Sản phẩm thân thiện với môi trường - xu thế tăng trưởng tất yếu của ngành nhựa

Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu và định hướng xu hướng kinh tế tuần hoàn, việc chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường nghiên cứu, phát triển công nghệ mới sẽ giúp ngành nhựa Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của tiêu dùng, cũng như giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc. Ảnh: TL

Nhu cầu sử dụng chất dẻo tăng bình quân 12%/năm

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành nhựa Việt Nam hiện có khoảng hơn 4.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm đến 90% với hơn 250.000 lao động. Lượng tiêu thụ chất dẻo tính trên đầu người khoảng 62 kg/người/năm.

Tỷ lệ này của Việt Nam trong năm 1990 chỉ ở mức 3,8 kg/người/năm. Như vậy trong giai đoạn từ 1990 đến 2022, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng trung bình 10,2%/năm.

Về cơ cấu ngành, DN sản xuất trong mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38%. Tiếp theo là các DN hoạt động trong lĩnh vực nhựa gia dụng và nhựa xây dựng chiếm lần lượt 30% và 24%, còn lại là khoảng 9% DN nhựa hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật. Nếu chia theo khu vực địa lý, DN nhựa tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 80%. Khu vực miền Bắc và miền Trung lần lượt là 18% và 2%.

Quy mô ngành nhựa trong năm 2022 đạt trên 25 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là hai mảng nhựa bao bì và nhựa xây dựng. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, sản phẩm của ngành nhựa Việt Nam hiện đang có mặt tại hơn 160 quốc gia trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm năm 2022 đạt 5,5 tỷ USD, tăng trưởng 11,4% so với năm 2021 và chiếm 1,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022.

Theo ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam, với xu hướng chung của thế giới về phát triển kinh tế tuần hoàn, tại Việt Nam trong tương lai gần Chính phủ sẽ có chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường như đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường được ban hành vào năm 2020.

Điều này sẽ góp phần gia tăng đầu tư máy móc công nghệ mới phục vụ nhu cầu thị trường, tạo cơ hội cho các nhà cung ứng thiết bị máy móc và nguyên vật liệu mới trong tương lai.

‘‘Đánh giá chung về tình hình ngành nhựa trong vòng 5 năm tới, có thể khẳng định tỷ lệ tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp vẫn đang tăng…’’ - ông Lam nói.

Doanh nghiệp ngành nhựa cần chuẩn bị gì?

Phân tích tiềm năng tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam, ông Lam cho rằng, kỳ vọng lớn nhất của ngành hiện nay là những hiệp định thương mại mà đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sau khi EVFTA đi vào hiệu lực, thuế quan của hầu hết các sản phẩm nhựa xuất khẩu vào thị trường EU được gỡ bỏ. Đây là một lợi thế lớn để gia tăng sản lượng sản phẩm nhựa xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam với một thị trường quan trọng là EU.

Còn về xu hướng, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng tới chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.

Do vậy, xu hướng chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ là xu hướng chính của ngành và DN cần phải nắm bắt để có bước chuẩn bị hiệu quả. Bởi sự chuyển đổi sang các sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới sẽ giúp ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, cũng như giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như đưa ra các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các DN sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

‘‘Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng xu hướng kinh tế tuần hoàn, các DN hoạt động trong ngành nhựa vì thế cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai. Tức là để hội nhập thành công, DN ngành nhựa Việt Nam cần chuẩn bị kỹ càng để đón đầu cơ hội, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Đây là những vấn đề mà ngành phải đối mặt và cải thiện nhiều hơn nữa’’ - ông Lam chia sẻ.

Xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng trung bình 12 - 20%

Việt Nam hiện đã xuất khẩu sản phẩm nhựa đến hơn 160 quốc gia, đặc biệt là tại các thị trường ‘khó tính’ như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, cộng đồng các quốc gia Châu Âu, Nhật, Úc… Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trưởng đều qua các năm, từ 3 tỷ USD trong năm 2018 lên đến 5,5 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng trung bình 12 - 20%.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/san-pham-than-thien-voi-moi-truong-xu-the-tang-truong-tat-yeu-cua-nganh-nhua-138300.html