Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm ở Đồng Tháp

Sau 2 năm triển khai, dự án hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp đã giúp bà con hình thành thói quen sử dụng thuốc và làm nông nghiệp một cách có trách nhiệm, đồng thời xây dựng được các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hơn 2.000 nông dân và 700 đại lý tham gia tập huấn

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trên 90% lượng lương thực xuất khẩu và khoảng 70% trái cây của cả nước. Đồng thời, thuốc bảo vệ thực vật hóa học được sử dụng tại khu vực này cao hơn mức trung bình toàn quốc 71,9%; trong đó mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học của Đồng Tháp gấp gần 3 lần so với trung bình toàn quốc.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là chưa hiệu quả, khiến chất lượng và giá trị nông sản chưa thực sự bền vững. Việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được triển khai nhưng mới ở phạm vi hẹp, nhiều nơi chưa chú trọng công tác này. Ngoài ra, các điểm thu gom chủ yếu tập trung ở các vùng sản xuất lúa, chưa triển khai ở các vườn cây ăn trái, rau màu và các cây trồng khác.

Từ thực tế này, tháng 12.2021, Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam ký kết hợp tác triển khai dự án hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả tại Đồng Tháp trong 5 năm, từ 2021 đến 2026.

Đại diện CropLife Việt Nam cho biết, dự án nhằm hỗ trợ nông dân Đồng Tháp tiếp cận và được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch hại trên các cây trồng chủ lực một cách an toàn, hiệu quả. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức và hình thành thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và làm nông một cách có trách nhiệm; đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Nông dân huyện Châu Thành tham gia tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm và phòng ngừa sinh vật hại trên cây sầu riêng

Sau 2 năm triển khai, dự án đã tập huấn cho hơn 2.000 nông dân, 700 đại lý vật tư nông nghiệp và 50 cán bộ tỉnh Đồng Tháp về: nguyên tắc sử dụng, quản lý và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm; các nguyên tắc quản lý IPM; thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; thực hành về an toàn, sơ cứu khi phun thuốc. Dự án cũng cung cấp gần 3.000 bộ thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nông dân sử dụng khi phun và pha chế thuốc.

Bên cạnh đó, dự án thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền để phổ biến thông tin đến bà con, nâng cao nhận thức về việc sử dụng thuốc có trách nhiệm. Trong 2 năm đầu của dự án đã cấp phát 1.200 tờ rơi, 440 áp phích và 1.350 quạt in thông tin về hướng dẫn sử dụng thuốc; lắp đặt bộ 4 Pano về sử dụng và thu gom thuốc bảo vệ thực vật tại các mô hình sản xuất; hoàn thiện phát sóng chuỗi 15 video về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên Đài truyền hình Đồng Tháp.

Thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Tiếp nối thành công của mô hình sản xuất bền vững trên lúa tại huyện Lấp Vò và trên hoa kiểng tại TP. Sa Đéc vào năm 2022 thu hút gần 500 hộ nông dân tham gia với diện tích 290ha, trong năm 2023, dự án tiếp tục xây dựng mô hình trên cây sầu riêng và cây ớt - những loại cây trồng chủ lực của Đồng Tháp. Mục đích của hoạt động này là tạo ra những mô hình thí điểm, hướng dẫn nông dân lựa chọn và sử dụng hiệu quả vật tư nông nghiệp đầu vào, trong đó có thuốc bảo vệ thực vật, để sản xuất và kiểm soát dịch hại hiệu quả, trong khi vẫn bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe của nông dân và cộng đồng cũng như bảo đảm chất lượng nông sản phù hợp với các tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng.

Điểm đặc biệt tại các mô hình này là cán bộ kỹ thuật của tỉnh và công ty không chỉ cung cấp các kiến thức chung liên quan tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con thực hành trên đồng ruộng về kỹ thuật phun thuốc, nhận biết và phòng trừ dịch hại trên cây trồng, sử dụng thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với thuốc. Tại các mô hình, những bể chứa để thu gom thuốc bảo vệ thực vật được bố trí để hướng dẫn nông dân cách thức xử lý và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng cách; các chương trình vận động thu gom cũng sẽ được tổ chức xuyên suốt mùa vụ.

Hai mô hình sầu riêng tại huyện Châu Thành và mô hình ớt tại huyện Thanh Bình (năm 2023) đã thu hút hơn hộ nông dân tham gia với tổng diện tích hơn 30ha (mô hình sầu tiêng có 20 hộ tham gia với tổng diện tích 13,3ha; mô hình cây ớt có50 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 20ha. Dự án đã tập huấn cho nông dân tham gia mô hình 4 lần/vụ về hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả; quy trình và các phòng trừ các sinh vật gây hại qua từng giai đoạn của cây trồng; kỹ thuật phun thuốc, thu gom và xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng… Lắp đặt 40 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở 2 mô hình và tổ chức 4 đợt ra quân, thu gom được gần 400kg rác thải bảo vệ thực vật.

Sau 2 năm triển khai, dự án đã giúp nông dân Đồng Tháp hình thành thói quen sử dụng thuốc và làm nông một cách có trách nhiệm. Là người tham gia mô hình trồng hoa kiểng bền vững, ông Nguyễn Trọng Trí, xã Tân Khánh Đông, TP. Sa Đéc, cho biết, trước đây, tuần nào bà con cũng phun thuốc bất kể cây có sâu bệnh hay không. Tuy nhiên, hai năm nay, từ sau khi được tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách), bà con chỉ phun thuốc khi cần với nồng độ và liều lượng cho phép. “Làm vậy được mấy cái lợi. Đó là tiết kiệm chi phí đầu vào, hoa kiểng ít sâu bệnh hơn, lại tránh ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, cộng đồng và tốt cho môi trường”, ông Trí chia sẻ.

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, sau 2 năm triển khai, dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của nông dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bà con đã giảm số lần sử dụng và thu gom chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông nghiệp nói chung.

Đại diện CropLife Việt Nam cho biết, dự án tại Đồng Tháp được kỳ vọng sẽ là dự án thí điểm cho chương trình Stewardship (là phương pháp quản lý thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sản phẩm được quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm trong tất cả các giai đoạn) tại đồng bằng sông Cửu Long. Các lợi ích và kết quả đạt được của dự án sẽ tạo động lực nhân rộng sang các địa bàn lân cận trong khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/san-xuat-nong-nghiep-co-trach-nhiem-o-dong-thap-i364845/