Sắp tới, chỉ đầu tư BOT trên tuyến đường mới

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, trong thời gian tới, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ thực hiện trên tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn giữa đường thu phí và không thu phí, đồng thời, xem xét quyết toán dự án xong mới thu phí để tạo sự minh bạch.

Thời gian qua việc đầu tư ồ ạt các dự án BOT dẫn đến trạm thu phí mọc lên quá dày đặc khiến người dân và doanh nghiệp đi đường nào cũng phải đóng phí. Ảnh: Anh Quân

Vấn đề này được nêu ra tại Hội nghị sơ kết trực tuyến tổng kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ GTVT diễn ra hôm nay, 12-7.

Chỉ đầu tư BOT trên tuyến đường mới

Theo đánh giá của Bộ GTVT, hình thức đầu tư BOT, BT thời gian qua tại một số dự án vẫn còn nhiều hạn chế cần được rà soát, điều chỉnh nhằm bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.

Nêu quan điểm về các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, cho biết đầu tư BOT hay đầu tư theo các hình thức khác suy cho cùng vẫn là tiền thuế của dân. Vì thế, trong thời gian tới,việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ thực hiện và thu phí trên các tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn giữa đường thu phí và không thu phí.

“Quan điểm của Bộ GTVT là không đầu tư đồng thời trên cả tuyến cũ và tuyến mới để thu phí cả hai ...”, ông Nghĩa khẳng định.

Vẫn theo ông Nghĩa, quy định hiện nay đối với việc quyết toán các dự án BOT sẽ diễn ra sau 6 tháng kể từ lúc dự án đưa vào sử dụng và thu phí cần phải xem xét lại. Việc thanh quyết toán là cơ sở để quyết định mức phí, thời gian thu phí của dự án BOT. Ở nhiều dự án phần dự phòng chưa được sử dụng, do vậy, phương án thu phí hoàn toàn có thể điều chỉnh khi quyết toán xong.

“Tôi đã trao đổi với Bộ Tài chính, nên quyết toán xong mới cho thu phí. Nếu quyết toán xong trước khi thu phí thì sẽ tính đúng, tính đủ được mức phí và thời gian thu phí, khi đó sẽ minh bạch được mức đầu tư ở các dự án”, ông Nghĩa nói. Trong thực tế, có rất nhiều dự án đã tiến hành thu phí khi chưa quyết toán, thậm chí có dự án chưa xây xong, chưa đưa vào sử dụng đã thu phí.

Sự cố cầu Ghềnh, đường sắt thiệt hại 10 tỉ đồng/ngày

Liên quan đến sự cố sập cầu Ghềnh vào cuối tháng 3-2016, theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sản lượng vận tải hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm 22%, hành khách giảm 12,2% so với 6 tháng đầu năm 2015.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu vận tải đường sắt đạt 1.954 tỉ đồng, chỉ bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân dẫn đến vận tải đường sắt giảm theo Tổng công ty Đường sắt là do sập cầu Ghềnh làm đứt mạch tuyến đường sắt Bắc – Nam ngay trước đợt nghỉ lễ 30-4 và mùa du lịch hè tháng 5 và 6.

Ước tính những ngày cao điểm tháng 6, ngành đường sắt thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng/ngày khi lượng khách giảm sút và các chi phí khác để phục vụ chuyển tải hành khách qua khu vực cầu Ghềnh.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng vụ cá chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc Trung bộ, lượng khách du lịch đến các điểm này cũng giảm hẳn. Ngoài ra, do sự cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ nên người dân thường chọn đi máy bay.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/148767/sap-toi-chi-dau-tu-bot-tren-tuyen-duong-moi.html/