Sao Mai Khánh Ly học lên Tiến sĩ vì thấy mình còn non kém

'Tôi thấy mình còn non kém, thiếu hiểu biết về chuyên môn thanh nhạc so với những bậc tiền bối', ca sĩ Nguyễn Khánh Ly chia sẻ lý do cô học lên Tiến sĩ trong buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu đêm nhạc 'Ly' của mình.

Ca sĩ Khánh Ly

Làm đêm nhạc trữ tình để chữa tâm bệnh

+ Được biết, vào ngày 21/3 tới đây chị sẽ làm đêm nhạc đầu tiên của mình với tên gọi "Ly". Điều gì đã khiến chị thực hiện chương trình này?

Nhiều năm qua, tôi tập trung cho việc học tập, nghiên cứu. Tôi là ca sĩ nhưng khi lao vào con đường học hành, tôi phải vứt bỏ gần như hoàn toàn ca hát sang một bên. Tôi sinh ra tâm bệnh từ đó. Lúc đó nơ-ron thần kinh của tôi không dành cho việc hát nữa, không thể hát hay được. Tôi thấy mình đã mất đi nhiều cảm xúc, như chỉ đối phó với nghề, chỉ tồn tại thôi chứ không được sống thật sự. Sau nhiều năm cố gắng học hành và bảo vệ xong luận án Tiến sĩ, tôi nghĩ tâm bệnh cần phải được kết thúc. Và chỉ một đêm nhạc mới có thể xoa dịu những nỗi khát của tôi, giúp tôi khỏi tâm bệnh.

Giờ đây, tôi mong muốn được hát, được sống đúng với tình yêu của mình dành cho âm nhạc. Tôi nghĩ, một nghệ sĩ mà không có tâm hồn, không được hát, không được thể hiện điều mình đam mê thì chẳng khác gì cái cây không được tưới nước, sẽ khô héo đi. Tôi thực hiện đêm nhạc này, để từ đây sẽ quyết tâm trở lại với âm nhạc một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa.

Mặt khác, "Ly" cũng là đêm nhạc đánh dấu 20 năm theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp của tôi và là lời tri ân dành cho những người tôi biết ơn. Đó là thầy cô, gia đình, những người bạn, người đồng hành và những khán giả mến mộ, những học trò của mình.

NSND Đức Long và ca sĩ Nguyễn Khánh Ly trong buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu đêm nhạc "Ly"

+ Minishow "Ly" là một đêm nhạc trữ tình. Tại sao một giọng ca được đào tạo bài bản về Opera cổ điển, sở hữu nhiều giải thưởng âm nhạc về thính phòng như chị lại hát dòng nhạc này?

Sau một thời gian dài làm nghề, hát nhiều dòng nhạc khác nhau, tôi nhận thấy khán giả yêu thích mình hát trữ tình vẫn là số đông. Năm 2015, tôi ra album Mùa lá đi qua với những ca khúc nhạc nhẹ trữ tình nhận được phản hồi tốt từ công chúng. Những người thầy của tôi như NSND Hà Thủy, NSND Đức Long… cũng rất ủng hộ tôi hát dòng nhạc này. Bản thân tôi, khi hát nhạc trữ tình, tôi thấy được là chính mình nhất. Tôi được thể hiện hết khả năng của mình, được giãi bày, sẻ chia với khán giả những tâm tư sâu kín… Đặc biệt, khi ở tuổi đã có độ chín nhất định trong giọng hát và cảm xúc, tôi càng muốn hát một cách giản dị, đến gần với khán giả bằng tình cảm chân thành nhất.

+ Là chương trình kỷ niệm 20 năm theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, sao chị không tổ chức một liveshow hoành tráng mà chỉ làm một minishow?

Tôi cho rằng "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Tôi nghĩ mình chưa đủ tầm để làm liveshow lớn và tôi phải có sự thăm dò. Thăm dò đầu tiên là xem mình có đủ sức không, sau đó là thăm dò lượng fan xem mình đi con đường đã đúng chưa, đã được yêu mến chưa. Mặt khác, kinh tế cũng là một lý do, bởi để làm liveshow chắc chắn phải đầu tư tiền tỉ thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả.

Gia đình, học trò là động lực để theo học lên Tiến sĩ

+ Động lực nào khiến một ca sĩ như Khánh Ly học lên Tiến sĩ?

Động lực đầu tiên là gia đình. Ông xã tôi động viên: "Em hãy đi học để làm gương cho các con", và đó cũng là tâm nguyện của tôi.

Động lực tiếp theo khiến tôi cần đi học, là khi đi vào giảng dạy, tôi thấy mình còn non kém, thiếu hiểu biết rất nhiều về chuyên môn thanh nhạc so với những bậc tiền bối. Trong quá trình học, tôi được vỡ vạc nhiều điều. Tôi nghiên cứu nhiều sách nước ngoài cũng như của GS Trung Kiên, nhà giáo Hồ Mộ La… Họ đã viết nhiều cuốn sách tuyệt vời về thanh nhạc mà nếu không đi học thì chắc chắn tôi không đọc, và không đọc thì không thể hiểu sâu được. Làm một nhà giáo, cần phải có kiến thức về chuyên môn để truyền đạt lại cho thế hệ sau.

Ca sĩ - Tiến sĩ Nguyễn Khánh Ly hiện là giảng viên thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

+ Năm 2021, khi chị đang học nghiên cứu sinh thì thầy giáo hướng dẫn là NSND Trung Kiên qua đời. Chị đã vượt qua khó khăn đó như thế nào để hoàn thiện được bằng Tiến sĩ vào năm 2023?

Thầy Trung Kiên qua đời khiến tôi thực sự bị sốc. NSND Trung Kiên không chỉ là người thầy, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho tôi. Khi có thầy đồng hành, tôi rất tự tin, cảm thấy mọi việc đơn giản, trơn tru. Thiếu đi chỗ dựa, tôi mất mát và đơn độc. Đó là quãng thời gian tôi phải một mình chống chọi rất khó khăn. May mắn cho tôi là sau đó, tôi được người bạn đời của thầy là GS.NSND Trần Thu Hà nhận lời giúp đỡ, hướng dẫn tiếp tục hoàn thành luận án Tiến sĩ.

+ Việc theo học lên Tiến sĩ cần rất nhiều chất xám, thời gian và tiền bạc. Ai là người đồng hành với chị trong quá trình gần như gác hẳn việc biểu diễn để tập trung cho học hành?

Quá trình học lên Tiến sĩ quả thực mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự nỗ lực lớn. Tôi đã phải nỗ lực rất nhiều lần so với bản thân mình. Đương nhiên quãng thời gian kéo dài càng tốt kém về kinh tế, và người đồng hành của tôi chính là chồng của mình. Ngoài ra, còn một người quan trọng nữa, đó là mẹ của tôi, người đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi vô điều kiện.

+ Xin cảm ơn chị!

Đêm nhạc "Ly" sẽ diễn ra vào ngày 21/3/2024, tại Skyline (36A Hoàng Cầu, Hà Nội). Chương trình do nhạc sĩ – Thạc sĩ Minh Thành làm Giám đốc âm nhạc; biên tập và chịu trách nhiệm về nội dung do chính Nguyễn Khánh Ly đảm nhận. Khách mời của đêm nhạc là NSND Đức Long, ca sĩ – nhạc sĩ Dương Trường Giang, ca sĩ Thu Ba.

Sao Mai Khánh Ly sinh ra ở Nghệ An, lớn lên ở Thái Nguyên. Cô từng giành giải Nhì Tiếng hát Truyền hình Hà Nội 2006, giải Ba Tiếng hát trên sóng phát thanh – truyền hình Hải Phòng 2011, giải Nhì Tiếng hát trên sóng phát thanh – truyền hình Bắc Giang 2011, giải Ba Sao Mai toàn quốc 2011, giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch TPHCM 2017.

Minh Anh (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/sao-mai-khanh-ly-hoc-tien-si-vi-thay-minh-con-non-kem-thieu-hieu-biet-20240315110941035.htm