“Săn” cỏ gấu, lợi ích nhân đôi

Cụ Xuân trên cánh đồng Quán Cau đầy cỏ gấu. KTNT - Vốn là loài cỏ dại, mọc tràn lan trên bãi hoang, bỗng dưng cỏ gấu được nhiều người săn lùng, khi củ của nó đang là mặt hàng thảo dược được thị trường “ăn” mạnh. Đây quả là lợi ích nhân đôi khi bà con vừa có thêm thu nhập, vừa tiêu diệt được loại cỏ hại ruộng đồng.

Trưa, trời chang chang nắng, tôi dong xe về huyện Tuy An (Phú Yên), nơi được xem là điểm khởi nguồn của nghề “săn” cỏ gấu ở miền Trung. Ở đây có 2 cánh đồng bạt ngàn cỏ gấu, đó là đồng ô Loan (xã An Hòa) và đồng Quán Cau (xã An Hiệp). Đường dẫn ra cánh đồng Quán Cau gập ghềnh đá sỏi. Tôi gặp một nhóm nhí săn cỏ gấu vừa nghỉ tay, xuống con mương đầy nước rửa tay chuẩn bị ăn trưa. Em Phạm Văn Nhu tâm sự: “Tranh thủ ngày nghỉ, cháu lừa bò ra đồng Quán Cau chăn giúp ba mẹ. Thả bò xong, cháu cùng các bạn đi đào cỏ gấu. Đào từ sáng đến chiều, khi lùa bò về cháu được 7kg củ, bán với giá 7.000 đồng/kg, mỗi ngày kiếm được 49.000 đồng”. Chuyện xong, Nhu chỉ tay về phía cánh đồng nói thêm: “Bọn cháu ham chơi còn nghỉ trưa chứ bà cụ kia thì không, ăn cơm xong, bà lại xuống ruộng làm tiếp”. Tôi xắn quần, đi ra cánh đồng ngập tràn cỏ gấu. Không biết có người lạ tới, bà vẫn miệt mài lia những nhát cuốc vào bụi cỏ xanh um. Khi đã cuốc được kha khá, bà ngồi xuống để rửa những bụi củ cỏ gấu cho sạch bùn. Thấy tôi, bà chậm rãi ngước lên nhìn rồi nhoẻn miệng cười: “Cái đời cỏ gấu của chúng tôi thì có gì hay đâu mà hỏi chuyện. Vất vả lắm. Nhưng kiếm được tiền cũng vui”. Hỏi chuyện, tôi được biết, bà tên là Nguyễn Thị Xuân (67 tuổi), nhà ở thôn Tân Hòa (xã An Hòa). “Đường xa quá nên tôi phải dỡ theo cơm trưa để ở lại làm cả ngày. Tôi đi từ 5 giờ sáng, làm ròng đến chiều được 10kg củ. Làm dồn 1 tuần được 70-80kg, thương lái đến nhà thu mua với giá 7.000 đồng/kg”, bà Xuân kể. Lương y Lê Đình Hy, chủ hiệu thuốc Bắc Phước Huệ ở thị trấn Bình Định (An Nhơn - Bình Định) cho biết: “Củ cỏ gấu có vị ngọt, chữa được nhiều bệnh thường gặp như thông khí, điều hòa kinh nguyệt, chướng bụng đầy hơi, ăn không tiêu và làm giảm đau. Bất kỳ hiệu thuốc Bắc nào cũng có nhu cầu thu mua củ cỏ gấu”. “Trước đây, tôi còn theo bà con trong làng ra thị xã Sông Cầu hay vào tận Đại Lãnh (Khánh Hòa) đào cỏ gấu. Thấy có thu nhập, bây giờ người dân đổ xô đi đào. Cũng may là cánh đồng Quán Cau rộng mênh mông, cỏ gấu mọc dày nên nông dân có cơ hội kiếm tiền. ở đâu thì tôi không biết chứ riêng xã tôi, người đào cỏ gấu lên đến cả trăm. Có gia đình cha mẹ, con cái đi đến 4-5 người. Đào cỏ gấu không khó nên người già, trẻ nhỏ đều làm được”, vừa tỉ mẩn rửa củ gấu, bà Xuân vừa nói. Từ huyện Tuy An, phong trào săn cỏ gấu lan nhanh sang các tỉnh lân cận, vào Khánh Hòa, ra Bình Định. Ở Khánh Hòa, xã Vạn Khánh (Vạn Ninh) là điểm khởi nguồn. Sau khi nhận thấy việc đào cỏ gấu cho thu nhập cao, những thanh niên địa phương chuyên đi làm thuê cho các đìa tôm hoặc làm nghề đi bạn cho các tàu cá có thu nhập thấp liền bỏ nghề, sắm cuốc đi đào cỏ gấu. Lão nông Đinh Năm (64 tuổi) ở xã Vạn Khánh nói: “Cỏ gấu là loại nhà nông chúng tôi ghét nhất, bỗng dưng bây giờ lại trở thành cứu tinh của người nghèo. Các bãi đất hoang ven biển, trước đây cỏ gấu mọc dày, giờ đã được dọn sạch bong”. Thợ “săn” cỏ gấu chuyên nghiệp Tạ Văn Ti ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước - Bình Định) cho biết thêm: “Suốt 10 năm qua tôi đã rong ruổi hết huyện này đến huyện khác trong tỉnh để đào củ gấu cung ứng cho các hiệu thuốc Bắc trên địa bàn. Trước khi bán, cỏ gấu phải được đốt sạch lá và rễ, nhưng trước khi đốt không được phơi khô quá vì khi đốt củ sẽ bị cháy thui, không bán được”. Từ khi củ cỏ gấu vượt ra ngoài thị trường nội địa, được bán sang Trung Quốc thì giá của nó không ngừng tăng. Chị Hạnh, một đầu nậu chuyên thu mua củ cỏ gấu bán sang Trung Quốc ở phường Phú Lâm (TP.Tuy Hòa - Phú Yên) cho hay: “Giá củ cỏ gấu tăng mạnh nhất là vào đầu năm ngoái, đến tháng 2 âm lịch năm nay ở mức 11.500 đồng/kg”. Không thể tính trên địa bàn tỉnh Phú Yên có bao nhiêu đầu nậu chuyên thu mua và bán củ cỏ gấu sang Trung Quốc, chỉ tính riêng đại lý của chị Hạnh, mỗi ngày thu mua 2-3 tấn. Võ Dương Lam

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.com.vn/story/xahoi/2010/10/25208.html