"Sát thủ" núp dưới đáy biển Rowing khiến cuộc chiến Nga - Mỹ bùng nổ?

ANTĐ - Loại container chở tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển có thể được những tàu ngầm loại nhỏ lặng lẽ vận chuyển đến và lắp đặt ở vị trí đã định. Nó lặng lẽ tiềm phục dưới đáy biển, chờ chỉ lệnh kích hoạt rồi phóng tên lửa tấn công mục tiêu.

Theo báo cáo của một cơ cấu nghiên cứu quân sự Mỹ, tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga hiện nay cơ bản không phải là đối trọng của Mỹ, bởi vì các tàu ngầm này trong năm 2012 hoạt động rất ít. Lầu năm góc cũng cùng chung nhận định khi cho biết, trong năm ngoái chỉ có vẻn vẹn 5 tàu tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo của Nga thuộc các căn cứ của Hạm đội phương Bắc và hạm đội Thái Bình Dương ra biển tuần tiễu.

Mấy năm gần đây, Nga đẩy mạnh tiến độ chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey. Ví dụ như tháng 1 năm nay Hạm đội phương Bắc đã tiếp nhận tàu “Yury Dolgoruky” có khả năng mang theo 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ngoài ra, chiếc thứ 2 mang tên “Alexander Nevsky” đang trong quá trình thử nghiệm trên biển, còn chiếc thứ 3 là “Vladimir Monomakh” vừa mới hạ thủy tháng 12/2012.

Tuy vậy, Moscow cũng hiểu rằng, chỉ trông chờ vào sự phát triển nhanh chóng của các tàu ngầm này để bổ sung lực lượng tấn công trên biển và nâng cao năng lực tác chiến tổng thể của hải quân Nga là điều không thực tế. Vì vậy, tích cực chế tạo và thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển để bù đắp sự thiếu hụt lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với hải quân Nga.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, các cơ quan tình báo Mỹ nắm được kế hoạch Liên Xô dự định phát triển một loại tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển. Qua nghiên cứu và phân tích thông tin họ cho rằng kế hoạch này là không khả thi, vì vậy cũng gạt phăng ý tưởng phát triển loại tên lửa này làm đối trọng và đầu tư cực lớn để xây dựng các giếng phóng tên lửa hạt nhân dưới lòng đất, hy vọng sẽ gây được áp lực lớn đối với Liên Xô.

Hiện trường một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga

Theo phân loại của NATO, tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển “Rowing” thuộc thế hệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RM. Hiện nay, hải quân Nga vẫn đang còn sử dụng loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29RM2 Shtil (NATO gọi là SS-N-23 Skiff), nó chính là sản phẩm của Trung tâm nghiên cứu tên lửa quốc gia mang tên “Viện sĩ Makeyev”. Tuy vậy, loại tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển “Rowing” hiện nay có liên quan gì đến loại tên lửa R-29RM Shtil chế tạo từ thời Liên Xô hay không thì chưa ai xác định được.

Các chuyên gia Mỹ phân tích, trong tương lai người Nga có thể lắp đặt các tên lửa này trong 1 container cất trữ/vận chuyển/phóng đặc biệt. Các container có thể bảo vệ tên lửa chống lại áp suất lớn và sự ăn mòn dưới đáy biển, đồng thời bảo đảm giữ vững thông tin với sở chỉ huy. Khi nhận lệnh, các container này nổi lên ở một độ sâu đạt chuẩn phóng (thông thường, đối với tàu ngầm tên lửa đạn đạo là 50m) và tiến hành tấn công mục tiêu địch.

Loại container này có thiết kế rất đặc biệt, có thể từ trạng thái nằm ngang chìm trong nước dựng đứng lên mà vẫn bảo đảm trạng thái nổi bình thường, điều này đã làm đơn giản hóa trình tự lắp đặt tên lửa ở dưới nước và bảo đảm độ tin cậy khi phóng tên lửa.

Loại container này có thể được những tàu ngầm loại nhỏ lặng lẽ vận chuyển đến và lắp đặt ở vị trí đã định dưới đáy biển. Nó lặng lẽ nằm in dưới đáy biển chờ chỉ lệnh kích hoạt rồi phóng tên lửa lên không tấn công mục tiêu được giao.

Tuy nhiên không giống như tàu ngầm có thể hành trình tự do trên các đại dương, việc lắp đặt tên lửa chiến lược dưới đáy biển là hành động vi phạm Điều ước “Cấm triển khai vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí sát thương hàng loạt dưới đáy đại dương và các vùng nước sâu” có hiệu lực từ năm 1972 (hiện có 93 nước đã ký điều ước này).

Một loại tên lửa độc đáo khác của Nga là tên lửa phóng trên tàu hỏa

Điều ước quy định, cấm triển khai vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí sát thương hàng loạt ở dưới đáy biển thuộc lãnh hải quốc tế, là khu vực bên ngoài giới hạn 12 hải lý tính từ bờ biển trở ra. Vì vậy, nếu Nga có trang bị loại tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển “Rowing” thì họ cũng chỉ có thể lắp đặt dưới đáy biển nằm trong phạm vi lãnh hải của họ. Như vậy, khả năng răn đe của loại tên lửa này đã giảm xuống rất nhiều.

Cũng có chuyên gia cho biết, nếu như vẫn quyết định triển khai loại “sát thủ dưới đáy biển này” có thể sẽ gây ra những bất đồng chính trị với các quốc gia khác, ví dụ như là Mỹ. Vấn đề này cũng bị ước thúc bởi các Hiệp định kiểm soát vũ khí có liên quan giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước “Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược” giai đoạn 3 được ký năm 2010, không cho phép sản xuất và bố trí tên lửa hạt nhân chiến lược dưới đáy biển.

Điều này có nghĩa là, khi Nga chính thức triển khai loại tên lửa này, họ sẽ không thể không bàn bạc với Mỹ để sửa đổi một số nội dung của Hiệp ước và chắc chắn là Mỹ sẽ không đồng ý. Thế nhưng cũng có thông tin cho rằng, có thể Mỹ sẽ nhượng bộ trong vấn đề này để làm dịu lập trường cứng rắn của Nga đối với vấn đề Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại châu Âu.

Tuy hiện nay Moscow vẫn không xác nhận công khai là đang nghiên cứu, phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ đáy biển, nhưng nếu họ đã đầu tư phát triển “Rowing” thì chắc chắn họ sẽ không để nó “bị đắp chiếu” và Mỹ cũng sẽ tìm mọi cách để ngăn cản Nga triển khai loại vũ khí này. Cuộc chiến ngầm dưới mặt nước của 2 cường quốc Nga - Mỹ đã chính thức bắt đầu.

Nguyễn Ngọc
Theo Izvestia/Nga

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/quoc-phong/sat-thu-duoi-day-bien-rowing-khien-cuoc-chien-nga-my-bung-no/505198.antd