, chỉ chớp mắt, nước đã lên qua bụng, qua ngực, rồi qua cổ… Hôm đó, may có thuyền cứu hộ của lực lượng biên phòng kịp thời ứng cứu, khi mực nước ngấp nghé đầu. Kể lại mà giọng cô giáo trẻ vẫn thảng thốt, lạy trời lạy Phật bưng đỡ chở che!

Trường tiểu học Phúc Trạch II, nằm trong quần thể Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng cũng chịu thiệt hại nặng nề. Một học sinh đang học lớp bốn của trường trong ngày nước lên đầu tiên không lường hết nguy hiểm đi xe đạp qua con đập cạnh trường đã bị dòng nước dữ cuốn trôi cả người và xe… Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đức Thiện dẫn đoàn đến khoảnh đất tới đây sẽ khoan một giếng nước, xây hệ thống bể chứa nước sạch từ số tiền Hội người Việt Chemnitz hỗ trợ. Thực ra, giếng đã có đây nhiều năm, nhưng do điều kiện khảo sát không có, giếng đào không đúng mạch nên nước rất kém, được một thời gian thì cạn hẳn. Cô trò ở lại bán trú tại trường bao nhiêu năm nay khó khăn nhất là nước. Mùa mưa thì còn hứng, tích nước mưa tại trường để dùng, còn hầu hết thời gian trong năm cô trò ăn uống sinh hoạt dè sẻn từ những can nước tự mang đến.

Thiệt hại về người và của từ thiên tai lũ lụt thì không gì có thể đong đếm được. Tuy nhiên, tình người trong hoạn nạn càng thấm đượm, mặn nồng hơn bao giờ hết. Hai điểm trường mầm non Phúc Trạch và Cự Nẫm không xa nhau là mấy, cơ sở vật chất của trường nghèo nàn nhưng cô trò sắp xếp tổ chức sinh hoạt sạch sẽ, ngăn nắp. Ông Hội trưởng Hội phụ huynh Trường mầm non Phúc Trạch nghe tin đoàn cứu trợ Chemnitz đến thăm và tặng quà cho nhà trường thì mừng lắm, bỏ nương rẫy đấy đạp xe mấy cây số đường rừng đến trường chào các anh chị. Từ đận bão lụt đầu tháng mười đến nay, ông nhấp nhổm suốt ngày, lúc nào các cô giáo gọi đến là phải kịp thời chạy đến trường hô hào dân làng ứng cứu.

Trường mầm non Phúc Trạch khi chúng tôi đến đang mượn Nhà chống lũ cộng đồng để cô trò có chỗ dạy và học khi cơ sở cũ bị ngập nước quá lâu. Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường mầm non Phúc Trạch kể lại: “ từ vùng núi trút xuống trở tay không kịp. Trường chúng tôi nằm đúng vị trí trũng, mắt trước mắt sau nước đã tràn vào lớp học, cô trò trở tay không kịp dắt díu nhau chạy đến Nhà chống lũ”. Các cô giáo mầm non háo hức vui sướng ra mặt trước những món quà hội người Việt trao tặng: Với cái nồi cơm điện này, cái máy xay thịt này, từ nay các cô đỡ vất vả với bữa trưa của các con, đặc biệt mỗi đận mưa gió rét mướt, củi ướt, lớp dột tứ bề… Những đứa trẻ sinh ra đã khổ, lại càng khổ hơn khi bố mẹ chúng gặp khó khăn hoạn nạn. Anh Chu Khắc Nam tuy kiệm lời nhưng rất tình cảm. Anh luôn tay phát sữa cho trẻ, rồi nắn nót dán tấm logo nhỏ có dòng chữ Hội người Việt Chemnitz và phụ cận tặng, những món quà thêm muôn phần ý nghĩa.

Từ đất nước Đức xa xôi, những thành viên trong Hội người Việt Chemnitz và phụ cận vẫn luôn đồng hành từng bước đi đoàn thiện nguyện, những người thay mặt hội về trao quà cho bà con. Theo sát mỗi bước chân đi, anh Chu Khắc Nam luôn cập nhật tình hình về “đại bản doanh”. Theo dòng hồi ức, những thành viên trong hội chia sẻ cuộc sống. Quá khứ quê hương bản quán, dù đang sống xa xứ đến nửa vòng trái đất, nhưng vẫn hiện về thân thương máu thịt. Anh Đặng Việt Hoan, người con quê hương Phúc Đồng sống xa quê hơn 30 năm nay, không nén được xúc động khi nhớ về quá khứ nghèo khó. Anh trải lòng: “Chỉ người sinh ra ở đó mới hiểu thế nào là bão lụt. Tôi đã từng chứng kiến cảnh mẹ ôm chúng tôi vào lòng khóc nghẹn, cha ngửa mặt lên trời gào thét khi lũ cuốn sạch cả nhà. Thời chiến tranh Phúc Đồng là túi bom còn nay là rốn lũ. Tôi đã khóc khi mỗi lần nghe tin bão lụt, thương quá bà con quê tôi…”.

Hội Người Việt ở Chemnitz và phụ cận thành lập ngày 12-11-1992. Hầu hết trong số họ rời quê hương trong những thời điểm đất nước còn khó khăn, cho nên, đã thành thói quen, họ chịu thương chịu khó làm lụng chắt chiu. Một tháng có 31 ngày thì làm việc cả 31, bao nhiêu năm nay, những mong đủ ăn, trách nhiệm với gia đình, quê hương luôn đau đáu trong tâm thức, trên gánh nặng hai vai những người con xa xứ…

Con em thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở Chemnitz có những thành công đáng ghi nhận. Có nhiều gương mặt thành đạt, trở thành bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ dược học, làm việc trong các cơ quan, trường học uy tín của Đức. Người Việt ở Chemnitz cũng như trên toàn nước Đức đã luôn cố gắng để hội nhập. 70% con em người Việt ở địa phương đang theo học hệ thống trường chuyên ở Đức. Những người Việt ở Đức, nhờ thái độ sống, làm việc nghiêm túc, bản chất cần cù chịu khó, đã tạo ra một cộng đồng người Việt lớn mạnh, vững chắc. Các thế hệ người Việt tiếp nối sinh ra ở Đức đã và đang vẽ nên chân dung sáng sủa về người Việt Nam mới ở châu Âu, thế hệ thoát ra khỏi tình trạng vất vả lấm lem của cha ông họ.

Hồi còn sống ở Việt Nam, chị Lê Thị Năm vốn là giáo viên dạy Hóa cấp ba. Năm đầu tiên sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chị quyết định sang Đức đoàn tụ gia đình sau nhiều năm vợ chồng mỗi người mỗi nơi. Ở đó, thỉnh thoảng, chị lại gặp học trò cũ, có những cậu học trò chị từng dạy 30 năm trước gặp lại, mừng tủi. Quãng thời gian sống ở quê hương dẫu gian khó nhưng đẹp đẽ, ấm áp vô ngần. Những mảng hồi ức về cố hương luôn lắng đọng, thiêng liêng trong miền nhớ. Hai ngày về với đồng bào vùng lũ, chị Năm chuyện trò, tâm sự với bà con. Trong câu chuyện, họ luôn tâm niệm với nhau, dẫu còn đó muôn vàn khó khăn, hãy cùng mạnh mẽ, kiên cường ý chí để sống lạc quan, tích cực, và không ngừng vươn lên…

Đại diện Hội người Việt Chemnitz và phụ cận trong hai ngày 21, 22-11 vừa qua đã đến thăm và hỗ trợ lũ lụt cho đồng bào một số xã tại Hương Khê (Hà Tĩnh) và Bố Trạch (Quảng Bình) 10.000 euro, tương đương với gần 240 triệu đồng, được phân bổ như sau:

Hương Khê: 7.000 euro, tương đương 168 triệu đồng:

- Tiền mặt: Tặng 100 suất quà (mỗi suất 500 nghìn đồng) cho hộ gia đình khó khăn ở Phúc Đồng, 34 suất (mỗi suất 500 nghìn đồng) ở xã Hương Thủy; Trường mầm non Hương Thủy: 15 triệu đồng; Trường mầm non Hà Linh: 10 triệu đồng;

- Hỗ trợ cho Trường mầm non Phúc Đồng, Trạm xá Hà Linh, Trạm xá Hương Thủy, Trạm xá Phúc Đồng bằng trang thiết bị y tế và trường học bằng hiện vật trị giá hơn 70 triệu đồng.

Bố Trạch: 3.000 euro, tương đương 72 triệu đồng. Trong đó, Trường tiểu học Phúc Trạch 2 hỗ trợ số tiền mặt là 34 triệu đồng để khoan giếng và xây dựng bể chứa nước sạch; Trường tiểu học Hoàn Lão: hai bộ máy vi tính; Trường mầm non Phúc Trạch và Trường mầm non Cự Nẫm hỗ trợ hiện vật trị giá 11 triệu đồng mỗi trường.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/31391602-sau-lu-du-tham-duom-tinh-dong-bao.html