Sản phẩm du lịch của TP.HCM gắn với chương trình OCOP, tại sao không?

Sản phẩm OCOP trong các điểm du lịch đang được quan tâm vì góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa ở nơi mà du khách đang tham quan một cách sinh động nhất.

Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Nam và bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV thực hiện nghi thức khánh thành Không gian OCOP Nhân văn.

Và tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP.

Không gian OCOP Nhân văn có rất nhiều sản phẩm độc đáo.

Tại Diễn đàn Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” do Báo Nông nghiệp Việt Nam kết hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học KHXH&NV tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp đã xác định sự thành công của chương trình OCOP (One Commune One Product - “Mỗi xã một sản phẩm”) và nhận thấy rõ OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.

Hiện nay, TP.HCM đã có 56/56 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 5/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đang tăng tốc phát triển sản phẩm OCOP. Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là điểm đến thân thiện, năng động của du khách trong và ngoài nước, thành phố có nhiều điều kiện, tiềm năng để xây dựng các sản phẩm du lịch OCOP, kể cả OCOP 5 sao.

Việc quảng bá và khuyến khích sử dụng 66 sản phẩm OCOP của TP.HCM đã được công nhận đạt 3 sao, 4 sao trong các tour du lịch để làm quà đặc sản tặng cho du khách, hay bán các sản phẩm OCOP trong các điểm du lịch đang được quan tâm vì chính các sản phẩm OCOP này sẽ góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa của nơi mà du khách đang tham quan một cách sinh động nhất.

Hơn nữa, TP.HCM hoàn toàn có thể phát huy thế mạnh về điểm du lịch Ocop tại các huyện đạt nông thôn mới như Hóc Môn với các vườn rau hữu cơ; Củ Chi với mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, các vườn trái cây xum xuê; Bình Chánh với làng nghề se nhang Lê Minh Xuân, làng nghề trồng mai Bình Lợi;…

Đoàn khảo sát của lãnh đạo Thành phố, tham quan di tích Ngã Ba Giồng trong chương trình tour "Hóc Môn - Vùng đất lịch sử".

Đoàn tham quan Công viên phần mềm Quang Trung, trải nghiệm những điểm đến mới trong chương trình tour du lịch "Quận 12 - Còn bao điều mới lạ".

Du khách đạp xe trải nghiệm chương trình Tour "Bình Chánh - Những điều chưa kể".

Nơi đây, người dân vẫn cặm cụi với nghề se nhang truyền thống tại Làng "tỏa hương" trăm tuổi ở Bình Chánh.

Hay giữa lòng thành phố nhộn nhip, Nông trại Suối Tiên Farm như một điểm sáng về một mô hình nông trại sạch, an toàn cho sức khỏe và đáp ứng nhu cầu tham quan du lịch của du khách với không khí trong lành trong không miền quê xanh mướt, xứng đáng đạt chuẩn 4, 5 sao OCOP.

Đông đảo du khách vui chơi, trải nghiệm dịch vụ tại Nông trại Suối Tiên Farm

Sản phẩm trái cây đạt chuẩn VietGap của Suối Tiên Farm đã đạt được các tiêu chí cốt lõi sẵn sàng bước vào thị trường OCOP của TP.HCM.

Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng “Khám phá đảo muối Thiềng Liềng” có khoảng 16 điểm đến với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và văn hóa của người dân vùng biển như ẩm thực và thức uống vùng biển, không gian nghề muối, không gian hoài niệm, homestay, đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn, và tất nhiên là không thể thiếu các hoạt động về muối.

Tất cả các sản phẩm du lịch này do chính các hộ dân và cư dân đang sinh sống tại ấp đảo Thiềng Liềng thực hiện và đang bắt đầu được khách du lịch quan tâm.

Giám đốc Sở du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cùng đoàn khảo sát đạp xe tham quan Ấp đảo Thiềng Liềng.

Và thưởng thức tiết mục đờn ca tài tử do chính các nghệ nhân trên đảo muối biểu diễn.

Du khách trải nghiệm dịch vụ ngâm chân với nước muối pha thuốc.

Tour làm diêm dân cào muối trên ấp đảo Thiềng Liềng, Cần Giờ.

TP.HCM đã bước đầu thành công với chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” của Thành phố. Đây là giải pháp sáng tạo của ngành du lịch thành phố cũng học tập từ chương trình Ocop nhằm huy động nguồn lực của các địa phương trong việc khai thác tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Do đó, khai thác thêm chủ đề Ocop trong sản phẩm du lịch nông nghiệp của TP.HCM thật sự không quá khó mà trái lại sẽ làm gia tăng giá trị của cả hai lãnh vực nông nghiệp và du lịch. Nếu các sản OCOP của TP.HCM thật sự đặc trưng thì sản phẩm du lịch nông nghiệp thành phố sẽ độc đáo và trong không gian du lịch, các sản phẩm OCOP sẽ càng nổi bật.

Đã đến lúc để TP.HCM phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, bắt đầu bằng việc tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế khi tham gia và thực hiện chương trình OCOP gắn với hoạt động du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch OCOP đạt chuẩn và quảng bá, truyền thông hiệu quả thu hút du khách trong thời gian sớm nhất.

Phan Yến Ly - Ảnh Hữu Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//suy-ngam/san-pham-du-lich-cua-tphcm-gan-voi-chuong-trinh-ocop-tai-sao-khong-c8a60824.html