Sản xuất phân bón giả là có tội với nông dân

Nỗi khổ của người nông dân ai cũng biết ngày nào cũng một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thậm chí do tính đặc thù của công việc, mà người nông dân phải 'cày đồng' giữa nắng ban trưa đến tối mịt mới về tới nhà mong có được hạt lúa, hạt gạo, vừa có cái ăn cái mặc cho gia đình, vừa phục vụ cho xã hội.

Có lẽ, không nghề nào cực khổ hơn nghề nông, từ lúc làm ra hạt giống, gieo lúa đến việc lo tiền trả tiền cày xới, mua phân bón, thuốc trừ sâu… với cái giá đại lý đưa ra bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Nỗi khổ là vậy mà có kẻ còn sản xuất phân bón giả kiếm lời trên lưng người nông dân. Mấy hôm nay trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, ở Bình Thuận Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa khám xét 3 điểm sản xuất, mua bán phân bón liên quan đến một công ty TNHH ở huyện Hàm Tân vì có liên quan đến việc sản xuất phân bón giả. Bước đầu, lực lượng chức năng thu giữ hơn 50 tấn phân hữu cơ, hàng ngàn lít đạm cá là những loại phân bón làm giả, có sử dụng nhiều chất cấm, nguy hiểm đối với ngành nông nghiệp địa phương.

Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh phân bón. (Ảnh minh họa)

Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác quản lý trong lĩnh vực phân bón của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, thiếu nhân sự nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra. Trong khi đó các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón dùng thủ đoạn chủ yếu là thành lập doanh nghiệp để ký hợp đồng với doanh nghiệp khác, cụ thể là ký với các doanh nghiệp đã có phân bón công bố lưu hành để được nhượng quyền sản xuất mặt hàng phân bón đó hoặc sử dụng tên thương mại để sản xuất. Tuy nhiên, sau khi có hợp đồng các đối tượng thường nhập nguyên liệu thô về tự pha trộn hoặc gửi bao bì thuê gia công sản xuất hoặc tự mua nguyên liệu về tự pha trộn với tỷ lệ nhỏ phân bón hợp pháp rồi ghi nhãn không đúng với nội dung trong quyết định công bố lưu hành gây nhầm lẫn cho khách hàng. Các hành vi đó rất khó khăn trong công tác xử lý bởi vì thiếu người lấy mẫu phân bón, đây là một trong những vấn đề mấu chốt trong xử lý tình trạng phân bón kém chất lượng. Phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp.

Thực tế nhiều năm nay, trong hàng ngàn sản phẩm phân bón thì nông dân rất khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả và nếu lỡ sử dụng nhầm phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng thì không chỉ mất năng suất mà còn khiến đất đai bạc màu, dễ phát sinh dịch bệnh trên cây trồng. Thời gian qua đã có nhiều nông dân ở Bình Thuận điêu đứng, thậm chí mất trắng tiền đầu tư cho mùa vụ vì phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh… vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Đặc biệt, phân Kali bị làm giả nhiều nhất bởi chỉ cần nghiền trộn đất, đá với muối và bột màu để bán ra thị trường. Các đối tượng thu mua các sản phẩm hóa chất giá rẻ trên thị trường trộn lẫn cùng thuốc bảo vệ thực phẩm mua trôi nổi rồi sử dụng các bao bì của các thương hiệu nổi tiếng bán ra thị trường. Hiện thị trường phân bón tăng cao theo từng năm nhưng dù có bỏ một số tiền lớn cũng chưa chắc đã mua được phân bón đạt chuẩn thì rõ ràng nông dân luôn phải đối mặt với nguy cơ mất tiền, cây trồng không đạt năng suất. Phân bón giả, vi phạm nhãn mác, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục vẫn được buôn bán khắp nơi. Trước thực trạng đó, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã thành lập nhiều đoàn thanh tra đột xuất các cơ sở buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện, xử lý một số cơ sở vi phạm.

Nguyên nhân khiến cho việc sản xuất, kinh doanh phân bón giả hiện nay vẫn tồn tại đó là khâu quản lý nhà nước về lĩnh vực này thiếu chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh đó các quy định pháp luật về xử lý hành chính và hình sự đối với hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả chưa chặt chẽ nên khi có vụ việc xảy ra quá trình xử lý rất phức tạp. Bên cạnh đó công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa kịp thời. Quá trình thu hồi, xử lý phân bón giả rất phức tạp, thậm chí khi phát hiện được thì hàng hóa đã tiêu thụ hết. Trước thực trạng trên, rất cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng có thẩm quyền mạnh tay hơn trong việc xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết và phân biệt được giữa phân bón giả và phân bón đảm bảo chất lượng thông qua giá cả, nguồn cung cấp nên chọn mua phân bón, vật tư nông nghiệp của các doanh nghiệp lớn, uy tín, phối hợp kịp thời và cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến phân bón giả để có cơ sở xác minh, điều tra, xử lý khi phát hiện vi phạm…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/san-xuat-phan-bon-gia-la-co-toi-voi-nong-dan-118820.html