Sách ảnh Bảo vật quốc gia vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: Những dấu ấn văn hóa đặc sắc

Với người dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và những người làm công tác nghiên cứu về văn hóa nói chung, TS Nguyễn Hồng Ân trở nên quen thuộc bởi ở đâu trên địa bàn Đồng Nai có dấu vết văn hóa khảo cổ, ở đó có dấu chân, mồ hôi, chất xám và thông tin đáng tin cậy của một nhà nghiên cứu từng làm việc dài lâu với các bậc thầy về khảo cổ học của đất nước.

Với đam mê khảo cổ học, tìm hiểu lịch sử, văn hóa Đồng Nai, tác giả đã dành nhiều thời gian trong suốt hơn 30 năm điền dã, nghiên cứu, khảo luận và đồng xuất bản nhiều công trình văn hóa truyền thống, đặc biệt là về lĩnh vực khảo cổ học. Có thể kể đến là các ấn phẩm Hàng Gòn - Kỳ quan cự thạch Việt Nam, Khoa học Xã hội, Hà Nội - 2015 (Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Giang Hải, Nguyễn Hồng Ân); Mộ cổ Đồng Nai, NXB Đồng Nai - 2020 (Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân); Văn hóa Cái Vạn; NXB Đồng Nai - 2021 (Phạm Đức Mạnh, Nguyễn Hồng Ân) và năm 2023, NXB Đồng Nai vừa ra mắt ấn phẩm Bảo vật quốc gia vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, sách nhà nước đặt hàng, khổ 23x25cm (ISBN: 978-604-475-471-0).

Với 252 trang sách là những bài nghiên cứu sắc sảo, hình ảnh về di tích, di vật và nhiều tư liệu khảo cổ quý, giới thiệu vùng đất từng chứa đựng trong lòng nó cả một phức thể di tích, di vật khảo cổ học quan trọng và xuyên suốt từ buổi đầu của thời đại Đồng sang sơ kỳ thời đại Sắt, chứng tỏ các thế hệ tiền nhân đã khởi nghiệp quả cảm và sáng tạo, bằng lao động khai phá và chiếm lĩnh, thích ứng với tự nhiên và xây đắp nên một trung tâm văn hóa Kim khí rực rỡ, một nền văn minh đặc sắc mà chúng ta quen gọi là Văn minh sông Đồng Nai - một trong những trung tâm văn hóa cổ của Việt Nam. Thành tựu quan trọng bậc nhất của cả thời đại này là cộng đồng cư dân tiền sử Đồng Nai đã từng bước nắm bắt và hoàn thiện tri thức về chế tác đá và thuật luyện kim, xây dựng nghề đúc đồng bản địa chuyên nghiệp. Di sản văn hóa nổi bật trong giai đoạn này là sưu tập đàn đá Bình Đa, sưu tập qua đồng Long Giao đã được công nhận là bảo vật quốc gia, Mộ cự thạch Hàng Gòn đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Văn hóa cổ ở Đồng Nai những thế kỷ đầu Công nguyên đã phát triển cùng với tiến trình phát triển chung của văn hóa đồng bằng Nam bộ. Cộng đồng cư dân văn hóa Óc Eo, hậu Óc Eo ở Đồng Nai là hậu duệ của cư dân Tiền - Sơ sử Đồng Nai. Di sản văn hóa nổi bật trong giai đoạn này là hệ thống các di tích đền tháp và đặc biệt tượng thần Vishnu Bình Hòa đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đồng Nai xưa là vùng đệm giữa hai vương quốc Chân Lạp và Champa. Vết tích văn hóa Champa được tìm thấy trên đất Đồng Nai qua khảo cổ học đặc biệt với tượng thần Vishnu chùa Bửu Sơn (Biên Hòa) niên đại năm 1.421 là cứ liệu quan trọng, trong đó nội dung văn bia nói đến một sự kiện lịch sử chiến tranh của một hoàng tử có tên Nauk Glaun Vijaya (Champa) sau khi giành được chiến thắng đã cho dựng tượng thần Tribhu Vanakranta (phù điêu thần Vishnu) bằng chiến lợi phẩm lấy được từ người Khmer.

Cuốn sách ảnh Bảo vật quốc gia vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đặc biệt giới thiệu về 3 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia và nhiều sưu tập hiện vật khác liên quan với các bảo vật quốc gia được sắp xếp theo tiến trình lịch sử để bạn đọc tiếp cận một cách toàn diện hơn về Văn minh sông Đồng Nai. Tập sách ảnh bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh này đến với bạn đọc trong dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển như là món quà tri ân đối với vùng đất, con người Đồng Nai và chắc chắn rằng đây sẽ là nguồn liệu tri thức khoa học - văn hóa có thông tin bổ ích, có thể tham khảo tốt với giới nghiên cứu khảo cổ học và các khoa học liên quan; có thể làm tài liệu học tập cho sinh viên và nghiên cứu sinh, giúp cho các thế hệ trẻ thêm hiểu biết về truyền thống lao động sáng tạo của các bậc tiền nhân trên mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Hạ Giao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/sach-anh-bao-vat-quoc-gia-vung-dat-bien-hoa-dong-nai-nhung-dau-an-van-hoa-dac-sac-79d62fa/