Sáng tạo- mấu chốt để phát triển doanh nghiệp

Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hội nhập, cũng như tăng điểm của mình trong mắt các nhà đầu tư, ngân hàng, DN phải có nhiều nỗ lực, giải pháp để nâng cao hiệu quả, quy mô trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, lời khuyên được đưa ra là việc hướng tới áp dụng công nghệ số, thay đổi và sáng tạo trong quản trị, kinh doanh.

Để tăng sức mạnh, các DN cần tập trung vào nền tảng về công nghệ. Ảnh: Danh Lam.

Có ý tưởng mới

Trong chia sẻ mới đây tại buổi hội thảo về tương lai mối quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, các DN lớn tại Hoa Kỳ đều đánh giá cơ hội và khả năng phát triển của các DN Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên, mấu chốt là các DN phải vận dụng khả năng sáng tạo, thiết lập và ứng dụng được các ý tưởng mới trong kinh doanh.

Theo bà Caroline Atkinson, Giám đốc Chính sách toàn cầu của Google, Google rất quan tâm đến hệ thống DN nhỏ và vừa bởi các DN này cũng có tầm quan trọng không kém các DN lớn. Đặc biệt, nếu DN biết tận dụng những ưu thế của Internet, sử dụng các công cụ bán hàng trên mạng thông qua các trang thương mại điện tử trực tuyến thì sẽ tăng trưởng được kinh doanh, tìm kiếm thêm khách hàng, tăng cơ hội cho hàng hóa XK. “Theo nghiên cứu của Google, DN có website của riêng mình có khả năng đẩy mạnh XK gấp 4 lần DN không có trang web”, bà Caroline nói.

Đặc biệt, chia sẻ về vấn đề sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đại diện hãng nước ngọt hàng đầu thế giới Coca Cola tại Việt Nam, ông Sanket Ray cho hay, để phát triển được như ngày hôm nay, Coca Cola đã hình thành hệ sinh thái với các DN nhỏ và vừa, hợp tác với các nhà phân phối trên toàn cầu nên sản phẩm đến được rộng khắp các thị trường. Coca Cola phát triển dựa trên 5 yếu tố trụ cột là người tiêu dùng, kết nối chuỗi giá trị, nghĩa vụ tuân thủ, xây dựng năng lực và trách nhiệm với cộng đồng. Theo đại diện của Coca Cola, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới sáng tạo là yếu tố bắt buộc. Ví dụ như muốn đổi mới về danh mục sản phẩm thì đằng sau đó là cả quá trình nghiên cứu, thẩm định thành phần, tính năng của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Về khả năng kết nối hệ thống phân phối, Việt Nam có hơn 4 triệu hộ kinh doanh bán lẻ nên Coca Cola không thể đi đến kết nối từng hộ kinh doanh, do đó, Coca Cola đã gom nhiều cửa hàng nhỏ lại, hình thành những trung tâm phân phối để tối ưu hóa khả năng cung cấp sản phẩm và dịch vụ.

Trên thực tế, nhiều DN khởi nghiệp tại Việt Nam đã tìm ra được phương thức kinh doanh sáng tạo, cũng như ứng dụng được thành công. Nhưng cái khó của phần lớn DN là có ý tưởng nhưng thiếu điều kiện để thực hiện. DN không những thiếu vốn do không đủ niềm tin để kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ, thậm chí là vốn vay, mà còn thiếu cơ chế để hoạt động. Vì thế, theo các chuyên gia, Chính phủ cần đưa ra được các định hướng để hỗ trợ, thúc đẩy DN, Chính phủ không thể giúp DN thay đổi quy mô nhưng có thể hướng DN bằng cách tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt thị trường thế giới tìm đến Việt Nam để tăng khả năng XK.

Cần nền tảng công nghệ

Nhận xét về các DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay, theo bà Đỗ Thị Thu Hà, Quản lý cấp cao của KPMG, các DN nhỏ và vừa Việt Nam đang thiếu nhiều về kinh nghiệm, kiến thức, bí quyết kinh doanh. Do đó, để tăng sức mạnh cho các DN này trên thị trường quốc tế, bà Hà cho rằng các DN cần tập trung vào nền tảng về công nghệ thông tin.

Chia sẻ về thành công của DN trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Công ty General Electric Việt Nam cho biết, để phù hợp với yêu cầu của thị trường quốc tế, từ 2-3 năm qua, DN đã đầu tư một khoản tiền lớn để chuyển đổi máy móc, thiết bị theo công nghiệp số; giúp tối ưu hóa vận hành, bảo dưỡng; cho phép DN linh hoạt hơn trong sản xuất, cung ứng hàng hóa. Đặc biệt, DN không chỉ đầu tư cho công nghệ mà còn phát triển chế biến, chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Muốn làm được điều này, không chỉ phải thay đổi cách vận hành mà DN còn phải định nghĩa lại văn hóa làm việc, thúc đẩy tư duy đổi mới cho toàn bộ nhân viên. “Công nghiệp số phụ thuộc nhiều vào ý chí chính trị của các quốc gia. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam đang thể hiện sự quyết tâm lớn trong việc chuyển đổi theo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Điều này sẽ khuyến khích, động viên và cũng cung cấp cho DN nhỏ và vừa các ‘cánh cửa’ cơ hội để tăng trưởng trong kinh doanh và XK”, ông Sanket Ray nhận định.

Những nhận định trên cho thấy, các DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên, vấn đề là DN làm thế nào để tìm ra “con đường” đúng đắn nhất. DN phát triển và hoàn thiện mình không những tạo niềm tin, tăng cơ hội cho hoạt động tín dụng, đầu tư, mà còn giúp cho sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Chi Mai

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/sang-tao-mau-chot-de-phat-trien-doanh-nghiep.aspx