Sáng tác ở xứ sở ngàn mây

Thị trấn Tam Đảo nhìn từ Cổng Trời. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên vừa mở trại sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Tam Đảo là xứ sở ngàn mây, là Đà Lạt lãng mạn của miền Bắc...

Trại sáng tác có 15 văn nghệ sĩ đến từ 6 chuyên ngành: Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu và Văn nghệ dân gian tham gia.

Thác Bạc, Cổng Trời…

Từ Nhà sáng tác Tam Đảo, chúng tôi thả bộ qua Quán Gió, một nơi nổi tiếng của Tam Đảo. Tại đây, đoàn chụp hình ghi lại cảnh lâu đài gió, nhà trên cây và thưởng thức đặc sản Tam Đảo... Gần trưa, chúng tôi đến Thác Bạc, điểm du lịch ngay trong lòng thị trấn Tam Đảo. Cái lạ ở Thác Bạc so với các nơi là từ suối đi lên núi mới gặp thác, còn từ Quán Gió theo con đường quanh co xuống núi rồi hạ cấp theo đường bậc thang đá liên tục đi xuống... mới đến Thác Bạc.

Đường bậc thang hạ cấp đi xuống Thác Bạc qua những dãy nhà. Có nhà lấy phòng khách kê mấy bộ bàn ghế bán quán ăn. Trước quán bày ra bếp than kho cá, hầu hết là cá suối kho tộ. Mùi hành tiêu ớt tỏi… từ những nồi cá kho thơm đến cồn cào.

Xuống đoạn cheo leo thì có quán “treo” bên đường, chòm ra từ vách núi. Menu căng phía trước quán, niêm yết giá bán bằng đơn vị nồi: Lẩu cá tầm 400.000 đồng/nồi, lẩu gà đồi 600.000 đồng/nồi, lẩu ếch núi 500.000 đồng/nồi...

Uống cà phê trong mây Tam Đảo. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Sau khi ghé mắt nhìn, để ý những món ăn lạ, đoàn liên tục bước xuống. Sau một hồi cua qua quẹo lại, chúng tôi nghe tiếng reo của dòng thác nước đổ từ trên cao xuống vách núi dựng đứng, đó là Thác Bạc. Đi từ sáng ai cũng thấm mệt, Thác Bạc là điểm nghỉ xả hơi, chụp hình với dòng thác mát rượi chảy liên tục. Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Hoàng Cầm (Chi hội Sân khấu) khoe: Chụp seri 30 tấm hình, hậu cảnh là Thác Bạc, rất ưng ý.

Về nhà sáng tác ăn trưa, tôi hỏi thăm đường đến Cổng Trời, nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Phụng Kỳ lúc sáng đã đến điểm này, chỉ dẫn: Từ đây xuống “hầm” trước mặt, qua mấy lớp dốc là đến trung tâm thị trấn, từ đó đề ba, bắt dốc lên Cổng Trời.

Chiều, nhiều người tìm đường lên Cổng Trời. Địa hình ở đây khác lạ, bước ra khỏi phòng là đụng dốc. Đứng trên đỉnh dốc Cổng Trời nhìn xuống Tam Đảo mộng mơ, quanh co lối nhỏ. Và đứng ở đây giống như đang ở trên trời khi những đám mây ùa về bất ngờ, bồng bềnh. Chúng tôi lội trong mây, bước đi từng bước hụt... vì mây.

Cổng Trời là một trong những điểm check-in không thể bỏ qua của khách du lịch khi tới Tam Đảo. Check-in tại Cổng Trời, thu trọn vẻ đẹp của thị trấn sương mù trong cùng một khung hình với vẻ đẹp dung hòa giữa núi rừng và mây trời thơ mộng. Đi để lấy cảm hứng sáng tác, họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà, sau khi xuống “hầm” đến trung tâm thị trấn, chị đã có ngay bức tranh Chiều Tam Đảo, Con dốc thân quen.

“Đây là bức tranh Tam Đảo về chiều, bầu trời thấp la đà qua gam màu tối, cạnh đó là những chùm hoa chuông trắng sáng với cây xanh, cùng những dãy phố và bóng dáng người đi, tạo nên sự nồng ấm bởi sự hiện diện của cuộc sống con người nơi đây”, họa sĩ Trần Thị Ngọc Hà nói.

Mây Tam Đảo vương vấn lòng người

Từ Cổng Trời quay lại nhà thờ Đá, đường quanh co và dốc. Có con dốc ôm cua cánh chỏ, có con dốc gãy khúc. “Đặc sản” Tam Đảo là mây. Tay máy Huỳnh Siêu Tiến chụp những bức ảnh như Suối mây, Lang thang trong mây tạo dấu ấn đặc trưng trong sáng tạo ảnh nghệ thuật giữa trời mây Tam Đảo. Để vượt qua các địa hình đèo dốc, anh Tiến cho biết đã chuẩn bị đồ nghề ra khỏi phòng từ tinh mơ và trở về lúc tối mịt, nhằm chọn thời điểm có ánh sáng đẹp cùng những phong cảnh tuyệt vời nơi xứ sở ngàn mây.

Tranh sáng tác của họa sĩ Phú Yên tại Tam Đảo. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Tam Đảo bồng bềnh mây trôi. Người đến trước dặn người đến sau, tối đóng cửa chứ mây bay lạc vô phòng. Thế nhưng có hôm buổi trưa đóng cửa ngủ, mây vẫn “đạp cửa” vào phòng. Mây hùa với gió giật cánh cửa rung lắc. Mây tạt vô mặt. Mây bay ngang đầu. Mây bay dưới chân tạo cảnh như nghệ sĩ đang đứng trên sân khấu ca nhạc với hiệu ứng khói lạnh. Có lúc ngồi uống cà phê như đang núp dưới mây. Với đặc sản mây, có tác giả chuyên ngành Văn học viết truyện ngắn về đất và người nơi mình đến. Nhạc sĩ Nguyễn Sơn chuyên ngành Âm nhạc viết ca khúc Tìm em trên đỉnh chân mây.

Còn họa sĩ Lê Thị Thanh Trúc có bức họa Hoa bay với cách thể hiện khá lạ, làm nổi bật ý tưởng hoa ngọc lan như đang múa nhẹ nhàng cùng mây bay. Nhà báo, nhà văn Trịnh Thị Phương Trà thì cảm nhận: “Lòng mềm đi mỗi khi mây bay qua cửa sổ, mỗi khi chạm vào mây trên những con đường quanh co, se se lạnh…”.

Lưu lại nhiều ngày ở đây, chúng tôi nhận thấy mặc dù đang mùa hè nhưng có ngày dài Tam Đảo thiếu nắng. Có người trong đoàn ngày đầu tiên đến gặp lúc trời nắng nên đòi đi ngắm nắng, vì màu nắng Tam Đảo vàng óng, dịu dàng như tơ. Chợt nhớ thi nhân viết câu thơ: Cho ta một chút nắng vàng...

Mùa hè Tam Đảo mát mẻ như mùa mưa ở Tuy Hòa. Những cơn mưa bất chợt rào rào trên tán lá cây. Đang đi, chúng tôi dừng lại nơi quán nhỏ ven đường ngồi ăn kem khói tránh mưa. Nhìn màu kem khói, lòng tôi trôi ngược về quê nhà nhớ mùi khói rơm giêng hai. Đó là khói un muỗi bò, khói lam chiều đốt đồng vón trên bụi tre trước ngõ...

Mưa, nắng, mây là việc của trời, nhưng rất lạ lẫm: sáng mưa, trưa mây mù, chiều nắng đúng buổi, tối lại mưa bất chợt. Một chiều ngồi ở nhà sáng tác ngắm bờ su su ra đọt non bên vách núi, nhận ra rằng bao ngày qua đi leo dốc nhưng thấy không mỏi mệt. Và cái bờ su su non bên vách núi, đi xa rồi thương vẫn còn thương.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên cho biết: Tính từ năm 2012, đây là lần thứ hai Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở trại sáng tác tại Nhà sáng tác Tam Đảo. Từ ngày đầu đặt chân đến và khi rời nhà sáng tác trở về với gia đình, với cơ quan và công việc thường ngày, trong mỗi anh chị em văn nghệ sĩ chắc chắn còn đọng lại nhiều cảm xúc khó phai. Tam Đảo là xứ sở ngàn mây, về đến Phú Yên cảm giác như người về từ trên mây, và nhiều tác phẩm được khơi nguồn từ nhà sáng tác này...

Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2023 tại Tam Đảo đã khép lại với gần 60 tác phẩm của 15 văn nghệ sĩ Phú Yên và nhiều kỷ niệm.

Với đặc sản mây Tam Đảo, có tác giả chuyên ngành Văn học viết truyện ngắn về đất và người nơi mình đến. Nhạc sĩ Nguyễn Sơn chuyên ngành Âm nhạc viết ca khúc: Tìm em trên đỉnh chân mây. Còn họa sĩ Lê Thị Thanh Trúc có bức họa Hoa bay với cách thể hiện khá lạ, làm nổi bật ý tưởng hoa ngọc lan như đang múa nhẹ nhàng cùng mây bay. Nhà báo, nhà văn Trịnh Thị Phương Trà thì cảm nhận: “Lòng mềm đi mỗi khi mây bay qua cửa sổ, mỗi khi chạm vào mây trên những con đường quanh co, se se lạnh…”.

MẠNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/300834/sang-tac-o-xu-so-ngan-may.html