Sâm khoai - hướng sản xuất mới ở Đồng Văn

BHG - Những ngày cuối Đông rét ngọt, có dịp đến với Đồng Văn, du khách sẽ được thưởng thức một loại sản vật đặc biệt, đó là củ Sâm khoai, hay còn gọi là Sâm đất. Loại củ nhìn bề ngoài như củ Khoai lang, nhưng thơm ngon, giòn ngọt và thanh mát.

Người dân xã Tả Lủng chăm sóc cây Sâm khoai.

Có mặt tại thôn Há Súng, xã Tả Lủng đúng dịp thu hoạch Sâm khoai, chúng tôi được chứng kiến không khí rộn ràng, vui tươi, phấn khởi của người dân. Anh Hầu Sính Thò, thôn Há Súng cho biết: Thực hiện chủ trương của cấp trên về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, gia đình đã mạnh dạn chuyển 1 ha đất nương trồng ngô kém hiệu quả sang trồng Sâm khoai. Thời vụ trồng thích hợp từ tháng 2 đến tháng 3 và thu hoạch vào tháng 12 hàng năm, lợi nhuận đem lại gần 300 triệu đồng/ha/năm.

Anh Hầu Mí Say cùng ở thôn Há Súng chia sẻ: Gia đình có 0,5 ha trước đây chuyên trồng ngô, bí và rau đậu, sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình tôi mạnh dạn chuyển sang trồng cây Sâm khoai. Loại cây này không mất nhiều công chăm sóc, kỹ thuật làm đất cũng đơn giản, chỉ cần cuốc hố để trồng, rồi chăm sóc khi cây mọc lên khỏi mặt đất khoảng 20 - 30 cm, 30 - 40 ngày tiếp theo tiến hành xới nhẹ, làm cỏ, vun gốc cho cây đứng vững để ra nhiều củ.

Đồng chí Vàng Mí Pó, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lủng cho biết: Năm 2021, xã trồng thử nghiệm 0,2 ha Sâm khoai với 8 hộ tham gia ở các thôn Đề Đay, Há Súng, Há Đề A, Há Đề B. Sau một thời gian chăm sóc, cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất, chất lượng tốt. Năm 2022, xã tiếp tục nhân rộng trồng trên 5,3 ha với 19 hộ tham gia. Sau 10 tháng, mỗi gốc Sâm khoai cho thu hoạch khoảng 10 - 15 kg củ, trung bình năng suất đạt từ 45 - 50 tấn/ha, trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ 450 - 500 triệu đồng/ha.

Cây Sâm khoai gần giống cây Dã quỳ, gốc mọc nhiều thân, cao hơn đầu người, mỗi gốc mọc ra nhiều củ giống như cây sắn. Củ Sâm khoai có lớp vỏ nhẵn, lõi màu vàng nhạt, thường được sử dụng để ăn sống, nấu canh và chế biến thành các món ăn khác. Khi ăn sống có vị ngọt mát, mọng nước và thơm tự nhiên giống như mùi sâm. Tương tự khi chế biến các món rau, canh cũng rất ngon, ngọt và có mùi thoang thoảng của nhân sâm. Theo Đông y, củ Sâm khoai có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, lợi tiểu, nhuận tràng, giảm đau và sưng viêm khớp. Dân gian thường lấy củ ngâm rượu uống hoặc ăn sống, hay nấu chín giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan. Sâm Khoai là cây dễ trồng, không có sâu bệnh hại. Để cây sai củ, cho củ to và đồng đều, khi trồng cần giữ khoảng cách giữa các cây từ 70 - 80 cm, hàng cách hàng 80 - 100 cm, tạo rãnh thoát nước không để ngập úng, chọn củ giống khỏe, không bị dập nát.

Thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư thâm canh tăng năng suất trên một đơn vị diện tích. Đồng thời đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân và hợp tác xã một cách hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. UBND huyện Đồng Văn chỉ đạo rà soát, xác định diện tích liên kết trồng và các điều kiện ký kết với tổng diện tích toàn huyện 11,6 ha cây Sâm khoai tại 9 xã, thị trấn và cấp kinh phí hỗ trợ 57,5 triệu đồng; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giúp các xã, thị trấn chuẩn bị việc ký kết, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Po Mỷ, với giá thành 10.000đ/kg.

Theo đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn: Từ hiệu quả bước đầu mang lại, huyện Đồng Văn tiếp tục khuyến khích người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm củ to, đều, đẹp, năng suất, sản lượng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu để Sâm khoai Đồng Văn vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời mở ra cơ hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo cho bà con nơi biên cương Tổ quốc.

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202301/sam-khoai-huong-san-xuat-moi-o-dong-van-80e1330/