Sách ngôn tình không có lỗi, người xuất bản mới có tội

Trong mấy năm gần đây, ngôn tình là loại sách hot trên thị trường Việt và trở thành mối lo ngại của không ít bậc phụ huynh bởi những tác động lệch lạc về tư duy nhận thức, tâm lý của giới trẻ. Có thời gian, dòng sách này đã bị Cục Xuất bản, In và Phát hành "tuýt còi", tạm ngừng xuất bản vì "nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm". Nhưng, tại các hội chợ sách hay các cửa hàng sách, dòng sách này vẫn chiếm số lượng lớn và bán chạy. Báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với nhà văn Trang Hạ quanh vấn đề này.

- Truyện ngôn tình vốn mang đến những thông điệp ý nghĩa về tình yêu giản dị, chân thành. Nhưng nay, dường như nó biến tướng thành nhiều thể loại như tình yêu bạo lực, tình yêu từ cõi âm, tình yêu trong quan hệ huyết thống và cả yếu tố tình dục để câu khách… Chị nhận định thế nào về tình trạng này?

Nhà văn Trang Hạ: Tiểu thuyết tình cảm lên ngôi ngay từ giai đoạn 1930-1945, hay thời hoàng kim của Quỳnh Dao trong không gian văn học đô thị miền Nam. Thậm chí kể cả trong những cuốn tiểu thuyết phóng tác của Lê Văn Trương hay Bùi Giáng vừa dịch, vừa phóng tác, tình yêu và những câu chuyện hoàn hảo/bi kịch hoàn hảo về tình yêu vẫn làm rung động độc giả. Bởi lược đi những sến sẩm trong tình tiết, vẫn còn những giá trị sáng tạo về ngôn từ, vẻ đẹp của văn chương và kết cấu tác phẩm, những thông điệp nhân văn và nhân ái chân thực. Vì thế, các tác phẩm vẫn có chỗ đứng cho hàng chục năm sau này.

Nhà văn Trang Hạ.

Còn ngôn tình của thế kỷ 21 sinh ra cùng độc giả văn học mạng, được chuyển chở về Việt Nam theo cái tâm của những “con buôn” sách, thì đầy rẫy lỗi. Nhiều bài báo lên án sách của Đinh Tị và Bách Việt, nhưng có làm cho họ bớt lợi nhuận không, hay có làm cho Cục Xuất bản mạnh dạn “ra tay” với những kẻ đầu độc thị trường đọc ấy không?. Ngôn từ méo mó, tình tiết phi lý, cảm xúc xa lạ, tên sách cũng dịch sai, dịch giả một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không biết v.v… Thậm chí, những cuốn sách kiểu như chồng cô hiệu trưởng “yêu” ông bảo vệ trường cũng được phép in và bán tại Việt Nam. Thực sự, tôi thấy khó hiểu, nên không biết phải nhận định thế nào.

- Tại các hiệu sách, hiện có gần phân nửa là sách truyện ngôn tình và được các độc giả nữ săn đón vào loại bậc nhất hiện nay. Nếu như hỏi 10 bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X về sách ngôn tình, đam mỹ (đồng tính nam), thì có tới 8 người có thể liệt kê hàng loạt tác phẩm. Họ còn kể vanh vách toàn bộ nội dung và còn đọc từng đoạn, từng dòng một số cuốn như: “Trà trộn vào phòng con gái”, “Bên nhau trọn đời”, “Chỉ gọi tên em”… Theo chị, yếu tố nào đã chi phối thực tại trên?.

Nhà văn Trang Hạ: Ngôn tình bán chạy, vì dễ đọc. Loại sách dành cho những cái đầu sợ suy nghĩ, những trí não đã dùng truyện để trang trí, chứ không dùng sách để học hỏi. Mặt tích cực là ngôn tình mang lợi nhuận cho “con buôn” sách. Mặt tiêu cực là vô số ngôn tình đang được bao gói lại cho đẹp rồi bán sang tay độc giả. Từ khi Nhã Nam in hàng loạt sách ngôn tình, tôi đã chuyển sang mua sách của Tao Đàn. Tôi nghĩ ngôn tình không có lỗi, chỉ những người xuất bản sách ngôn tình có tội.

- Có nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ ngày nay sống ảo vì đọc quá nhiều truyện ngôn tình, nên không thể tìm được cho mình một tình yêu chân thành, một hạnh phúc thật sự, khi trong họ luôn ngự trị bởi một “soái ca”. Còn quan điểm của chị?

Nhà văn Trang Hạ: Tôi không biết từ lúc nào tiếng Việt cũng bị đầu độc, đẹp trai được thay bằng “soái ca” và một hệ thống những từ quái dị được sản sinh ra trong quá trình độc giả thưởng thức ngôn tình. Nhưng, sống ảo cũng chỉ là một khái niệm tương đối, vì nó là bộ mặt thật của số lượng không nhỏ những người không tìm thấy giá trị đó trong đời thật. Đọc ngôn tình hay tin ngôn tình là do bạn tự chọn. Sống ảo cũng là bạn tự chọn.

Hoa hậu Kỳ Duyên tô son đi bưng dưa hấu để chụp ảnh đánh bóng cá nhân là sống ảo hay sống thật? Hóa ra, họ tới tận nơi và làm tận tay, nhưng cũng đâu phải là thật. Vậy, việc sống ảo có khi chẳng liên quan gì tới sách ngôn tình, mà chỉ là hệ quả của tư duy nhận thức dễ dãi, thâu nạp dễ dãi, sùng bái cá nhân dễ dãi mà thôi.

- Xin cảm ơn chị về những chia sẻ hữu ích.

Thạc sĩ tâm lý Hà Thành:

Đa số giới trẻ đã hiểu lầm định nghĩa về “ngôn tình”. Những câu chuyện tình yêu mang sắc thái nhẹ nhàng, mang thông điệp tốt đẹp và những cái kết có hậu khiến cho người đọc thấy cuộc sống và tình yêu trở nên đẹp đẽ hơn trong suy nghĩ của họ, đó mới thực sự là truyện ngôn tình. Ngày nay, các nhà sách đang quảng cáo sách truyện “ngôn tình” theo cái cách mà họ nghĩ có thể thu được lợi nhuận nhiều nhất. Trong khi đó, người đọc lại không đủ tỉnh táo để phân biệt, cứ thấy “ngôn tình” là mua. Vô hình chung, những cuốn sách mang hơi hướng nhục dục, biến tướng với mục đích câu khách lại được độc giả trẻ đọc không có lựa chọn, khiến cho cảm nhận của họ về văn học bị méo mó. Đây không phải là sách truyện ngôn tình mà là “ngôn tình giả”.

Bảo Thoa
(thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/sach-ngon-tinh-khong-co-loi-nguoi-xuat-ban-moi-co-toi-40055.html