Sao em không làm món nem?

Câu hỏi khiến Vân như sực tỉnh, khi ngày mai gia đình cô sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ, để mừng Vân có quốc tịch Pháp.

Không cần tới các tình huống thắt nút và mở nút khiến người đọc tò mò, tập truyện ngắn Lũ chim thích chọn cành khô của Mai Thanh Nga hấp dẫn theo một cách riêng. Mỗi câu chuyện là một bức tự họa của những con người xa xứ với đủ cung bậc cảm xúc. Mỗi con người là một câu chuyện có đau khổ, có niềm vui, có vấp ngã và những chênh vênh trên hành trình kiếm tìm bản ngã.

Hành trình đi tìm căn cước đầy mông lung

Nhân vật trong 10 truyện ngắn của Mai Thanh Nga đều là những con người xa xứ, những đứa trẻ được lớn lên với hai dòng máu Á-Âu. Họ loay hoay để tự xác định mình là ai? Một cô gái mang dòng máu Âu Mỹ phóng khoáng, hay một thiếu nữ Á Đông dịu dàng ôn nhu. Họ hoang mang khi hai nửa đầy khác biệt ấy luôn tìm cách công kích lẫn nhau.

Tập truyện ngắn Lũ chim thích chọn cành khô của Mai Thanh Nga. Tác phẩm đã lọt vào vòng chung khảo Văn học tuổi 20 lần VII. Ảnh. Q.A.

Độc giả sẽ ấn tượng với Leslie, nhân vật chính trong truyện ngắn Kẻ mê Nhật Bản. Anh ta yêu đất nước mặt trời mọc đến từng chân tơ kẽ tóc. Đó không chỉ là sự mê đắm thông thường, nó đã biến thành một thứ cuồng si, đến độ “Trẻ nhỏ chưa biết đến Nhật Bản, người lớn chỉ cần kể về Leslie, là chúng tưởng tượng được nước Nhật như thế nào, còn nếu chúng có thời gian nói chuyện với gã thì nước Nhật gần lắm, nó ở ngay cửa miệng”.

Thế nhưng, xét về quốc tịch, hay quê hương xứ sở, anh ta không có mối liên hệ nào với xứ hoa anh đào kia. Mẹ Leslie là người Trung Quốc, còn bố anh ta là người Anh. Mẹ của Leslie thích Trương Quốc Vinh đến độ lấy tên tiếng anh của nghệ sĩ nổi tiếng này đặt cho con trai.

Đáng tiếc, anh ta không thích quê nội, hay quê ngoại của mình. Anh ta luôn nghĩ mình thuộc về Nhật Bản. Leslie mắc hội chứng sợ máy bay, vì vậy anh ta chưa từng về quê ngoại.

Đến đất nước xa xôi ấy, chắc chắn người ta phải di chuyển bằng đường hàng không, làm sao Leslie có thể vượt qua nổi sợ cố hữu của mình. Kỳ lạ thay, một ngày anh ta lên máy bay tới Nhật, một cách bình yên và không hề sợ hãi.

Truyện ngắn Căn bếp Pháp mang đến cho người đọc chút bất ngờ vào phút chót. Mạch truyện khá chậm, tác giả “câu dẫn” người đọc bằng cách miêu tả một ngày bận rộn của tỉ mỉ một ngày bận rộn của Vân, một người phụ nữ Việt sống trên đất Pháp với một người chồng mang quốc tịch Pháp.

Ngày mai, gia đình cô sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ, để mừng Vân có quốc tịch Pháp. Bạn bè đến dự tiệc đều là người Pháp, cô đã chuẩn bị rất nhiều món Âu. Từ món khai vị đến món tráng miệng đều mang dấu ấn của ẩm thực Pháp. Bỗng nhiên một người bạn hỏi cô sao không làm món nem. Lúc đó, Vân như sực tỉnh.

Mọi người nhớ đến tài nấu nướng của cô nhờ món nem rán của Việt Nam chứ không phải những món ăn mang đậm chất Pháp. Lâu nay, cô luôn cố gắng để đóng vai một người phụ nữ Pháp để hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Vân đâu biết rằng cô nên sống đúng với gốc gác của mình, “một cô gái Việt trên đất Pháp”.

Cuốn sách của một tâm hồn mê xê dịch

Mai Thanh Nga là kỹ sư viễn thông, hiện cô đang sống và làm việc tại Anh. Tác giả từng có thời gian sống và học tập tại Pháp. Trong thời gian du học, cô du lịch vòng quanh châu Âu, tới Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Với Mai Thanh Nga việc đi du lịch, lang thang đây đó để trải nghiệm là một cách để cô lấy lại cân bằng sau thời gian học tập và làm việc mệt mỏi.

Trong tập truyện ngắn Lũ chim thích chọn cành khô, người đọc dễ dàng nhận ra tác giả là một người thích đi và trải nghiệm. Không gian trong tác phẩm của Mai Thanh Nga không chỉ bó hẹp ở thành phố nhộn nhịp, với đường xá đông đúc và cao ốc văn phòng.

Cô đưa bạn đọc tới nhiều không gian sống khác nhau, mang đậm dáng dấp của châu Âu như vùng ngoại ô thanh bình, một hòn đảo xinh xắn với khí hậu Địa Trung Hải hay rừng phong mùa thay lá. Đặc biệt, tác giả tập trung miêu tả kỹ về kiến trúc, thời tiết, ẩm thực và những đặc trưng văn hóa của không gian được nhắc tới trong tác phẩm. Qua đó, người đọc thấy được chân dung của một con người giàu kiến thức và trải nghiệm.

Tác giả Mai Thanh Nga là một người yêu thích những chuyến đi. Ảnh: FBNV.

Truyện ngắn của Mai Thanh Nga không chú trọng tới hành động, thay vào đó cô miêu tả tâm lý nhân vật kỹ lưỡng và tinh tế. Độc thoại nội tâm xuất hiện một cách dày đặc trong truyện ngắn của nữ tác giả này. Hàng loạt bế tắc trong tâm lý nhân vật được tác giả đưa ra, để làm nổi bật hành trình tranh đấu của nội tâm để đi tìm cái tôi đích thực.

Trong hành trình đó mỗi người phải vượt qua muôn vàn thử thách với những lựa chọn khó khăn. Bạn đọc trẻ tuổi dễ dàng tìm thấy hình bóng của chính mình trong những năm tháng thanh xuân với nhiều lựa chọn cùng những vấp ngã đầu đời. Họ muốn đi đến một chân trời mới để theo đuổi giấc mơ, nhưng lo lắng khi cha mẹ và người thân cảm thấy cô đơn ở quê nhà.

Khi không đạt được những gì mình muốn, người ta tự dằn vặt bản thân vì những quyết định trong quá khứ. Ra đi là đúng hay sai, mảnh đất xa lạ đó liệu có dung chứa mình hay không? Đó đều là những câu hỏi còn để ngỏ mà Mai Thanh Nga để độc giả tự đưa ra đáp án. Kết thúc mở lặp đi lặp lại trong khá nhiều truyện ngắn của cô.

Tập truyện ngắn này được viết bằng một chất văn khá thuần Việt, nhẹ nhàng và giàu sức gợi. Cô xây dựng nhân vật thông qua việc miêu tả tâm lý, hơn là diễn tả hành động. Nhờ tư duy hình ảnh khắc sảo, Mai Thanh Nga đưa ra nhiều so sánh khá thú vị. Cô đã sử dụng thủ pháp miêu tả nhuần nhuyễn của mình để tạo điểm nhấn cho các nhân vật, dù đó là một nhân vật phụ, chỉ lướt qua trong câu chuyện.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sao-em-khong-lam-mon-nem-post1360261.html