Sâu lắng Điện Biên

Những ngày này, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) tưng bừng cờ hoa đón các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và du khách.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Việt Linh.

Bài hát tìm cha

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đồi A1 nằm đối diện Bảo tàng Điện Biên Phủ qua trục đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch sử và những di tích chính trong TP Điện Biên cũng “tóm gọn” phần lớn qua trục đường này, từ quảng trường 7/5 đến Đồi A1, qua chút nữa rẽ phải là Hầm Đờ Cát, cách đó vài chục mét là cầu Mường Thanh. Đi đến cuối đường là Đồi D1, nơi có tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nghĩa trang Đồi A1 được xây dựng uy nghiêm, phần đài tưởng niệm được thiết kế cách điệu chữ A với những ngôi sao nhỏ tương ứng với số mộ trong nghĩa trang.

Phía cổng vào là hàng bia ghi danh các liệt sĩ. Ở nơi đây, bạn sẽ thấy những dòng tên liệt sĩ dọc bia tưởng niệm, có tỉnh dài đến mấy trang chưa hết như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… có tỉnh chỉ một, hai liệt sĩ góp mặt.

Lại nói về các liệt sĩ, biết bao người con của các chiến sĩ Điện Biên đã đi tìm cha mình, suốt Hồng Cúm, Him Lam, Đồi A1 để rồi một mẫu số chung là cha của họ đã hòa vào đất đai cây cỏ, những cái tên đã quyện bóng mây trời.

Thế mới có chuyện Đại tá, nhà văn Đoàn Hoài Trung trong dịp kỷ niệm 55 Chiến thắng Điện Biên Phủ lên Điện Biên, lúc đầu anh viết phóng sự “Chuyện về dũng sĩ tay cụt” đăng trên báo Quân đội nhân dân kể về câu chuyện một đại đội trưởng đã kịp thời phát hiện việc trinh sát nhầm và đề nghị hoãn trận mở đầu của Chiến dịch dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/3/1954; nhờ thế mà trận đầu tiên diễn ra sau đó 2 ngày ta đã chiến thắng oanh liệt, xé tan cụm cứ điểm Him Lam, nơi mà người Pháp coi là pháo đài bất khả xâm phạm.

Bài viết đó đã góp phần vào việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hà Văn Nọa, người bị cụt một tay trong trận đánh xáp lá cà khi ông tham gia Chiến dịch Biên giới trước đó. Con trai của liệt sĩ Hà Văn Nọa sau này là chiến sĩ công an, đã nhiều lần lên Điện Biên tìm cha, mỗi lần nghe thấy có tin tìm được hài cốt anh lại lên, nhưng mỗi lần lên là một lần thất vọng, bởi những hài cốt tìm thấy đều có đủ hai tay, đây hiển nhiên không phải cha anh, bởi liệt sĩ Hà Văn Nọa chỉ có một tay mà thôi.

Đó là một câu chuyện điển hình, còn biết bao những người con khác cha ông của họ hy sinh, đã quắt quay trong những kiếm tìm, trong những hình dung về người thân. Điện Biên Phủ với họ có lẽ sẽ khác với những người khác.

Từ câu chuyện về dũng sĩ Hà Văn Nọa, cảm động về câu chuyện tìm cha của anh Hà Văn Tuyên, nhà văn - nhà báo Đoàn Hoài Trung đã viết bài thơ “Tìm cha”, sau đó nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. “Bao năm con đi tìm cha/ Đồi A1 dọc cánh đồng Mường Thanh/ Các nghĩa trang liệt sĩ vô danh/ Bạt ngàn san sát mộ bên nhau/ Trước nghĩa trang chiều nay/ Giữa màu trắng mênh mông nhức mắt/ Không thấy tên cha/ Con chỉ biết cha là dũng sĩ Điện Biên…”

Câu chuyện tìm người thân ấy còn được nối dài, còn được kể mãi. Nói như Đại tá Trần Đức Sinh - Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên thì còn nhiều việc phải làm. "Ngay như tôi, đã lên Điện Biên bao lần, nay thì công tác tại chính đây nhưng ông bác ruột của tôi đã tìm suốt những năm qua cũng chỉ còn lại ngờ ngợ trên hai dòng tên gần giống nhau trên bia đá nghĩa trang Đồi A1 mà thôi”.

Bác ruột của Đại tá Trần Đức Sinh là liệt sĩ Trần Đức Ngung, sinh khoảng trước năm 1932, quê tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hy sinh tại Mường Thanh ngày 31/3/1954. Sau này, khi học sĩ quan pháo binh và về công tác trên địa bàn Quân khu 2, anh Sinh đã lên Điện Biên, đến Sở Lao động, Thương binh Xã hội tỉnh cố gắng tìm thông tin về trường hợp hy sinh và phần mộ bác mình thì cũng chỉ biết bác hy sinh ở khu vực đồi Khe Chít trong đợt tiến công thứ hai của quân ta.

Anh cũng đi khắp các nghĩa trang ở Điện Biên dò tìm người bác đang được thờ tự tại gia đình mình mà không thấy. Cuối cùng, người cháu tìm thấy tên bác mình ở Nghĩa trang Đồi A1 và đã báo tin cho chị họ là con ruột của liệt sĩ Trần Đức Ngung.

Bà Trần Thị Thiệp, người con gái duy nhất của liệt sĩ Trần Đức Ngung hiện đang sống tại Bãi Bằng, Phú Thọ. Sinh ra được 2 tuổi thì bố hy sinh, mẹ đi bước nữa, bà phải ở với ông bà nội, cả cuộc đời chịu nhiều thiệt thòi và tủi thân, chưa khi nào bà được gọi hai tiếng “cha ơi”. Sinh năm 1952 nhưng vì đi học muộn nên tuổi hồ sơ của bà là 1954. Sau này lớn lên bà đi học Trung cấp y tế kĩ thuật và về làm việc tại Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, sau đó bà chuyển về làm y tá tại Nhà máy giấy Bãi Bằng.

Ký ức về cha của bà Thiệp là những câu chuyện kể thập thõm của ông bà. Bố bà vốn là nhà giáo, nhập ngũ vào quân đội, đi chiến đấu và hy sinh, việc thờ cúng liệt sĩ Trần Đức Ngung do người em trai, tức bố của Đại tá Trần Đức Sinh đảm nhận. Khi đã trưởng thành và có gia đình ổn định, bà Thiệp mới xin phép chú và các em đưa bàn thờ cha về nhà mình.

Thật không may, năm 1981 nhà bà Thiệp bị cháy, tấm ảnh duy nhất về cha cùng nhiều tài sản khác bị thiêu rụi. Bởi thế, ký ức mỏng manh về bậc sinh thành càng trở nên hư ảo. Từ khi nhận tin anh Sinh thông báo tên cha ở Nghĩa trang Đồi A1 bà Thiệp đã hai lần lên Điện Biên thắp hương cho cha.

Bà vẫn nhớ lần đầu, khi lên Điện Biên, trời nắng chang chang, lễ mừng Chiến thắng 60 năm Điện Biên Phủ vừa diễn ra được 2 ngày, khi đến Nghĩa trang Đồi A1 làm thủ tục thăm viếng, vừa chạm tay vào dòng tên cha thì mây đen ùn ùn kéo đến, trời bỗng đổ mưa rào rầm rĩ, sớm chớp ì ùng, bà Thiệp phải ngồi chờ ở nhà bia suốt 45 phút. Hết 45 phút mưa ngớt, ánh nắng lại hửng lên, một dải cầu vồng bắc ngang trời như một sự kết nối âm dương. Bà vội vàng vào thắp hương cho 614 ngôi mộ trong nghĩa trang.

Tất cả là mộ không tên, trừ 4 ngôi mộ của các Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can, Tô Vĩnh Diện. Bà tin đó là cuộc trùng phùng cha con sau bao năm xa cách, lưu lạc âm dương. Bà luôn tin có một sự sắp đặt tâm linh cho cuộc hội ngộ vô hình với cha sau những chờ trông mòn mỏi.

Điện Biên có 8 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 3 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là A1, Him Lam và Độc Lập. 8 nghĩa trang với 6.600 phần mộ liệt sĩ, trong đó chỉ có 705 phần mộ có tên đầy đủ, 653 phần mộ có một phần thông tin, còn lại 5.285 phần mộ không có thông tin. Điện Biên có 4 Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu là Tô Vĩnh Diện, Trần Can, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, những người có tên trên mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 như bà Thiệp và những người khác đã thấy thì cũng chỉ có 3 anh hùng là có nơi hy sinh, còn liệt sĩ Trần Can không có.

Di ảnh 4 liệt sĩ ấy được đặt trang trọng trong Bảo tàng Điện Biên Phủ, với Trần Can cũng chỉ là một tấm ảnh vẽ lại theo trí nhớ của đồng đội mà thôi. Còn rất nhiều liệt sĩ chưa biết tên khác, như cha bà Thiệp, vì những lí do khác nhau đến tấm ảnh thờ cũng chẳng còn.

Con trai Anh hùng liệt sĩ Hà Văn Nọa là Đại tá công an Hà Văn Tuyên, cũng đã nghỉ hưu, đến nay, khi kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì người con trong bài hát “Tìm cha” ấy cũng đã qua đời, cháu nội của liệt sĩ Hà Văn Nọa là anh Hà Văn Thân sau này là một sĩ quan biên phòng. Thế hệ thứ ba đã là những người lính tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, dịp lễ trọng này không biết có đến được Điện Biên tưởng nhớ ông mình. Câu chuyện tìm cha đã thành câu chuyện tìm ông trong những trao truyền khắc khoải.

Trước tượng đài người phụ nữ Thái bồng con ở khu di tích Noong Nhai . Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy.

Nốt trầm Noong Nhai

Cách trung tâm Điện Biên 5 km về hướng Nam, kề ngay quốc lộ 279 là di tích Noong Nhai.

Noong Nhai giờ cũng là tên thôn, thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Tượng đài người phụ nữ Thái bồng người con đã chết bởi bom Pháp vẫn đứng đó, giữa hai cây đại xòe nhưng cành nhánh cứ dày lên mãi theo năm tháng như bàn tay người mẹ quờ với trong vô vọng tìm kiếm những con mình.

Hơn 400 người dân là người già và trẻ nhỏ là những oan hồn trong một nốt lặng phía bên kia của chiến thắng. Sau khi nhảy dù đổ quân xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, tướng Navarre đã cho xây dựng vùng lòng chảo Điện Biên thành tập đoàn cứ điểm kiên cố hy vọng khống chế Tây Bắc Việt Nam. 49 cứ điểm được phân thành 8 cụm thuộc 3 phân khu Bắc - Trung - Nam.

Để chiếm đóng Điện Biên Phủ lâu dài, De Castries cũng đã nỗ lực xây dựng một bộ máy cai trị với hệ thống đơn vị hành chính mà chúng gọi là bản, lộng cùng các chân rết dân vệ, mật thám. Các đơn vị lính Pháp được phân công phụ trách các bản, nắm lai lịch từng gia đình. Trai tráng trong bản bị bắt lính, đàn ông đứng tuổi thì bị bắt đi xây dựng hầm hào công sự, nhà cửa của bà con bị chúng dỡ lấy gỗ mang đi làm công sự. Những người dân còn lại bị dồn vào bốn trại tập trung.

Noong Nhai là một trong bốn trại tập trung này, gồm nhân dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống. Trại Noong Nhai do Đồn Hồng Cúm thuộc phân khu Hồng Cúm quản lý. Thực dân Pháp đã dồn khoảng 3.000 dân vào những lán trại tre nứa, lợp rơm rạ, ăn ở chật chội, mất vệ sinh. Một tuần chúng mới cho người dân về bản cũ lấy gạo và lương thực một lần.

Ông Lò Văn Hặc kể lại những ký ức về vụ thảm sát Noong Nhai. Ảnh: Báo ĐBP.

Khi quân Pháp rơi vào thế thất thủ ở đợt tấn công thứ hai của quân ta, 14 giờ ngày 25/4/1954, chúng đã điên cuồng cho 4 máy bay Dakota ném bom sát thương và bom Napalm vào Trại tập trung Noong Nhai. Theo tài liệu lưu giữ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên, vụ thảm sát đã làm 444 người chết, đại đa số là phụ nữ, người già và trẻ em, là những đối tượng chính trong khu tập trung. Nhiều người bị sức nóng của bom Napalm làm cháy nham nhở không thể nhận ra hình dạng, nhiều gia đình không còn ai sống sót.

Những nhân chứng còn sống đã mô tả lại, từ phía bản Noong Nhai, lửa bốc lên ngùn ngụt, những đám khói đen đặc cuồn cuộn lan rộng bốc lên cao như những đám mây đen phủ kín bầu trời. Sau khi thực dân Pháp ném bom xuống Trại tập trung Noong Nhai, lực lượng pháo cao xạ và súng máy phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt máy bay của đối phương. Các chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 tiến vào giải cứu những người dân vô tội, khiêng những người bị thương ra suối băng bó, cấp cứu, thu gom những người chết để mai táng.

Một số người còn sống sót đã chạy sang trú ở các khu vực lân cận, một số theo bộ đội Việt Nam vào vùng giải phóng còn lại vẫn tiếp tục ở Noong Nhai đến khi chiến dịch kết thúc vào ngày 7/5/1954.

Ông Lò Văn Hặc, một nhân chứng của vụ thảm sát Noong Nhai khi đó mới 14 tuổi kể lại, ông nghe thấy một tràng tiếng ầm ầm, rồi khói mù mịt, không nhìn được gì.

Đến lúc nhìn rõ thì phía ấy bao nhiêu người chết, người cháy, người quằn quại trong vết thương. Lúc ấy những người còn sống sợ hãi co ro, người thì chạy nhốn nháo tìm người thân. May mắn cho gia đình ông là cậu em trai lúc ấy đang đi tắm ở sông Nậm Rốm nên chỉ bị thương ở chân và người bác bị thương ở vai.

Niềm đau thương ấy người dân Noong Nhai còn nhớ. Lịch sử cũng đã khắc ghi. Ngay khi kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành Văn hóa - Thông tin Điện Biên đã xây dựng nhà trưng bày các hiện vật, chứng tích về vụ thảm sát.

Nhưng buồn thay, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nối tiếp sau đó, khi Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc, một trận bom đã làm cháy nhà lưu niệm này. Lịch sử dựng lên để ghi nhớ tội ác chiến tranh lại bị vùi lấp bởi một cuộc chiến tranh khác, mọi thứ tan hoang chẳng còn gì. Mãi đến 20 năm sau, năm 1984, khu di tích Noong Nhai mới được được xây dựng, chính là khu di tích hiện tại.

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, đồng bào Điện Biên nói riêng đã chịu biết bao gian khổ, hy sinh, cùng bộ đội chiến đấu vì nền hòa bình. Trong hầu hết các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đại đa số cũng là các chiến sĩ dân tộc thiểu số. Làm nên chiến thắng to lớn này có sự đóng góp máu xương, sự hy sinh lớn lao của các dân tộc nơi đây, những người đã một lòng một dạ theo Đảng, theo Chính phủ, theo bộ đội Việt Minh.

Ở mốc kỷ niệm 70 năm Chiến thắng, đã có những trường học được xây mới, đã có những căn nhà được dựng tặng đồng bào. Chương trình 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo tại Điện Biên năm 2024 là một việc làm ý nghĩa chúng ta có thể làm cho bà con các dân tộc nơi đây.

Chính ủy Trần Đức Sinh cho biết, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và tỉnh Bình Dương đã xây dựng 105 căn nhà Đại đoàn kết tặng bà con Điện Biên. Đến nay mọi thứ đã xong, đang chờ đại diện các đơn vị phối hợp lên Điện Biên để trao cho bà con trước dịp kỷ niệm 7/5 này.

Tôi có mặt ở Điện Biên vào đúng tuần rằm, vầng trăng tròn vành vạnh đỏ đặc như được nhuộm bằng những trầm tích xứ này. Đồi A1 đã vãn những đoàn khách viếng thăm, đèn đóm cũng đã tắt, chỉ còn những xe tăng ụ pháo, những lô cốt, hầm hào lặng im như những nốt trầm.

Kế Đồi A1 là trụ sở Tỉnh ủy Điện Biên. Cũng sát đó là Trường THPT Điện Biên Phủ, cái nôi đào tạo nên những con em Điện Biên, thế hệ xây dựng Điện Biên những năm hòa bình. Bằng một cách đặc biệt, đêm nay chúng tôi đã ở đây, trên ngọn đồi này, nhìn xuống thành phố lốm đốm ánh đèn, tiếng loa giao lưu văn hóa văn nghệ từ các đoàn về nguồn rộn ràng những bài ca về Tây Bắc, về Điện Biên, về chiến thắng...

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/sau-lang-dien-bien-10277650.html