Sân khấu vẫn 'khát' kịch bản hay: Cần lắm sự dấn thân với nghề!

Thừa kịch bản yếu mà thiếu kịch bản hay'- không biết tự bao giờ đã là thực tế mà sân khấu Việt phải đối mặt và cho đến nay vẫn chưa tìm được lối ra.

Cũng bởi cơn “khát” kịch bản dai dẳng này mà như lời NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, hầu hết các đơn vị nghệ thuật bây giờ đều xây dựng lại các vở kịch gọi là hiện đại nhưng cũng phải có cách đây từ 20-30 năm.

Thiếu “con mắt xanh” của người thẩm định và sự dấn thân của người viết

Thực tế, nhiều nhà hát nhận được không ít kịch bản từ người cộng tác gửi, nhưng lại khó chọn được một kịch bản hay, hấp dẫn và giàu ý tưởng mới mẻ. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu được cho là do các nhà soạn kịch chưa có kịch bản hay, đủ sức thuyết phục và người thẩm định kịch bản chưa đủ tinh tường, hay nói cách khác là chưa có “con mắt xanh” để nhìn thấu cái hay của kịch bản sân khấu.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng một kịch bản có hay hay không cũng phụ thuộc vào từng góc nhìn, suy nghĩ của từng người. Bản thân người viết kịch bản có cảm nhận hấp dẫn thì mới có thể dàn dựng được. Thực tế, có nhiều kịch bản đã qua nhiều khâu duyệt, song đến tay đạo diễn được mời thì lại nhận cái “lắc đầu” thẳng thừng. Có nhiều lý do đưa ra nhưng mặt bằng chung thì ít đơn vị nghệ thuật nào dám mạo hiểm khi nhận kịch bản chưa được sự ủng hộ của số đông bởi đó là công sức của cả một tập thể...

Một trích đoạn trong vở “Huyền tích Chùa Một Cột”. Ảnh: Đình Trung

Trước thực trạng trên, hằng năm nước ta thường tổ chức nhiều Trại sáng tác, mời nhiều người trong đó có văn nghệ sĩ… để trưng cầu ý kiến về kịch bản. Trao đổi về điều này, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết, trong năm 2023 vừa qua Hội Sân khấu Hà Nội có tổ chức một Trại sáng tác ở Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) để trao đổi, lấy ý kiến của các khách mời với mục đích làm đa dạng trong khâu viết kịch bản.

Nhiều tác giả có tiếng trong làng sân khấu tham gia Trại sáng tác như: Nguyễn Giang Phong, Trịnh Quang Khanh, Lê Quý Hiền, Trần Xuân Cung... Cũng có những tác giả mới nổi như: Lê Thế Song, Phạm Ngọc Dương (một tác giả trẻ viết về sân khấu truyền thống), hay tác giả nữ có Vân Kim, Lệ Dung…

Trong số 14 trại viên với 14 phác thảo hoặc đề cương chi tiết, bao gồm các thể loại gồm: Kịch nói, Chèo và Múa rối. Trong những kịch bản này, tỷ lệ về kịch bản nói về vấn đề đương đại chiếm 65%, còn lại 35% về những kịch bản khác.

“Nhìn chung, mảng kịch hiện đại vẫn hiếm kịch bản dù nhiều tác giả có tuổi nghề cao tham dự. Muốn giữ cho kịch bản an toàn, họ chủ yếu viết về đề tài lịch sử, cốt lõi có sẵn, sử dụng các chất liệu cũ để viết” – NSND Nguyễn Hoàng Tuấn lý giải.

NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội.

Ở một góc độ khác, sự thiếu dấn thân của người viết cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng thiếu hụt kịch bản hay.

“Nguồn kịch bản có nhiều, nhưng kịch bản hay thì rất ít so với trước kia. Càng ngày có cảm giác con người ta càng né tránh, tư duy bớt đi phần sâu sắc. Trước kia, mỗi tác giả khi viết kịch bản thường dấn thân và đa số họ sau này đều nổi tiếng. Bây giờ, có một thực tế tác giả không dấn thân, cứ viết theo kiểu lười biếng, không xâm nhập thực tế để viết ra cái mình cảm nhận, mà lại viết cái người khác cảm nhận sẵn rồi” – NSND Nguyễn Hoàng Tuấn lý giải.

Còn theo NSƯT Lê Chức - nguyên Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam thì: “Từ lâu nay chúng ta có câu nói “thừa kịch bản yếu mà thiếu kịch bản hay”. Khi chúng ta nói không có tích thì không dịch nên hồ, bởi vì không có một tích truyện thì sẽ không có vở diễn nên mọi thứ cần bắt đầu từ khâu kịch bản. Nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp gồm nhiều thành tố, trong đó số một phải là kịch bản”.

Ông cũng đồng tình khi cho rằng, nếu không có kịch bản hay sẽ không có một vở diễn hay. Bên cạnh đó, mỗi tác giả viết kịch bản thì phải lấy chất liệu từ đời sống, nhào nặn qua cảm thức của người viết - tác giả kịch bản. Nhiều người thích được gọi là nhà biên kịch, nhưng lại không thể tạo ra một kịch bản xứng đáng.

Trong những năm qua, việc “khát” kịch bản hay ảnh hưởng không nhỏ tới phần kịch mục của các đơn vị nghệ thuật mà ở đây là các Nhà hát. Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, hầu hết các đơn vị nghệ thuật bây giờ đều xây dựng lại các vở kịch gọi là hiện đại nhưng cũng phải có cách đây từ 20-30 năm (ví dụ: như kịch của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình…), còn kịch bản đương đại hầu như hiếm.

“Không ai dám dũng cảm dấn thân vào chông gai, bởi xã hội hiện nay quan điểm giữa cái đúng cái sai, giữa lập trường về chính trị vẫn còn chưa định hình rõ ràng, từ việc nói như nào cho chuẩn, nói như nào cho đúng là cả một vấn đề” – NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ.

NSƯT Lê Chức - nguyên Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam.

Còn NSƯT Lê Chức thì nêu quan điểm: “Bản thân mỗi tác giả phải là thành tố của hiện thực đời sống. Mỗi tác giả lấy chất liệu từ đời sống, nhào nặn nó qua cảm thức của một người nghệ sĩ. Còn “cưỡi ngựa xem hoa” thì không bao giờ nói lên được tiếng nói của chính mình trước hiện thực”-

Giải pháp cho “cơn khát” kịch bản hay

Câu chuyện tìm giải pháp cho “cơn khát” kịch bản hay đã được đề cập từ nhiều năm gần đây. Không ít hội nghị, hội thảo chuyên đề đã được tổ chức, nhiều chuyên gia cũng đã “hiến kế” để cải thiện chất lượng kịch bản trong đó, việc mở trại sáng tác hằng năm là một giải pháp để giúp các tác giả có thêm ý tưởng để xây dựng kịch bản phục vụ cho các đơn vị nghệ thuật.

Tuy nhiên, theo NSƯT Lê Chức, mỗi nhà hát cần có một lực lượng sáng tạo (đạo diễn) cho riêng mình và không phải là một mà nhiều đạo diễn, nhiều tác giả, thì họ mới làm việc bằng máu thịt với đơn vị nghệ thuật đó, hiểu đơn vị đó cần gì như “đo chân để đóng giày”.

Thậm chí, các đơn vị nghệ thuật ngoài tác giả ra thì cần có lực lượng đạo diễn chuyên nghiệp cao, những người có thể cấu trúc lại chất liệu của kịch bản. Ban đầu có thể không hẳn là một kịch bản, hứa hẹn một vở diễn tốt, nhưng người ta sẽ nhìn thấy những hạt nhân. Người đạo diễn khi ấy sẽ cộng tác để xoay chuyển, cấu trúc lại và có thể đưa ra một vở diễn đủ sức thuyết phục, đủ tính chuyên nghiệp cho một vở diễn.

Bàn về giải pháp, theo chia sẻ của NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, việc trả nhuận bút cho mỗi kịch bản sân khấu cũng cần phải thay đổi. “Theo Nghị định của Chính phủ, nhuận bút trả cho mỗi kịch bản chất lượng tương đối cao, không dưới 100 triệu đồng. So với trước kia thì gấp nhiều lần. Nhưng hiện nay trả theo đúng quy định Nhà nước, trong đó công tác đạo diễn hưởng 70% kịch bản, còn lại 30% của tác giả. Điều đó có thể chưa kích thích sự sáng tạo của nhà biên kịch” - ông nói.

Ngoài ra, các nhà quản lý, ở đây là Bộ VHTT&DL và các cơ sở đào tạo nghệ thuật cần khẩn trương giải quyết bài toán thiếu nhân lực “đầu vào” về lĩnh vực biên kịch (cả sân khấu và điện ảnh). Đây được xem là cái nền để xây dựng lực lượng biên kịch có nghề, phục vụ cho các đơn vị nghệ thuật. Theo PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội, cả chục năm qua nhà trường không tuyển được lớp biên kịch nào.

Đình Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/san-khau-van-khat-kich-ban-hay-can-lam-su-dan-than-voi-nghe-post279039.html