Sẵn sàng nguồn cung hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, ngành Công Thương đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó với dịch Covid-19.

Siêu thị Hoàng Sơn, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) là một trong nhiều đơn vị luôn cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Khảo sát tại các cửa hàng và chợ tại TP Hòa Bình sáng 1/4, hầu hết các mặt hàng thiết yếu không khan hiếm. Người dân chấp hành tốt việc mua bán, không có tình trạng tranh nhau mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ. Tại siêu thị Hoàng Sơn, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), người dân không còn tập trung đến mua hàng hóa như hôm trước. Theo chị Trần Thị Thu Huyền, đại diện siêu thị Hoàng Sơn, hiện siêu thị có khoảng trên 3.000 mặt hàng, trong đó còn khá nhiều mặt hàng mì, gạo, đường, thịt, cá đông lạnh… "Trong ngày 31/3 có khá đông người dân đến mua hàng tại siêu thị. Tuy nhiên, ngay trong ngày, siêu thị đã nhập thêm một lượng hàng đáng kể từ nhà phân phối về kho dự trữ. Tới đây, chúng tôi sẽ cho nhập tiếp nhiều mặt hàng thiết yếu nên sẽ không thiếu hàng hóa cung ứng cho nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn” - chị Trần Thị Thu Huyền cho biết. Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Sở Công Thương được biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp trực tuyến của BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Sở Công Thương đã xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung ứng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ đời sống Nhân dân. Các đơn vị SX-KD đẩy mạnh tạo nguồn hàng, tăng lượng dự trữ đảm bảo số lượng, chất lượng, ổn định giá bán, tổ chức cung ứng kịp thời tại các điểm bán hàng cố định và lưu động. Kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thiết yếu ở mức độ tiêu dùng tối thiểu cho người dân ở khu vực bị cách ly do dịch bệnh (nếu có). Sở Công Thương cũng lên kế hoạch cung ứng hàng hóa từ 1 - 5 cấp độ của dịch Covid-19. Với cấp độ thứ 5 dự kiến có trên 3.000 - 10.000 trường hợp cần tiếp ứng hàng hóa vẫn đảm bảo cung ứng đủ. Kịch bản bao gồm cả đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong thời gian có dịch và hàng hóa phục vụ người dân khu vực bị cách ly. Trong đó, căn cứ mức độ ảnh hưởng đến thị trường của các cấp độ của dịch bệnh, để cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của Nhân dân trên địa bàn, cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm khoảng 30% so với nhu cầu bình thường của người dân trong 30 ngày. Cụ thể: gạo 21,06 nghìn tấn; thịt tươi sống (lợn, gia cầm, thủy, hải sản) 5,089 nghìn tấn; trứng gia cầm 17,55 triệu quả; dầu ăn 1,053 nghìn lít; muối ăn, bột canh 1,755 nghìn tấn; rau củ 11,232 nghìn tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô...) 70,2 nghìn gói; nước khoảng 70,2 triệu lít; khẩu trang vải 7,521 nghìn chiếc, nước sát khuẩn 250,71 nghìn lít... Riêng với cấp độ 5 (mức cao nhất), dự kiến nếu khoảng 10.000 người phải tiếp ứng hàng hóa sẽ vẫn đảm bảo cung cấp gạo 84 tấn, thịt tươi sống (lợn, gà, thủy hải sản) 20,3 tấn, trứng gia cầm 70 nghìn quả; dầu ăn 4,2 nghìn lít; muối ăn, bột canh 700 kg, rau xanh 44,8 tấn; sản phẩm ăn liền (mì ăn liền, cháo ăn liền, lương khô...) 280 nghìn gói, nước khoáng 280 nghìn lít, khẩu trang vải 30 nghìn chiếc, nước sát khuẩn 1.000 lít... Tổng lượng hàng cần cung ứng cho cả tỉnh: gạo 21,144 nghìn tấn; thịt tươi sống (lợn, gia cầm, thủy hải sản) 5,11 nghìn tấn; trứng gia cầm 17,62 triệu quả; dầu ăn 1,057 nghìn lít; muối ăn, bột canh 1,762 nghìn tấn; rau củ 11,277 nghìn tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô...) 70,48 nghìn gói; nước khoáng 70,48 triệu lít; khẩu trang vải 7,551 nghìn chiếc; nước sát khuẩn 251,71 nghìn lít... Theo đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đơn vị sẽ luôn theo dõi sát tình hình cung cầu, giá cả mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao mùa dịch bệnh để kịp thời triển khai các giải pháp, đảm bảo cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác đảm bảo nguồn cung hàng hóa, sẵn sàng phục vụ Nhân dân khi có dịch bệnh xảy ra, hỗ trợ kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản có nguy cơ dư nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn căn cứ phương án hàng hóa của Sở Công Thương, xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân, sẵn sàng phối hợp với các tỉnh có nguồn cung đối với mặt hàng tỉnh đang thiếu hỗ trợ cung cấp cho tỉnh. Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/139897/san-sang-nguon-cung-hang-hoa-ung-pho-voi-dich-covid-19.htm