Sản xuất rô bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động... có tên trong ngành công nghiệp mũi nhọn

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về 'Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' sẽ được trình Chính phủ trong tháng 6/2023.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023, chiều 16/4 tại Hà Nội.

Dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2023.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại Diễn đàn cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 năm 2023, chiều 16/4 tại Hà Nội.

Ông Trung cho biết, trong dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêucho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030.

“Các nhiệm vụ, giải pháp giao cho từng cấp, từng ngành kèm theo thời hạn hoàn thành, phân định rõ ràng trách nhiệm, dễ theo dõi, giám sát và đánh giá”, ông nói rõ trong báo cáo chính đầu tiên được trình bày tại Diễn đàn.

Trong đó, nhóm đầu tiên là được nhắc đến là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là: thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.

Trong nhóm này, còn có giải pháp thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

“Các nội dung, yêu cầu cốt lõi này thể hiện bằng hành động cụ thể trong triển khai các nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương”, ông Trung nhấn mạnh.

Nhóm giải pháp thứ hai làxây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với 3 trọng tâm. Một làhoàn thiện pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng.

Hai là, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu khoa học công nghệ; chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ba là, hoàn thiện luật chuyên ngành về du lịch, thương mại, đường sắt, bưu chính, công nghệ thông tin, viễn thông và các luật có liên quan

Nhóm thứ ba là xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng; bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp;

Xây dựng và triển khai các Chương trình phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo, thiết kế, phát triển trong các ngành sử dụng nhiều công nghệ, giá trị gia tăng cao, phát thải cácbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

“Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sinh học, thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, tiết kiệm năng lượng, hệ thống pin lưu trữ… đào tạo, chuyển giao công nghệ”, Thứ trưởng Trung nhấn mạnh.

Trong nhòm giải pháp thứ tư, sẽ ưu tiên đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo đi trước một bước. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu, các cụm liên kết ngành với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các nhóm giải pháp còn lại là đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững; Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.

Nhóm giải pháp thứ mười làphát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết: Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xác định mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam là mô hình dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là các quá trình chuyển đổi then chốt, là những phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chiều ngày 14/6, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, tính từ năm 2018. Diễn đàn năm nay có chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/san-xuat-ro-bot-thiet-bi-tich-hop-van-hanh-tu-dong-co-ten-trong-nganh-cong-nghiep-mui-nhon-d191907.html