Sách giáo khoa Việt Nam: Cần đổi mới có hệ thống

(Petrotimes) – Mỗi năm học mới bắt đầu, điệp khúc “cải tiến sách giáo khoa” nhận được sự quan tâm của những người nặng lòng vì giáo dục. Chương trình trong sách giáo khoa (SGK) chính là linh hồn của nền giáo dục nước nhà, nhưng nội dung trong SGK hiện nay đang bộc lộ quá nhiều nhược điểm và đi thụt lùi so với sự phát triển của xã hội.

Việc đổi mới SGK cũng là một công việc bình thường ở tất cả các nền giáo dục. Ở nhiều nước, chu kỳ đổi mới chương trình, SGK phổ thông chỉ khoảng 10-15 năm. Ở nước ta, tính từ chương trình cải cách giáo dục năm 1981 đến lúc triển khai chương trình, SGK hiện hành là 21 năm.

Vào năm 2011, Bộ GD-ĐT dự trù một số tiền tới 70.000 tỉ đồng để xây dựng đề án “Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015”, trong đó, số tiền biên soạn chương trình sách giáo khoa là 962 tỉ đồng. Và năm học 2012-2013 chính là năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.

Một trong những nội dung đáng chú ý của chiến lược là thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ sau 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc và phù hợp với đặc trưng của từng địa phương, chú trọng giáo dục đạo đức và các giá trị truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động, hướng nghiệp cho học sinh.

"Người ngắn, "ta" dài

Nhận xét về SGK được sử dụng tại các cấp học hiện nay ở Việt Nam, GS Văn Như Cương cho rằng: “SGK của chúng ta như chiếc váy dài trong khi trào lưu của thế giới là đang ngắn dần lên”.

Hiện nay, lượng ấn phẩm NXB Giáo dục chiếm tới 80% lượng sách của cả nước. Theo Cục Xuất bản năm 2007 là 276,447 triệu bản, còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2004, người dân đã phải bỏ ra trên 2.000 tỷ đồng để mua sách học, chưa kể tiền vay của nước ngoài, và tiền hỗ trợ của Nhà nước.

Thế nhưng, cơ cấu sách rất bất hợp lý: sách phổ thông làm học sinh bội thực, ngược lại sách đại học quá ít, tỷ lệ sách đại học/sách phổ thông chỉ 1%-2% . Về số đầu sách trên khối lớp trung bình trên 200 cuốn, trong đó khoảng 60 cuốn sách giáo khoa, còn lại là sách tham khảo.

Cho đến nay chúng ta đã thực hiện 3 lần cải cách giáo dục và 1 lần đổi mới chương trình và SGK. Bên cạnh 4 lần thay SGK lớn, còn một số lần thay đổi nhỏ, như khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã thì chúng ta phải thay đổi SGK các môn KHXH để phù hợp hơn với thực tế lịch sử.

Qua nhiều lần cải cách, SGK vẫn dài và nặng về lý thuyết

Trong các lần cải cách, lần đổi mới SGK năm 2002 là bài bản nhất, bộ SGK được xây dựng rất công phu, nếu tính cả người viết sách, người thẩm định của cả 3 cấp thì phải đến 500 nhà khoa học tham gia biên soạn, thẩm định SGK.

Tuy nhiên, cách làm chương trình và SGK trong những năm qua có vấn đề, cách làm SGK hiện nay phổ biến bằng việc cắt khúc chương trình phổ thông cho nhiều nhóm làm, nhóm nọ không biết nhóm kia, theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Với cách làm như vậy, chương trình - SGK phải chỉnh sửa hàng năm và in lại.

Nhận xét về bộ SGK hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra 4 điểm yếu lớn nhất.

Đó là, chương trình học còn thiếu kiến thức, đặc biệt một số môn cốt lõi về khoa học tư duy, về kỹ năng sống, khả năng sáng tạo.

Thứ hai, SGK hiện tại định vị không đúng vai trò của các môn học trong cấu trúc kiến thức, ví dụ như ngoại ngữ được gọi là môn tự chọn, và từ lớp 3 trở lên mới dạy, trong khi ngoại ngữ hiện nay rất quan trọng.

Thứ ba là kiến thức bị phân khúc, tách rời, ngắt quãng, bộ SGK cần phải do một tổng chủ biên, quán xuyến từ đầu đến cuối, qua các lớp. Và cuối cùng là việc lựa chọn khối lượng và tính chất các đơn vị kiến thức đưa vào chương trình nhiều khi chưa có tính sư phạm, nhiều khi quá tải, sai thực tế...

Từ SGK của Pháp, nhìn lại giáo dục Việt Nam

Vừa qua, bộ sách giáo khoa (SGK) Toán được dùng phổ biến nhất tại Pháp hiện nay được NXB Giáo dục xuất bản và ra mắt tại Hà Nội, theo một dự án phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

Trong buổi giới thiệu cuốn sách Toán của Pháp bằng tiếng Việt tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Như Ý, Giám đốc Cty Sách dịch và Từ điển, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: “Hiện nay, đã có 7 ấn bản sách lớn về sách giáo khoa (SGK) của Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Đức, Australia đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đã trải qua ba cuộc cải cách lớn nhưng đều cải cách nhỏ lẻ, chắp nhặt. Việt Nam cần biên soạn các bộ SGK mà nền tảng cải cách tựa vào chính những bộ SGK của các nước tiên tiến”.

Riêng bộ SGK của Pháp là được chọn dịch đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Hiện nay, đã hoàn thiện lớp 1, 2, 3, 6, 7, sắp tới là lớp 4, 5, tức là đầy đủ cho bậc tiểu học và trung học của nước Pháp.

Cả bộ sách có một cấu trúc thống nhất rất rõ ràng, trong các bài bao giờ cũng gồm các phần: phần thứ nhất là khởi động, hoạt động gợi lại kiến thức. Sau đó đến phần vượt chướng ngại vật, phần kiến thức, và kiểm tra đánh giá, các đóng khung.

Ông Vũ Kim Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Toán tuổi thơ cũng đưa ra nhận xét, sách Toán của Pháp phong phú, nhiều thông tin về các lĩnh vực như môi trường, du lịch, có cả công thức làm bánh… thật gần gũi, không khô khan.

Bộ sách Toán của Pháp là tài liệu bổ ích dành cho giáo dục Việt Nam

Sách dành cho giáo viên khá dày, bản bằng tiếng Việt dày tới 400 trang (in hai màu), trong khi SGK (bốn màu) chỉ có hơn 100 trang. Tuy nhiên, trong cuốn sách Toán này không có thấy một đoạn định nghĩa nào. GS Văn Như Cương lý giải: “Tức là đặt câu hỏi rồi cho học sinh tự trả lời”. Đây là điểm khiến ông rất băn khoăn, bởi Việt Nam thường không có kiểu viết sách như vậy.

Ông Vũ Kim Thủy nhận xét, sách Toán của Pháp phong phú, nhiều thông tin và gắn với thực tế, ví dụ khi học về đại số thì lồng ghép khéo léo các vấn đề tính toán hàng ngày, kinh tế trong gia đình,...đến phần hình học thì lồng ghép các vấn đề về không gian, nhiều hình minh họa, chú ý đến sự thích thú của học sinh.

Anh Đỗ Hoàng Sơn, đại diện của bên phát hành sách chia sẻ: “Sách về giáo dục của Việt Nam cần phải có bảng tra cứu theo vần, sẽ mang tính quốc tế hóa hơn. Để sách, nhất là SGK năm 2015-2020 tới phải cạnh tranh được với Games và Web thì kênh hình phải đẹp. Bên cạnh đó, Internet phát triển, để đỡ phí trong việc in ấn, SGK sẽ chuyển tải được 60% trên bản in, còn 40% là phần mở rộng, bài tập dành cho học sinh sẽ được tải miễn phí từ mạng. Còn riêng sách dành cho giáo viên sẽ tải hoàn toàn từ Internet. Với những vùng sâu – vùng xa, NXB chỉ cần một số lượng nhỏ đủ để phát hành”.

Nền giáo dục của ta đã không kịp cập nhật so với nền giáo dục thế giới 12 năm qua. Việt Nam thực sự rất cần một những cuốn SGK bổ ích, triết lý, có mục tiêu và có hệ thống.

Vương Tâm

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/sach-giao-khoa-viet-nam-can-doi-moi-co-he-thong.html