Sắp trình Chính phủ đề án 50.000 nhân lực ngành bán dẫn

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I sẽ trình Chính phủ đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Theo đó, đề án đưa ra mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Cụ thể: Theo đề án, đến năm 2030 mục tiêu đề ra là kỹ sư Việt có khả năng tham gia vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử.

Trong Quý I/2024 sẽ trình Chính phủ đề án 50.000 nhân lực ngành bán dẫn

Đến thời điểm đó, kỹ sư Việt tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm được công nghệ trong công đoạn sản xuất và tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả công đoạn của chuỗi giá trị.

Theo ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (cơ quan chủ trì dự án) cho biết: Đề án sẽ làm rõ bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030, kỳ vọng cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp bán dẫn trong nước và xuất khẩu lao động sang các thị trường phát triển khác.

Về nhân lực ngành bán dẫn ở nước ta hiện nay thì trong nước có công ty VHT (Viettel) và FPT Semiconductor tham gia với khoảng 200 nhân viên. Còn lại là 36 doanh nghiệp từ nước ngoài với đội ngũ nhân lực khoảng 5.600 kỹ sư.

Nước ta đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và đặc biệt là các tập đoàn của Hoa Kỳ như Intel, Amkor trong mảng đóng gói, kiểm thử; Marvell, Qorvo, Qualcomm trong mảng thiết kế; Synopsys, Cadence trong việc cung cấp công cụ thiết kế chip bán dẫn… Do đó việc đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Được biết, Việt Nam đã có một số chương trình hợp tác với các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới về đào tạo nhân lực.

Theo ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo thì Bộ đang xây dựng kế hoạch để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Để làm được điều đó, cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có cũng như tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho những năm tiếp và giai đoạn tới 2030.

Từ đó cần nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... cũng như cần giải pháp thu hút học sinh, sinh viên theo học

Bên cạnh đó cũng cần tạo mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở cùng doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với địa phương mà doanh nghiệp đang hoặc sẽ đầu tư nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tối ưu hóa các nguồn lực.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/sap-trinh-chinh-phu-de-an-50-000-nhan-luc-nganh-ban-dan.html