Sát ngày 8/3, hoa tươi tăng giá mạnh, tiểu thương nhập hàng cầm chừng

Gần tới ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, giá hoa tươi nội địa và hoa tươi nhập khẩu tại Hà Nội đều đồng loạt tăng gấp đôi so với ngày thường. Giá cao, lo lắng sức mua suy giảm, nhiều tiểu thương chỉ dám nhập hàng cầm chừng.

Giá hoa tươi tăng mạnh

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 7/3 tại các cửa hàng hoa dọc các tuyến phố Hà Nội như Trần Xuân Soạn, Lương Định Của, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Khang… giá hoa tươi đã tăng khoảng 20-30%, đặc biệt giá hoa hồng tăng gấp đôi so với ngày thường.

Giá nhiều loại hoa tươi dịp 8/3 tăng gấp đôi so với ngày thường.

Khảo sát tại một số cửa hàng hoa trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội), giá hoa hồng Tây Tựu dao động khoảng 10.000 - 12.000 đồng/bông, trong khi ngày thường mức giá bán chỉ khoảng 5000 - 6.000 đồng/bông; hồng nhung, hồng Đà Lạt từ 15.000 đồng/bông lên 25.000-30.000 đồng/bông.

Một số loại hoa khác tăng khoảng 20-30% như phăng chùm đỏ có giá 90.000 đồng/bó, ly kép tím 5 tai giá 300.000 đồng/5 cành, ly kép đỏ 3 tai giá 220.000 đồng/5 cành, hoa hướng dương giá 250.000 đồng -30.000 đồng/10 bông, cúc họa mi giá 110.000 đồng/bó, thược dược miến giá 180.000 đồng/30 cành, thược dược mix màu giá 160.000 đồng/30 cành, hoa violet giá 45.000 đồng/bó…

Một số loại hoa nhập ngoại như hoa hồng Ecuador tăng từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng/cành, hoa hồng Columbia tăng từ 100.000 đồng lên 130.000 đồng/bông, tulip Hà Lan giá 300.000 đồng tăng lên 400.000 đồng/bó…

Với các loại bó hoa bó sẵn được bày bán với giá từ 300.000 đồng - 1,5 triệu đồng/bó, tùy loại hoa và xuất xứ, kích thước.

Giá nhiều loại hoa tươi dịp 8/3 tăng gấp đôi so với ngày thường.

Trong đó, loại bó hoa nhỏ 1 bông với mức giá khoảng 50.000 đồng và bó hoa bình dân với giá dao động từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/bó được nhiều người ưa chuộng hơn cả.

Theo các tiểu thương kinh doanh hoa tươi, nguyên nhân hoa tăng giá là do vào ngày lễ, sức tiêu thụ sẽ có nhiều biến động. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết, cộng thêm việc các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cũng khiến cho nhiều nhà vườn làm ăn phải cắt giảm sản lượng trồng hoa tại vườn.

Lo ế ẩm, tiểu thương dè dặt nhập hàng

Buôn bán hoa tươi tại chợ Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) từ năm 2010 nhưng năm nay, chị Nhân (42 tuổi) không mạnh tay nhập hàng nhiều mà đang chờ chuyển biến của thị trường để cân nhắc việc nhập thêm hoa.

“Từ trước Tết đến ngày Valentine, sức mua của người dân cũng không bùng nổ. Thêm vào đó, giá hoa ngày 8/3 lại cao hơn hẳn so với ngày thường nên tôi không dám nhập nhiều vì sợ ế. Tôi chỉ mới lấy mỗi loại một ít để bán chứ chưa dám ôm hàng, sợ khó bán lại tồn nhiều” - chị Nhân chia sẻ.

Phân khúc bình dân được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tương tự, chị Mai Thị Vân, tiểu thương kinh doanh tại chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn nhập hàng mới, mẫu mã đa dạng với nhiều mức giá khác nhau nhưng lượng hàng dự trữ không nhiều, chỉ lấy một lượng đủ bán, khách mua đến đâu thì nhập hàng đến đó.

“Hoa tươi hạn sử dụng ngắn nên nếu nhập nhiều mà bán không hết thì chắc chắn sẽ lỗ. Dự đoán trước sức mua dịp 8/3 không cao nên tôi sẽ tính toán để nhập về số lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh để hàng tồn” - chị Vân nói.

Theo chị Vân, thị trường hoa ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay khá trầm lắng, sức mua đầu năm tới nay đều chậm. Trong khi đó, các mặt hàng hoa móc len, hoa khô, hoa sáp lại được biến hóa nhiều mẫu mã, giá rẻ khiến sức mua hoa tươi có phần sụt giảm.

Nắm bắt tâm lý tiết kiệm của người dân, chị Vân cũng tập trung mẫu mã vào phân khúc bình dân dưới 500.000 đồng thay vì làm những bó hoa đắt tiền.

Đồng thời, chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã hot trend, hoa theo set hoặc combo cùng với các quà tặng đi kèm như đồ uống, bánh kem, trái cây nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Nguyễn Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/sat-ngay-8-3-hoa-tuoi-tang-gia-manh-tieu-thuong-nhap-hang-cam-chung-post287061.html