Sản xuất công nghiệp nỗ lực duy trì đà tăng trưởng

Những tháng đầu năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn nhưng những tín hiệu khởi sắc về đơn hàng, tiêu thụ đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực vượt khó, tập trung đổi mới phương thức quản trị và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm ổn định sản xuất và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Giấy HKB-Hoa Lư, cụm công nghiệp Văn Phong (Nho Quan).

Năm 2023, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, Công ty Giầy Athena (xã Yên Lâm, Yên Mô) vẫn duy trì sản xuất được hơn 9 triệu đôi giầy thành phẩm và hơn 2 triệu sản phẩm, phụ kiện khác, tổng doanh thu đạt 1.265 tỷ đồng, lợi nhuận 40 tỷ đồng.

Bước sang năm 2024, tình hình thị trường có những dấu hiệu tốt; Công ty đã nhanh chóng ổn định sản xuất, đảm bảo đủ đơn hàng xuất khẩu ngay từ những tháng đầu của năm để đặt mục tiêu doanh thu tăng từ 20% trở lên so với năm ngoái. Với mục tiêu này, Công ty đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng. Đồng thời lãnh đạo Công ty đã nỗ lực tìm kiếm những đơn hàng ngay từ đầu năm để đảm bảo việc làm cho người lao động. Tiếp tục coi trọng việc nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh. Song song với đó, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động, chăm lo, đảm bảo chế độ phúc lợi để công nhân yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị. Thời điểm hiện tại, số lượng đơn hàng của Công ty dần phục hồi, do vậy tin tưởng doanh thu sẽ đảm bảo đạt và vượt theo kế hoạch đề ra.

Với sự nỗ lực của lãnh đạo Công ty, năm 2023, tổng sản lượng giấy thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy HKB-Hoa Lư, Cụm công nghiệp Văn Phong (Nho Quan) đạt gần 72 nghìn tấn, trong đó những tháng cuối năm đạt công suất thiết kế trung bình ở mức 12,5 tấn. Sản phẩm của Công ty có tỷ lệ xuất khẩu chiếm khoảng 75%, thị trường chính là Trung Quốc và Singapore.

Ông Giang Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới, Công ty cổ phần Giấy HKB-Hoa Lư đã đón nhận tin vui, tổng sản lượng xuất khẩu những tháng đầu năm trung bình đạt gần 10 nghìn tấn. Hiện nay, Công ty đã có đủ đơn hàng để sản xuất trong năm 2024, đang hoạt động với công suất tối đa. Thêm vào đó là tình hình xuất khẩu đang có những tín hiệu khả quan, nên chúng tôi tin tưởng rằng năm 2024 sẽ là một năm khởi sắc và chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phấn đấu sản xuất 150 tấn, trong đó sản phẩm loại A đạt trên 98%.

Đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi ngay từ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp như xi măng, lắp ráp ô tô vẫn gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, tháng 2 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp đều sắp xếp, bố trí thời gian để cán bộ, công nhân nghỉ Tết theo quy định. Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 2 năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng 2 đạt 7.268,9 tỷ đồng, giảm 3,4%, song lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 15.906,5 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, tháng 2 năm 2024, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khởi sắc, đạt 5.814 tỷ đồng, tăng 19,2%; lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 11.399 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: quần áo các loại tăng 27,3%; giày dép các loại tăng 10,1%; phân Urê tăng 59,2%; thép cán tăng 29,9%; kính nổi tăng 6,3%; linh kiện điện tử tăng 4,6%; module camera tăng 3,4%... Tuy nhiên, một số sản phẩm có mức sản xuất giảm sút như: xe ô tô chở hàng giảm 21,9%; xe ô tô từ 5 chỗ trở lên giảm 30,1%; xi măng-clanke giảm 14,8%; phân NPK giảm 15,8%; cần gạt nước ô tô giảm 6%... Một số sản phẩm có lượng tồn kho lớn đến ngày 31/1/2024 như: xe ô tô lắp ráp 360 chiếc; phân đạm 19,1 nghìn tấn; kính xây dựng 72,9 nghìn tấn; xi măng 55,6 nghìn tấn; module camera 17,2 triệu cái; giày dép 2,7 triệu đôi…

Với việc tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đổi mới phương thức bán hàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã ký kết được các đơn hàng, đảm bảo việc làm đến hết quý II/2024, với sản lượng đơn hàng tăng từ 15-20% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Sở Công Thương, thị trường trong nước và xuất khẩu đang phục hồi trở lại là yếu tố then chốt giúp số lượng đơn hàng tăng, các doanh nghiệp đang chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp để tìm kiếm đối tác, đơn hàng mới, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phục hồi nhưng còn khó khăn, thách thức, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; tổ chức 3 đoàn kiểm tra động viên sản xuất đầu Xuân tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đồng thời nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ những tháng đầu năm.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5 tháng 1 năm 2024 của Chính phủ nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.

Riêng đối với ngành Ngân hàng, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp điều hành tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình phấn đấu giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp đạt 111.816 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung được đề ra trong Chương trình công tác năm 2024 của UBND tỉnh và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm đưa ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo định hướng đề ra tại Kế hoạch số 12/KHUBND ngày 19 tháng 1 năm 2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/san-xuat-cong-nghiep-no-luc-duy-tri-da-tang-truong/d20240312080327346.htm