Sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh: Tuân thủ đúng quy hoạch

"Thời gian qua, TP Hà Nội đã thực hiện phương án sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn theo đúng quy hoạch. Đến thời điểm này, không còn tình trạng xe khách chạy xuyên tâm thành phố. Trong quá trình điều chỉnh, cơ quan chức năng đã cân nhắc khả năng tiếp nhận của các bến, bảo đảm hài hòa lợi ích của hành khách cũng như của bến xe và các doanh nghiệp vận tải" - ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội khẳng định tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 18-10. Chưa có thông tin việc "chạy lốt"

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) Hà Nội, thành phố hiện có 5 bến xe chính, gồm: Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa và Mỹ Đình, kết nối với bến xe của 41 tỉnh, thành phố. Mỗi ngày, các bến phục vụ 4.915 chuyến của 4.738 phương tiện, thuộc 450 doanh nghiệp vận tải, trong đó Hà Nội chỉ có 61 doanh nghiệp, còn lại do các địa phương khác quản lý. Từ trước đến nay, khi thực hiện sắp xếp, điều chỉnh luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, quan điểm nhất quán của thành phố là đặt giải quyết ùn tắc giao thông làm mục tiêu xuyên suốt.

Bến xe Giáp Bát đã quá tải. Ảnh: Hoàng Việt

Ông Hà Huy Quang cho biết, theo Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Bộ GT-VT phê duyệt, các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được giữ nguyên hiện trạng từ thời điểm năm 2014; và đến nay, vẫn bảo đảm theo quy hoạch đã được duyệt.

Đối với các tuyến đi và đến địa bàn Hà Nội, thành phố ưu tiên bố trí luồng tuyến theo nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như tính kết nối với mạng lưới giao thông. Cụ thể: Các tuyến theo quốc lộ 1, quốc lộ 1B đi vào Bến xe Gia Lâm; các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 6 đi vào Bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo hướng quốc lộ 32, cầu Thăng Long đi vào Bến xe Mỹ Đình; các tuyến phía Nam đi theo hướng quốc lộ 1, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào Nước Ngầm, Giáp Bát.

Tuy nhiên, các tuyến không "đóng" cứng nhắc mà có thể điều chỉnh theo nhu cầu đi lại của nhân dân. Về lâu dài khi hệ thống giao thông công cộng phát triển đầy đủ, bảo đảm kết nối thuận tiện thì mới có thể tổ chức các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh được triệt để. Mặc dù vậy, trên địa bàn thành phố, sau khi điều chỉnh đến nay, không còn tuyến vận tải hành khách liên tỉnh nào chạy xuyên tâm thành phố.

Cũng theo ông Hà Huy Quang, vừa qua dư luận có nêu, một số doanh nghiệp vận tải gom tiền "chạy lốt", để được hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình, tuy nhiên đến thời điểm này, Sở chưa nhận được thông tin chính thức. Song Sở khẳng định việc sắp xếp, điều chỉnh tuyến luôn tuân thủ đúng quy hoạch, có cân nhắc khả năng tiếp nhận của các bến, bảo đảm hài hòa lợi ích của hành khách cũng như lợi ích của bến xe và doanh nghiệp vận tải.

Tìm phương án hợp lý nhất

Trước đây, đã có ý kiến phân tích, đến năm 2030, khu vực đô thị trung tâm Hà Nội cần có 11 bến xe khách liên tỉnh; trong đó, khu vực Bắc sông Hồng 4 bến, khu vực Nam sông Hồng 7 bến. Mặc dù phương án này đã được thành phố nghiên cứu nhưng việc cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống bến xe theo quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, có thể nói hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại, trong đó có mạng lưới bến xe, chưa theo kịp việc phát triển mạng lưới vận tải.

Từ nay đến năm 2020, cả 5 bến xe vẫn tiếp tục phải vận hành; trong đó, các bến Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm cơ bản đã quá tải, các bến Yên Nghĩa và Nước Ngầm còn có khả năng tiếp nhận thêm tuyến mới. Tuy nhiên, Bến xe Nước Ngầm lại gặp khó khăn trong việc kết nối, trung chuyển hành khách từ bến xe vào trung tâm thành phố và ngược lại.

Ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn đang diễn biến phức tạp. Thống kê cho thấy, trên địa bàn hiện còn 31 "điểm đen" ùn tắc giao thông, đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện trên các trục đường: Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy - Xuân Thủy; Vành đai 3 từ phía Nam Thăng Long - Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến đến nút giao Thanh Xuân...

Trước tình hình đó, Sở GT-VT Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành, với sự tham gia của đại diện Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công an thành phố... rà soát, điều chỉnh, sắp xếp lại luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh.n

Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Huy Quang: Giải quyết ùn tắc giờ cao điểm và ban ngày theo 3 giai đoạn

Giai đoạn 1, điều chỉnh hành trình của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đi qua các trục đường, điểm ùn tắc trong giờ cao điểm. Giai đoạn 2, điều chỉnh hành trình đi qua các trục đường, điểm ùn tắc trong các giờ ban ngày. Giai đoạn 3, thực hiện sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải hành khách chưa phù hợp theo định hướng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Việc điều chỉnh này ảnh hưởng tới 325/450 doanh nghiệp vận tải của 32/41 tỉnh, thành phố. Đây là bài toán mang tính xã hội lớn, đặc biệt là phải bảo đảm thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân. Đầu tháng 10-2016, Sở GT-VT Hà Nội đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về phương án này.

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/852272/sap-xep-dieu-chinh-luong-tuyen-van-tai-hanh-khach-lien-tinh-tuan-thu-dung-quy-hoach