Sạt lở kênh Thanh Đa mỗi ngày gần 2 cm: Lo!

Các ngành chức năng TP.HCM đang tích cực tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục sự cố sạt lở tại kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh.

Mới đây, Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã xác định mỗi ngày khu vực kênh Thanh Đa, phường 25, quận Bình Thạnh sụt lún gần 2 cm. Đáng chú ý là ngay sau 15 căn nhà bị sạt lở hôm 22-6 là nhà của rất nhiều hộ dân khác. Hiện các ngành chức năng đang tìm giải pháp khắc phục sự cố sạt lở, tránh tình trạng sạt lở lan rộng đến các hộ dân này.

Cần có biện pháp khắc phục để tránh sạt lở sâu hơn

Ngày 18-7, trở lại hiện trường khu vực sạt lở diễn ra cách đây gần một tháng, PV ghi nhận các căn nhà bị ảnh hưởng trước đó đang tiếp tục nghiêng và sụt lún. Tường, gạch bị vỡ vụn, nứt có thể đổ sụp xuống sông. Những căn nhà này chỉ cách đỉnh kè khoảng 3-3,5 m.

Tại hiện trường của vụ sạt lở, UBND phường 25, quận Bình Thạnh cũng đã căng băng rôn cảnh báo khu vực sạt lở, nguy hiểm để cảnh báo người dân. Đồng thời, phường cũng yêu cầu dân quân túc trực để đảm bảo an toàn, tránh người dân đi vào khu vực nguy hiểm.

Phường 25, quận Bình Thạnh căng băng rôn để cảnh báo người dân không đi vào khu vực sạt lở. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đáng chú ý, phía sau những căn nhà đã đổ, sụp lún vẫn còn có nhiều hộ dân ở khu vực này. Theo quan sát của PV, khoảng cách giữa các căn nhà này so với đỉnh kè khoảng 20 m.

Một dân quân tự vệ túc trực tại khu vực sạt lở cho biết anh được phân công túc trực ở đây để hạn chế những người không phận sự vào khu vực. “Khu này sụp lún ngày càng sâu, được biết mức độ sụp lún khoảng 2 cm/ngày là vô cùng nguy hiểm” - anh này nói.

PV tới gặp các hộ dân sống phía sau những căn hộ bị sụp lún để tìm hiểu thêm về tâm trạng cũng như những dự định của họ cho tương lai khi sống quá gần khu vực sạt lở. Đa số người dân đều bày tỏ sự lo ngại. Trong đó không chỉ lo sạt lở có thể “ghé thăm” nhà mình bất cứ lúc nào mà lo hơn là nếu phải di dời thì chưa biết nơi ăn chốn ở và cuộc sống mới sẽ ra sao. Vì vậy, mong muốn của họ là không phải di dời để tránh sự xáo trộn cuộc sống.

Đồng thời, họ cũng mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục để không sạt lở sâu hơn. “Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm sửa chữa, khắc phục tình trạng sạt lở để những hộ dân phía sau như chúng tôi yên tâm hơn” - một người dân nói nhưng từ chối nêu tên.

Tích cực tìm giải pháp khắc phục

Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở, PV ghi nhận Công ty Portcoast đã bắt đầu khoan, kiểm tra nền đất yếu và lên phương án khắc phục. Được biết đây cũng là buổi làm việc đầu tiên sau khi tiến hành khảo sát, báo cáo các đơn vị liên quan.

Từ ngày 18-7, Công ty Portcoast bắt đầu khảo sát, khoan cọc, tính toán độ sụp lún tại khu vực sạt lở kênh Thanh Đa. Ảnh ĐT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, cho biết hiện nay ngay sau vụ sạt lở phường đã di dời toàn bộ dân (khoảng 70 nhân khẩu) trong khu vực sạt lở đến nơi ở mới. Trong đó, một số hộ được bố trí tạm cư tại chung cư số 4 Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh. Một số hộ cũng được phường hỗ trợ thuê nhà ở khu vực gần đó để đảm bảo cuộc sống và sinh kế.

“Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm sửa chữa, khắc phục tình trạng sạt lở để những hộ dân phía sau như chúng tôi yên tâm hơn.”

“Giải pháp lâu dài, phường 25 tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng của TP sớm có phương án xử lý sự cố để người dân sớm ổn định cuộc sống. Hiện khu vực này đang sụp lún 2 cm/ngày nên phường đã cử dân quân tự vệ, công an phường giám sát 24/24 giờ để đảm bảo an toàn. Đồng thời, phường cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu về tình trạng sụp lún và sẵn sàng di dời nếu sạt lở lan rộng” - ông Tồn nói.

Đại diện Công ty Portcoast cũng cho biết bắt đầu từ ngày 18-7, công ty bắt đầu khảo sát, khoan cọc, tính toán độ sụp lún để báo cáo rõ phương án sửa chữa trong thời gian tới với Sở GTVT.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay các đơn vị đang tiếp tục phối hợp, tìm ra phương án chống sạt lở, khắc phục kè Thanh Đa.

Một căn nhà bị sụt lún tại kênh Thanh Đa, phường 25. Ảnh ĐT

Đánh giá bước đầu, ông An nhận định thời điểm xảy ra sạt lở có mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè, dưới nền nhà ở của các hộ dân bị ngậm nước. Cùng lúc đó là thời điểm nước triều kiệt, chênh lệch mực nước lớn làm gia tăng áp lực ngang lên kè. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay chỉ xảy ra tại đoạn kênh 1.1, các đoạn còn lại trên kênh Thanh Đa là 1.2, 1.3 và 1.4 vẫn đang ổn định.

Theo ông An, qua đánh giá sơ bộ của Công ty Portcoast, kênh Thanh Đa đoạn 1.1 đang có hiện tượng chuyển vị theo phương đứng (lún sụt) bình quân khoảng 1,78 cm/ngày, theo phương ngang (chuyển vị ra phía lòng kênh) bình quân khoảng 2 cm/ngày. Mức sụt lún này là rất nguy hiểm.

Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 170 m, rộng 15 m từ đỉnh kè vào trong bờ. Đơn vị tư vấn khảo sát đã đề xuất thu thập đầy đủ các số liệu địa hình, địa chất, thủy văn... để có nhận xét chính xác về nguyên nhân gây ra lún sụt. Từ đó mới có thể đề xuất giải pháp xử lý triệt để.

Đồng thời, ông An cũng cho biết khu vực trên cũng cần có giải pháp hạ tải một số nhà dân gần đỉnh kè để hạn chế thấp nhất hiện tượng sụp lún, đảm bảo tính mạng cho người dân.

“Mới đây, Sở GTVT, UBND quận Bình Thạnh cùng các đơn vị, sở, ngành liên quan đã họp bàn cách giải quyết. Trong đó, sở cũng đề nghị quận Bình Thạnh cần khẩn trương thông báo đến các hộ dân bị ảnh hưởng ở kênh Thanh Đa về khả năng xảy ra tình huống xấu nhất. Trong đó có thể di dời và phá dỡ công trình nhà để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và công trình bờ kè để người dân hiểu và thông cảm” - ông An nói.•

Chỉ đạo khẩn của UBND TP.HCM về sạt lở tại kênh Thanh Đa

UBND TP.HCM đã có công văn khẩn về tình hình sạt lở nguy hiểm khu vực kênh Thanh Đa, phường 25, quận Bình Thạnh.

Theo đó, UBND TP chỉ đạo Ban chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM (Sở NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý thích hợp nhằm phòng tránh thiệt hại cho người dân tại khu vực nêu trên.

Quận Bình Thạnh, phường 25 được giao tiếp tục theo sát sao diễn biến lún sụt tại khu vực, thực hiện việc di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

Đồng thời triển khai rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người dân.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/sat-lo-kenh-thanh-da-moi-ngay-gan-2-cm-lo-post743115.html