Sai lầm điều trị bệnh lý về da

Chỉ trong một thời gian ngắn, một cơ sở y tế đã điều trị cho 5 - 10 ca biến chứng vảy nến do đắp lá đu đủ đực, tắm nước củ ráy, uống thuốc gia truyền…

Chị P.T.V.K. (27 tuổi, Long An) bị vảy nến 20 năm, từng điều trị nhiều nơi nhưng không liên tục. Gần đây, thời tiết nắng nóng, bệnh bùng lại với các mảng phát ban màu hồng, nhỏ như nốt muỗi đốt.

Ảnh minh họa.

Chị được một thành viên trong nhóm cộng đồng bệnh nhân vảy nến tư vấn sử dụng bài thuốc uống nước lá đu đủ đực, củ ráy đun sôi hàng ngày; tắm với một số loại lá cây. Mới sử dụng được 1 tuần, vảy nến bùng phát nặng, da khô, nứt nẻ, chảy dịch vàng, đau ngứa.

Chị đến khám cơ sở y tế khám trong tình trạng sẩn mảng hồng ban tróc vảy loang lổ khắp người. Nghiêm trọng nhất là hai bắp chân sưng đỏ, nhiều mụn mủ, tróc vảy, đau nhức hạn chế đi lại. “Tôi rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn, càng bệnh càng stress, càng stress bệnh càng nặng”, chị K. nói.

Một trường hợp khác, ông V.V.L. (64 tuổi, TP.HCM), trước đó nghe quảng cáo của một thầy lang “chữa khỏi vĩnh viễn vảy nến” nên đã mua 30 thang thuốc, giá hơn 3 triệu đồng về uống trong một tháng. Ban đầu ông chỉ bị bong vảy ở khuỷu tay, đầu gối, uống hết 8 thang thuốc thì bệnh bùng phát.

Ông L. phải nhập viện vì sốt cao, suy thượng thận do thuốc, vảy nến nặng tiến triển thành đỏ da toàn thân. Vùng da lưng, ngực người bệnh cũng nứt nẻ, rỉ mủ và dịch vàng, các khớp chân tay sưng, đau nhức.

Đỏ da toàn thân là tình trạng vảy nến nặng nhất, dễ gây biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng, suy tim, suy hô hấp, rối loạn điện giải, rối loạn điều hòa thân nhiệt…

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay, mỗi tuần cơ sở tiếp nhận khoảng 20-30 bệnh nhân vảy nến; trong đó, khoảng 5-10 ca bị biến chứng do tự điều trị.

Vảy nến là tình trạng viêm mạn tính, cơ chế sinh bệnh là sự tương tác giữa yếu tố miễn dịch, yếu tố di truyền và yếu tố bên ngoài (thuốc, nhiễm trùng, stress, chấn thương, rượu bia, thuốc lá…).

Các lympho T sau khi hoạt hóa và đến da, cùng với các tế bào trình diện kháng nguyên, tế bào sừng sản xuất các cytokine gây tăng sinh thượng bì và hình thành mảng vảy nến.

Các tế bào sừng bị kích thích sẽ tăng di chuyển từ lớp đáy lên bề mặt da trong 3-4 ngày, ngắn hơn nhiều so với mức bình thường (28 ngày), gây ra tình trạng da đỏ, tróc vảy liên tục.

Vảy nến chiếm khoảng 2-3% dân số chung, có thể gặp mọi lứa tuổi, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau. Theo bác sĩ Dung, hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định thuốc đông y, thuốc gia truyền hay loại lá cây nào có thể điều trị được vảy nến.

Dùng các loại thuốc này thường khiến bệnh nặng hơn vì trước hết người bệnh sẽ bị chậm trễ trong việc tiếp cận với phương pháp điều trị chuẩn.

Hơn nữa, trong thành phần của thuốc gia truyền, đông y có thể chứa những hoạt chất giống corticoid, uống kéo dài sẽ làm vảy nến lan rộng và tiến triển sang thể nặng hơn.

Đồng thời làm rối loạn nội tiết, gây hội chứng Cushing do thuốc, dễ kích ứng da và tăng nguy cơ nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết…

“Vảy nến là bệnh mạn tính, kéo dài suốt đời, với các khoảng thời gian lui bệnh và tái phát xen kẽ. Vảy nến có cơ chế bệnh sinh liên quan đến yếu tố gen nên cả khi sạch thương tổn da cũng không thể coi là bệnh đã khỏi hoàn toàn. Vì vậy những quảng cáo cam kết chữa khỏi vảy nến 100% là sai sự thật”, bác sĩ Dung nói.

Thấu hiểu sự mặc cảm và khát khao thoát khỏi vảy nến của người bệnh, bác sĩ Dung cho biết dù đến nay chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng bệnh vẫn có thể được kiểm soát tốt với thời gian lui bệnh kéo dài, điều trị sạch thương tổn trên da, ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện các biến chứng của bệnh, nếu được thăm khám đầy đủ, tuân thủ điều trị và các hướng dẫn trong sinh hoạt hàng ngày.

Người bệnh cũng không nên tự ý ngừng thuốc đột ngột, hay sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh có nhiều phương pháp điều trị, có thể đơn trị liệu hoặc phối hợp các phương pháp như thuốc thoa tại chỗ; liệu pháp quang học; điều trị toàn thân bằng thuốc uống điều hòa miễn dịch hoặc tiêm thuốc sinh học.

Người bị vảy nến nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tập thể dục nhẹ nhàng, tăng cường sức đề kháng, hạn chế nhiễm trùng hoặc chấn thương. Ngoài ra, đi kèm vảy nến là các bệnh đồng mắc như tim mạch, tăng lipid máu, người bệnh phải kiểm soát chế độ ăn liên quan các bệnh này.

Chế độ ăn uống nên bổ sung thực phẩm giàu axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) như cá hồi, cá trích, cá thu, dầu ô liu nguyên chất, cây họ đậu, rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, áp dụng chế độ ăn không có gluten ở những người mắc bệnh celiac và những người có kháng thể kháng gliadin. Cần kiêng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, hạn chế thức ăn nhiều calo, dầu mỡ, thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa…

Nếu đang có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh vảy nến, tình trạng bệnh vảy nến lan rộng, nghiêm trọng hơn với sốt cao, nổi mụn mủ, đỏ da toàn thân, sưng đau khớp, mệt mỏi, khó thở, đau ngực… người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sai-lam-dieu-tri-benh-ly-ve-da-d213507.html